TAM THẤT
Radix Notoginseng
    Rễ củ phơi khô của cây tam thất – Panax notoginseng (Burk.) F.H. Chen, họ Nhân sâm – Araliaceae.
Đặc điểm thực vật, nguồn gốc, trồng trọt.
    Cây thảo sống nhiều năm, cao khoảng  0,5m. Thân đơn, lá kép hình chân vịt, cuống lá dài, mỗi lá thường có 3-5 lá chét, mép lá  có khiá răng cưa nhỏ, trên gân chính rải rác có gân cứng thành gai. Cụm hoa tán đơn, hoa màu xanh nhạt. Quả khi chín màu đỏ. Hạt hình cầu.
    Tam thất là cây thuốc đã được trồng từ lâu đời ở Trung quốc, chủ yếu  ở tỉnh Vân Nam. Cây tam thất   được trồng ở một số tỉnh giáp giới Vân Nam của nước ta như Lào cai (huyện Mường khương, Bát sát) , Cao Bằng (Thông nông), Hà giang (Đồng văn) có thể cũng xuất xứ từ Vân nam.
    Muốn trồng đất phải được bón phân và chuẩn bị kỹ  từ một năm trước, chọn đất thoát nước, chia thành luống. Cần phải làm giàn che nắng để giữ độ  ẩm cần thiết. Vào  khoảng tháng 11-12 thu hạt ở những cây đã mọc 3-4 năm, xát bỏ lớp thịt quả, rửa sạch, để ráo, thêm ít tro và gieo ngay vào vườn  ươm. Tháng 3-4 năm sau cây mới mọc. Khi cây  được một tuổi thì  bứng cây con, cắt bỏ lá gốc trồng  vào vườn chính. Sau 4-5 năm có khi đến 7 năm mới  thu hoạch. Cây càng lâu năm thì rễ củ càng to. Cây rất dễ  bị sâu bệnh nhất là cây non vào tháng 3-5, cần phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh; có  thể phun dung dịch  Bordeaux xen kẽ với hỗn hợp lưu huỳnh, vôi (bột lưu huỳnh 500g, bột vôi 500g, nước 120 lít).

Đặc điểm dược liệu:

Hiện nay người ta biết khoảng 14 loài Panax trồng và mọc hoang. Ở nước ta có phát hiện một số loài thuộc chi Panax mọc hoang ở Sapa, Kontum và Quảng nam. Loài ở Kontum và Quảng nam (địa phận núi Ngọc Linh) đã được các nhà khoa học Việt nam và Liên xô cũ xác định là một loài Panax mới đặt tên là Panax Vietnamensis Ha et Grushv. Loài này đặc biệt có thân rễ nhiều đốt mang sẹo của những gốc thân mọc hàng năm lụi đi. Chiều dài và đường kính thân rễ thay đổi tùy theo độ tuổi của cây, thường daì 25 cm, đường kính 1-3,5 cm với cây khoảng 20 năm tuổi. Thân rễ cũng có mang nhiều rễ phụ. Tận cùng của thân rễ có một rễ củ nhỏ mang nhiều rễ con.

Dược liệu sau khi chế biến có hình dạng thay đổi, thường hình con quay hay hình củ cà rốt dài 2-6cm, đường kính 1-4cm. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc vàng xám, có những nếp nhăn dọc gián đoạn và vết sẹo còn lại của rễ nhánh. Phần trên xung quanh vết sẹo của thân có những u nhỏ lồi ra. Thể chất cứng chắc, vị thoạt đầu hơi đắng sau hơi ngọt.

Chế biến
Vào mùa thu, trước khi cây ra hoa, đào về rửa sạch, cắt rễ nhánh và thân rễ để riêng rồi phơi sấy cho đến khô (độ ẩm khoảng 12%) rồi phân loại. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại, củ to nặng khoảng 10-12g, khi chặt ngang củ có màu vàng nâu là loại tốt. Khi dùng đem hấp cho mềm rồi thái miếng. Có khi dược liệu được xay thành bột để uống.
Thành phần hoá học
Thành phần hoá học chính của tam thất là các saponin thuộc nhóm dammaran mà phần aglycon cũng là 2 chất 20(S) protopanaxadiol và 20(S) protopanaxatriol như ở nhân sâm. Sau đây là các saponin có trong rễ củ:

