KINH GIỚI

Tên khác: Khương giới, giả tô, nhả nát hom (Thái) phjăc hom khao (Tày)

Tên khoa học: Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland. Họ Bạc hà (Lamiaceae)

MÔ TẢ

Cây nhỏ, có thân vuông phủ lông mịn, phân cành nhiều.

Lá mọc đối, mép khía răng, mặt trên màu lục sẫm có ít lông hoặc nhẵn, mặt dưới nhạt có nhiều lông và gân nổi rất rõ.

Lá vò ra có mùi thơm mát.

Cụm hoa mọc ở đầu cành và kẽ lá thành bông lệch bên, dài hơn lá; hoa nhỏ màu tím nhạt; lá bắc to màu lục; đài hình ống có lông dày; tràng hợp hơi cong, chia hai môi, môi trên 3 thùy, môi dưới hai thùy; nhị 4 thò ra ngoài tràng; bầu có vòi nhụy dài.

Quả bế tư, thuôn, nhẵn bóng

Mùa hoa quả: tháng 8 – 10.

Vị thuốc Kinh giới
Vị thuốc Kinh giới

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, kinh giới phân bố chủ yếu ở châu Á,

một số loài ở châu Phi và châu Âu. ở châu Á, có Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cây được trồng từ lâu đời và rất phổ biến ở khắp nơi, từ đồng bằng, trung du đến miền núi cao. Thường thấy ở các vườn gia đình và vườn thuốc của các trạm y tế xã.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIÊN

Cả cây, trừ rễ, thu hái quanh năm nhưng chủ yếu vào tháng 8, lúc cây bắt đầu ra hoa, đem về loại bỏ tạp chất rồi phơi hay sấy khô. Cả cây cắt ngắn được dùng với tên là toàn kinh giới. Nếu chỉ dùng cụm hoa thì cắt riêng kèm theo 1- 2 lá ngọn gọi là kinh giới tuệ (hoa đã nở, bông còn màu xanh).

Toàn kinh giới để nguyên có thể được dùng ở dạng tươi.

Kinh giới tuệ được chế biến theo 3 dạng sau:

  • Dạng để sống
  • Dạng sao vàng
  • Dạng sao đen.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Kinh giới chứa tinh dầu, flavonoid và các chất khác. Tinh dầu kinh giới gồm elsholtziaceton, linalol, ethyl benzoát, a-limonen, a-terpinen, y-cadinen, p-thuyon, elsholtrion…

Ngoài ra, còn có p-sitosterol, acid palmitic, acid linoleic, acid ursolic…

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Kinh giới có tác dụng hạ nhiệt. Tinh dầu kinh giới có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng vi khuẩn Bacillus subtilis, Shigella dysenteriae, Salmonella ty phi…

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

  • Toàn kinh giới có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, làm ra mồ hôi chữa cảm, sốt, cúm, nhức đầu, tê thấp, đau mình, mụn nhọt.

Liều dùng hàng ngày: 5 – 10g dưới dạng thuổic sắc.

Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

  • Kinh giới tuệ để sống chữa cảm nhức, mụn nhọt, viêm họng, phòng sởi.

Liều dùng hàng ngày: 10 – 20g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.

  • Kinh giới tuệ sao vàng chữa cảm, cúm.

Liều dùng hàng ngày: 6 – 8g dưới dạng thuốc bột. Ngày 2 lần.

  • Kinh giới tuệ sao đen có tác dụng cầm máu.

Liều dùng hàng ngày: 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Chú ý: Những trường hợp tự ra mồ hôi nhiều không nên dùng.

BÀI THUỐC

  • Chữa cảm, sôi, cúm, nhức đầu: Toàn kinh giới (5g), lá tía tô (3g), cam thảo đất (3g), kim ngân (4g), sài hồ nam hoặc cúc tần (3g), mạn kinh (2g), gừng (3 lát). Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa mụn nhọt, sưng vú: Toàn kinh giới (12g), thương nhĩ tử (12g), vòi voi (12g), liên kiều (12g), cỏ mần trầu (10g), kim ngân hoa (10g), hạ khô thảo (10g), bồ công anh (8g). sắc uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa trĩ: Kinh giới tuệ (12g), vỏ hoàng bá (12g), ngũ bội tử (12g), phèn phi (4g). sắc lấy nước đặc, ngâm hậu môn hàng ngày.
  • Chữa viêm họng: Kinh giới tuệ (12g), nhân hạt gai dầu (12g), tán nhỏ, trộn với mật làm viên, ngậm hàng ngày, mỗi ngày 2 – 4 viên.
  • Phòng chống bệnh sởi: Kinh giới tuệ (20g), thanh hao (20g), vỏ quả bưởi (20g). Tất cả đặt lên than hồng, lấy khói xông khắp người trong 10 – 15 phút.
  • Chữa đại tiện ra máu: Kinh giới tuệ phối hợp với hoa hòe (lượng bằng nhau) sao đen, tán nhỏ, uống mỗi lần 12g với nước sắc lá bạc hà, ngày 2 – 3 lần.
0/50 ratings
Bình luận đóng