Nước ta nằm trong miền khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, thảm thực vật hết sức phong phú, trong đó có các cây cỏ được dùng làm thuốc. Cây thuốc và những vị thuốc y học dân tộc chính là thế mạnh của ngành dược chúng ta trong giai đoạn hiện nay và cả tương lai.
Tiềm năng to lớn:
Theo dược sĩ Đỗ Huy Bích (1988) tổng số cây thuốc được phát hiện ở Việt Nam là 1809 loài, trong đó 1432 loài đã ghi được mùa hoa quả, 1296 loài đã có tiêu bản. Nếu khảo sát theo tác dụng chữa bệnh thông thường thì có khoảng 253 cây chữa cảm sốt, 242 cây chữa ỉa chảy, 237 cây chữa kiết lỵ, 249 cây có khả năng tiêu độc, 282 cây chữa ho và viêm họng, 238 cây chữa tê thấp, 113 cây có tác dụng điều kinh…
Điều đáng nói là, cùng với bề dày lịch sử của dân tộc, kho tàng các cây thuốc và vị thuốc này ngày càng lớn lên, phong phú và đa dạng hơn. Tính đến nay (2004), theo tài liệu của Viện Dược liệu, chúng ta đã tiến hành điều tra và thống kê được 3948 loài cây và nấm lớn có công dụng làm thuốc. Như vậy, số lượng cây thuốc đã vượt xa so với 20 năm trước đây, trong đó có những cây rất đáng chú ý (mặc dù chưa được nghiên cứu đầy đủ) như xạ đen, móc mèo, lược vàng… và còn biết bao cây thuốc khác vẫn nằm rải rác trong dân gian hoặc trong những y thư gia truyền.
Chúng ta có cả một kho tàng kinh nghiệm thành văn hoặc bất thành văn trong việc trồng trọt, thu hái, chế biến, bảo quản và sử dụng các cây thuốc để phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho con người. Cùng với thời gian, kho tàng kinh nghiệm này đã tồn tại, phát triển và được kiểm nghiệm khắt khe bởi thực tiễn.
Những người làm việc trong các doanh nghiệp dược hẳn cũng nhớ câu chuyện thu tiền tỷ từ việc chiết xuất maniferin, một hợp chất có tác dụng chữa bệnh zona vào những năm 80 của thế kỷ trước và đến nay chúng ta đã có thể sản xuất nguyên liệu mangiferin đạt độ tinh khiết 98 % – 101%, xuất khẩu sang Nga cả nguyên liệu và thuốc thành phẩm với trị giá khoảng 1 triệu USD/năm.
Theo nhiều nhà nghiên cứu dược liệu, trong kho tàng thực vật nước ta không chỉ có xoài mà còn hàng trăm loài dược liệu có chứa hàm lượng lớn những hoạt chất quý giá dùng để sản xuất nguyên liệu bào chế thuốc thành phẩm như Taxol trong cây thông đỏ; Rurin và Troxerutin trong hoa hòe dùng để sản xuất thuốc làm bền thành mạch, dự phòng và trị liệu các bệnh lý xuất huyết ; Curcumin và Quercetin trong nghệ dùng để sản xuất thuốc phòng chống khối u, hỗ trợ điều trị ung thư, viêm loét dạ dày tá tràng…; Shikimic acid trong tinh chất hoa hồi dùng để sản xuất Oseltamivir Phosphate có tác dụng phòng chống virus cúm A/H5N1 và H1N1, mối đe dọa lớn với thế giới và Việt Nam (đến nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất Oseltamivir Phosphate từ acid Shikimic, phân lập từ quả hồi trên quy mô phòng thí nghiệm), Artemisinin trong thanh hao hoa vàng phục vụ sản xuất thuốc phòng chống sốt rét, đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước và tham gia xuất khẩu ; Vinblastin, Vincristin, Vindolin và Catharanthin từ cây dừa cạn làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư ; Sterol trong đậu tương dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng và bán tổng hợp các chất như Testosteron propionat, Ethinylestetradiol, DHEA; Carotenoid để làm thuốc chống lão hóa, chống ung thư từ quả gấc và hoa cúc vạn thọ ; Lutein, Zeaxanthin từ hoa cúc vạn thọ để làm nguyên liệu bào chế thuốc Vicuva; Rotundin trong củ bình vôi dùng làm thuốc an thần, trấn tĩnh; Glycosid từ quả mướp đắng để sản xuất thức ăn chức năng làm giảm hàm lượng đường trong máu…
Túi “ba gang” cho ngành công nghiệp dược:
Với một tiềm năng hết sức to lớn, nếu có một đường hướng đúng đắn và mạnh dạn, công nghệ đầu tư hiện đại và tiên tiến, đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ cao và chuyên nghiệp thì chúng ta có thể tạo ra một sức bật mới, một sự chuyển biến về chất cho công cuộc phát triển công nghệ chiết xuất dược liệu, có thể làm được cái gọi là may “túi ba gang” cho ngành công ngiệp dược. Điều đáng mừng là, Đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” đã xác định : xây dựng cơ sở chiết xuất hoạt chất tinh khiết từ dược liệu để đảm bảo 20% nhu cầu hoạt chất cho sản xuất thuốc vào năm 2015 và 30% vào năm 2020.
Phân tích định tính hoạt chất từ cây thông đỏ bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC. Ảnh: Kim Liên |
Cũng trong năm 2007, Thủ tướng đó có quyết định số 43 và 61 về phát triển công nghiệp dược, trong đó có đề cập đến các vấn đề tăng cường đầu tư phát triển các cơ sở chiết xuất tinh khiết các hoạt chất từ dược liệu với mục tiêu là : Nghiên cứu tạo ra những công nghệ có chất lượng cao ở trong nước, kết hợp với nhập khẩu, làm chủ và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản xuất nguyên liệu hoá dược phục vụ ngành công nghiệp dược và công nghiệp bào chế thuốc chữa bệnh, tiến tới chủ động sản xuất thuốc ở trong nước ; nghiên cứu khai thác và sử dụng có hiệu quả các hoạt chất thiên nhiên chiết tách, tổng hợp hoặc bán tổng hợp được từ các nguồn dược liệu và tài nguyên thiên nhiên quý giá và thế mạnh của nước ta, phục vụ tốt công nghiệp bào chế một số loại thuốc đặc thù của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh trong nước và xuất khẩu.
Quán triệt tinh thần của quyết định này, mới đây đã khởi công xây dựng nhà máy chiết xuất và tổng hợp dược liệu của Công ty cổ phần Hóa-dược phẩm Việt Nam đạt 3 tiêu chuẩn : thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-GMP), thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) và hệ thống an toàn chất lượng phòng thí nghiệm (GLP) đã khánh thành tại Bắc Ninh vào ngày 20/07/2010 với tổng công suất đạt 500 tấn nguyên liệu thành phẩm/năm.
Tới thăm và làm việc với Công ty cổ phần Hóa – dược phẩm Việt Nam và khánh thành nhà máy, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những quyết tâm và sáng tạo của Công ty cổ phần Hóa – dược phẩm Việt Nam trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, đồng thời khẳng định đây là một trong những mô hình điển hình góp phần đưa công nghiệp chế biến dược liệu của Việt Nam phát triển về mặt chất lượng cũng như quy mô để đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn
(Chủ nhiệm khoa Đông y- BV TW Quân đội 108)