THANH CAO
Tên khoa học: Artemiasia annua L. Họ Cúc – Asterceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây thảo sống hàng năm, cao 1,2 – 1,5m. Lá xẻ lông chim 2 lần thành dải hẹp phủ lông mềm, có mùi thơm. Cụm hoa hình cầu, hợp thành một chùm kép. Trong một cụm hoa có khoảng 25 – 35 hoa, xung quanh là hoa cái, ở giữa là hoa lưỡng tính. Hạt hình trứng rất nhỏ, có rãnh dọc. 1g hạt có từ 20000 – 22000 hạt.
Thanh cao mọc hoang ở Trung Quốc, Liên Xô, Mông Cổ, Ấn Độ, Nhật, Bắc Mỹ và một số nước Đông Nam Á. Năm 1982 thanh cao mới chính thức được phát hiện mọc hoang ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam và sau đó được trồng ở hầu hết các tỉnh để chiết xuất artemisinin.
Trồng trọt và thu hoạch:
Trồng bằng hạt.
Thời vụ gieo hạt ở các tỉnh phía Bắc là vào đầu mùa xuân, ở các tỉnh phía Nam là vào tháng 5 – 6. Có thể gieo thẳng lên luống sau đó tỉa bớt cây con, hoặc gieo hạt, khi cây cao từ 15 – 25 cm thì tỉa cây con ra trồng đại trà. Cách trồng từ cây con cho năng suất cao hơn.
Thời gian thu hoạch từ 5 – 6 tháng từ khi bắt đầu trồng cây con (nếu tính từ thời gian gieo hạt là 7 tháng). Thu hái khi cây bắt đầu ra nụ là thời điểm cho tỷ lệ hoạt chất cao nhất. Ở các tỉnh phía Nam thời gian sinh trưởng của cây ngắn hơn. Chặt cả cây, phơi nắng rồi rũ lấy lá khô, hoặc dùng máy tuốt lấy lá sau đó phơi nắng. Thu hoạch vào những ngày nắng ráo. Có thể thu hái lá nhiều lần: Lần 1 khi tầng lá gốc đã già, xuất hiện những lá vàng. Cắt lá phần gốc, sau đó bón phân tiếp. Sau 15 ngày lại thu hoạch tiếp cho đến khi cây có nụ hoa thì chặt cả cây để lấy lá.
Năng suất lá khô trên 1 sào có thể đạt 150 – 180 kg.
Bộ phận dùng
Lá đã phơi khô hoặc sấy khô- Folium Artemisiae annuae.
* Đặc điểm vi học của bột lá:
– Lông che chở có 2 dạng: Dạng hình chữ T, đầu đơn bào, hình thoi, chân đa bào. Dạng khác cũng đa bào, tế bào ở đầu thuôn nhỏ.
– Lông tiết đầu đa bào, chân đa bào.
Thành phần hoá học
1. Trong lá có chứa 0,4-0,6% tinh dầu (trên lá khô hàm ẩm 12-12,5%). Bằng sắc ký khi kết hợp với khối phổ (GC/MS) đã xác định được 35 cấu tử, trong đó các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic như – cubeben, – caryophylen, – farnesen, cadinen, – cubeben chiếm vào khoảng 14,75%. Ngoài ra còn có các thành phần monoterpenic như cineol (4,08%) và camphor (23,75%).
2. Thành phần có tác dụng sinh học quan trọng trong lá thanh cao là 1 sesquiterpenlacton có tên là artemisinin, là chất kết tinh, không có trong tinh dầu, được chiết xuất bằng dung môi hưu cơ. Hàm lượng artemisinin trong các bộ phận của cây ở các giai đoạn phát triển như sau (bảng 7.1):
Bảng 7.1: Hàm lượng artemisinin trong các bộ phận của cây Thanh cao ở các giai đoạn phát triển khác nhau:
Các giai đoạn phát triển | Hàm lượng % artemisinin | |||
Lá | Nụ hoa | Cành phụ | Cành chính | |
Cây xanh | 0,06 | – | – | – |
Bắt đầu ra nụ | 1,6 | 0,9 | 0,07 | 0,05 |
Ra nụ | 1,2 | 0,7 | 0,05 | 0,03 |
Hoa nở | 1,0 | 0,5 | 0,02 | 0,01 |
Như vây, trong cây thanh cao, lá có chứa nhiều hoạt chất nhất và thu hoạch vào thời điểm cây bắt đầu ra nụ là tối ưu. Yêu cầu trong kỹ thuật lá thanh cao có chứa tỷ lệ hoạt chất 0,7 – 1,4%, độ ẩm 12 – 12,5%, tỷ lệ tạp chất dưới 4%.