a. Các saponin có phần aglycon là 20(S) protopanaxadiol:
G-Rb1, G-Rb2, G-Rd, Gy-XVII, N-R4, N-Fa.
b. Các Saponin có phần aglycon là 20(S) protopanaxatriol:
G-Re, G-Rg1, G-Rg2, G-Rh1, 20Glc-G-Rf, N-R1, N-R2, N-R3, N-R6.
Đặc điểm về mặt thực vật được phân biệt với các loại Panax khác ở chỗ loài này phần lớn là bầu 1 ô, một vòi nhụy, thỉnh thoảng cũng có trường hợp 2 ô nhưng không có 3 ô hoặc hơn. Trái hình thận và phần lớn chỉ chứa một hạt trong lúc các loài khác thường có hai hạt hoặc hơn.Về mặt hóa học, theo Nguyễn Minh Đức (Bộ môn Dược liệu Đại học Y dược TP.HCM) trong luận án tiến sĩ bảo vệ tại Nhật 1994 cho thấy trong thân rễ có 23 saponin đã được biết, b – sitosteryl -3-0-b -glucopyranosid và 14 saponin mới thuộc nhóm dammaran do tác giả phân lập, xác định cấu trúc đặt tên Vina ginsenosid R1-R14.
Trong số các saponin trên, G-Rb1 có hàm lượng 1,8% và G-Rg1 1,9% còn G-Rb2 và G-Rc thì rất thấp.

(Chú thích: G= Gingsenosid, Gy: gypenosid, N= notoginsenosid)

Các bộ phận khác của cây như rễ con, lá hoa đều có saponin nhóm dammaran đã được nghiên cứu.
Kiểm nghiệm

Vi phẫu: Lớp bần gồm 4-5 hàng tế bào. Trong mô mềm vỏ có các ống tiết. Tế bào mô mềm có chứa tinh bột và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Tượng tầng. Bó liber gỗ phân cách bởi tia ruột.

Bột: Màu trắng ngà nếu vàng xám là loại tốt. Nhiều hạt tinh bột hình cầu gai hay hình đa giác, đường kính 3-20m m, đôi khi có hạt kép 2-3 hoặc hơn. Mạch gỗ phần lớn là mạch mạng đường kính 16-40m m. Mảnh mô mềm có ống tiết trong có chất màu vàng. Tế bào bần hình chữ nhật, thành mỏng màu nâu. Tinh thể Ca oxalat hình cầu gai.
Định tính
– Đun 1g bột tam thất với 5ml methanol – nước (8:2) trong 10 phút rồi lọc. Lấy 1ml bốc hơi đến khô, thêm 1ml anhydrid acetic và vài giọt acid sulfuric sẽ thấy có màu vàng rồi chuyển sang đỏ, tím, xanh rồi lục xỉn.
– Nhỏ vài giọt dịch lọc nói ở trên lên tờ giấy thấm, làm khô, quan sát dưới ánh đèn tử ngoại (365 nm) sẽ thấy vết có huỳnh quang xanh nhạt. Nhỏ tiếp lên vết đó vào giọt dung dịch acid boric bão hòa trong aceton rồi tiếp vài giọt dung dịch acid citric 10%, làm khô rồi quan sát tiếp dưới ánh đèn tử ngoại, sẽ thấy vết huỳnh quang màu vàng lục.
SKLM:
Có thể tiến hành như nhân sâm.
Tác dụng và công dụng
Trong đông y, tam thất được coi là vị thuốc có tác dụng làm mất sự ứ huyết, tác dụng cầm máu, giảm viêm, giảm đau.
Dùng chữa trị các trường hợp: ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu, tử cung xuất huyết, chấn thương.
Ngoài ra tam thất cũng được coi là một vị thuốc bổ như nhân sâm rất hay được dùng cho phụ nữ sau khi sinh nở.
Phụ nữ đang mang thai không nên dùng.
*
* *
Sau đây là một vài saponin có hàm lượng trội nhất: majonosid-R2 (5,29%), ginsenosid Rb1 (2%), ginsenosid Rg1 (1,37%)
Riêng có một saponin thuộc nhóm olean là hemslosid Ma3 đã được biết trong một cây thuộc họ Cucurbitaceae – Hemsleya macrosperma C.Y.Wu thì ở đây Nguyễn Minh Đức cũng lần đầu tiên xác định có trong một cây thuộc chi Panax.