Kiểm nghiệm
– Định tính artemisinin trong dược liệu: Bằng SKLM, chiết artemisinin bằng ether dầu hoả, bốc hơi dung môi. Hoà tan cắn trong choloroform. Dung dịch này dùng để chấm sắc ký.
+ Dung môi khai triển: toluen – ethylacetat (95:5).
+ Thuốc thử hiện màu: paradimethyl aminobenzaldehyd (0,25g PAB trong 50 ml acid acetic).
Dược liệu phải có vết có cùng hệ số Rf và cùng màu với artemisinin chuẩn
– Định lượng artemisinin trong dược liệu:
Trong dung dịch kiềm (NaOH 0,05N) artemisinin sẽ chuyển hoá thành sản phẩm có độ hấp thụ cực đại ở vùng tử ngoại. Vì vậy có thể dùng phương pháp phổ tử ngoại để định lượng.
Chiết xuất artemisinin bằng ether dầu hoả, cất thu hồi dung môi. Hoà tan cắn trong cồn và thêm lượng cần thiết dung dịch NaOH 0,05N. Để ở nhiệt độ 500C trong 30 phút. Sau đó đo độ hấp thụ ở bước sóng 292 nm.
Phương pháp này thường cho sai số thừa, vì có những thành phần không phải là artemisinin cũng hấp thụ trong vùng tử ngoại. Vì vậy phải áp dụng phương pháp phổ tử ngoại kết hợp với SKLM: Dịch chiết cô đặc sau khi chiết xuất bằng ether dầu hoả được tách trên bản mỏng. Cạo vùng silicagel có chứa artemisinin trên bản mỏng. Làm phản ứng với dung dịch kiềm và đo độ hấp thụ ở bước sóng 292nm.
Chiết xuất artemisinin
Chiết bằng n-hexan hoặc xăng công nghiệp. Bốc hơi dung môi, cắn còn lại được kết tinh và loại tạp. Sấy khô ở nhiệt độ 600C, sẽ thu được artemisinin tinh thể hình kim, có độ nóng chảy 156 – 1570C, D17 = + 660 3’.
justify">Công dụng
Cây thanh cao được sử dụng trong Y học cổ truyền Trung Quốc làm thuốc chữa sốt rét vào năm 340, nhưng mãi đến năm 1967 mới được nghiên cứu và 1972 được chiết xuất dưới dạng tinh thể và được các nhà khoa học Trung Quốc đặt tên là Qinghaosu. Năm 1979 artemisinin được xác định cấu trúc hoá học.
Artemisinin có tác dụng đối với ký sinh trùng sốt rét. Tác dụng nhanh và thải trừ nhanh vì vậy ít gây kháng thuốc. Hiện nay những chế phẩm bán tổng hợp từ artemisinin như artesunat, dihydroartemisinin, arteether, artemether v.v… đang được quan tâm nghiên cứu với mong muốn nâng cao hiệu lực tác dụng. Những dẫn chất này có thể tan trong nước hoặc trong dầu, có thể sản xuất dưới dạng thuốc tiêm, để sử dụng trong điều trị các trường hợp sốt rét ác tính.
Lá và cuống hoa thanh cao được đồng bào dân tộc tỉnh Lạng Sơn dùng để chữa sốt cao, giải độc, rối loạn tiêu hoá. Lá non có thể nấu canh ăn thay rau. Y học cổ truyền Trung Quốc dùng lá thanh cao làm thuốc thanh nhiệt, bổ dạ dày, cầm máu, lợi đởm. Dùng riêng hoặc phối hợp với vẩy tê tê để chữa sốt rét.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.