Majonosid R2

Hemslosid Ma3
+ Có nơi trong nước ta còn lấy rễ của một số cây thuộc họ gừng: Stahlianthus thorelii Gagnep. để giả làm tam thất, cần chú ý đẩ tránh nhầm lẫn và giả mạo.

+ Ở Liên xô cũ có nghiên cứu một số cây thuộc các chi khác thuộc họ Nhân sâm và thấy thân rễ một số cây sau cũng có tác dụng bổ tương tự như nhân sâm: Aralia mandshurica Rupr. et Maxim; Echinopanax elatum Nakai; Eleutherococus senticosus Maxim. Cây Eleutherococus còn có tác dụng kích thích miễn dịch của cơ thể.
+ Cây Ngũ gia bì hương (hay Ngũ gia bì gai ) – Acanthopanax aculeatum Seem. Cây có gai, lá có 3-5 lá chét, có mọc ở Lào cai, Lạng sơn… cũng được khai thác để chế rượu bổ; bộ phận dùng là vỏ thân, vỏ rễ.
+ Một số cây thuốc khác mang tên sâm cần chú ý phân biệt:
– Đảng sâm – Codonopis tangshen Oliv., họ Hoa chuông – Campanulaceae. Dây leo, bộ phận dùng là rễ củ. Trong y học dân tộc cổ truyền, đảng sâm cũng được coi là vị thuốc bổ có mặt trong các bài thuốc như tứ quân, bát vị, thập toàn đại bổ… Đảng sâm mà ta đang khai thác trong nước là rễ củ của Codonopsis javanica (Blume) Hook.f.
– Đan sâm – Salvia miltiorrhiza Bunge.; họ Hoa môi – Lamiaceae; cây này ta đã di thực. Trong học dân tộc cổ truyền dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ, chữa rong kinh, kinh nguyệt không đều.
Nghiên cứu cho thấy đan sâm có tác dụng chống đông máu ức chế yếu tố ổn định fibrin. Đan sâm được phới hợp với xuyên khung chế dưới dạng tiêm bắp thịt (2ml thuốc tiêm tương đương 4g mỗi thứ dược liệu) có tác dụng điều trị bệnh tổn thương động mạch vành. Thuốc có tác dụng tăng dung tích máu chảy qua động mạch vành, ngăn cản kết tụ tiểu cầu, phòng ngừa nghẽn mạch.
Acid salvianolic A, một depsid có trong đan sâm có tác dụng chống tiết dịch và chống loét dạ dày do ức chế H+, K+, ATPase.
– Huyền sâm – Scrophularia buergeriana Miq., họ Hoa mõm sói- Scrophulariaceae (xem phần dược liệu chứa monoterpenoid glycosid)
– Thổ cao ly sâm (hay thổ nhân sâm) – Talinum patens (Gaertn.) Willd; họ Rau sam – Portulacaceae: cây thảo mọc hoang và được trồng có lá dày mọng nước làm rau ăn được. Đây là vị thuốc bổ rẻ tiền, đừng nhầm với nhân sâm.
– Sa sâm – Glehnia littoralis F. Schmidt; họ Hoa tán – Apiaceae. Ta thay thế bằng cây sa sâm nam – Launea sarmentosa (Willd.) Sch. – Bip. ex. Kuntze (Launaea pinnatifida Cass.), họ Cúc – Asteraceae Mọc phổ biến trên bãi cát ngoài bờ biển. Công dụng: chữa ho, sốt.
– Khổ sâm cho lá – Croton tonkinensis Gagnep., họ Thầu dầu – Euphorbiaceae. Chữa lỵ, loét dạ dày tá tràng.
– Khổ sâm dùng quả (nha đam tử, sầu đâu cứt chuột) – Brucea javanica Merr., họ Thanh thất – Simarubaceae Chữa lỵ, sốt rét, ung thư.
– Khổ sâm cho rễ – Sophora flavescens Ait., họ Đậu – Fabaceae. Ta không có.
– Sâm đại hành (tỏi Lào) – Eletherin bulbosa (Mill.) Urb. (Eleutherine subaphylla Gagnep.), họ La dơn – Iridaceae. Bộ phận dùng là củ màu đỏ nom như củ hành. Nhân dân ta dùng làm thuốc bổ máu, ngoài ra còn có tác dụng sát khuẩn dùng chữa viêm họng hoặc bột rắc lên vết thương (xem chương Dược liệu có tác dụng kháng khuẩn).
– Sâm bố chính (xem chương Carbohydrat).

https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0/50 ratings
Bình luận đóng