Từ 1 ngày đến 1 tháng

  1. Thời gian mới sinh, thế nằm của Bé giống như khi Bé nằm trong bụng mẹ. Nếu kéo chân, tay Bé ra, Bé lại co lại.
  2. Nếu ta để ngón tay vào bàn tay Bé, Bé sẽ nắm chắc lấy có khi chặt đến nỗi các ngón tay Bé trắng bệch ra. Bàn chân Bé cũng có phản ứng tương tự.

Trẻ thường có nhiều phản ứng tự nhiên như : muốn bước đi khi được đặt theo thế đứng, muốn bú khi bị dụng vào môi… Bác sĩ thường thử đủ các phản ứng này để biết Bé có bình thường hay không.

Các cơ bắp ở cổ trẻ sơ sinh chưa có khả năng co lại như những cơ ở chân, tay : Do đó, khi ta nhấc ngửa Bé lên, Bé không ngẩng đầu lên được. Bác sĩ hay các nhà chuyên môn thường thử động tác này để xem các cơ bắp ở cổ Bé phát triển tới độ nào rồi.

Từ 1 tháng đến 4 tháng

Trẻ 1 tháng đã biết phân biệt tối – sáng, các bộ mặt quen thuộc, đường vòng, một số mầu sắc. Các cháu quan sát liên tục, nhìn mọi thứ, mọi vật cho tới khi thấy mắt mỏi. Bé nhìn chung quanh giường, những đồ chơi người lớn treo lủng lẳng trên đầu, nhìn bàn tay mình, nhìn các lá cây rung động… Mỗi ngày, mắt Bé lại có khả năng quan sát tinh tường hơn.

Tới tháng thứ 3, màu con ngươi mắt được xác định vĩnh viễn, các tuyến nước mắt bắt đầu hoạt động nên Bé đã khóc ra nước mắt. Bây giờ, Bé quay được cổ sang trái, sang phải, nên tầm nhìn của Bé rộng hơn, Bé biết nhận xét để nhớ các nét mặt quen : hình như có một khuôn mặt hay cúi xuống mình, những nét nhăn trên mặt mờ đi, miệng mở rộng… Thế rồi, tới một hôm nào đó, Bé bắt chước được nét mặt đó và nhoẻn miệng cười, nụ cười đầu tiên làm mẹ và cả nhà reo lên sung sướng.

Từ nụ cười ấy tới câu nói bập bẹ đầu tiên phải mất nhiều tháng. Trong thời gian đó, Bé có nhiều cách để làm mọi người cảm thông với mình như các tiếng ê – a, cách lăn mình sang.bên này, bên kia, cười thành tiếng v.v… Cứ như vậy, Bé mang lại những giây phút sảng khoái cho bố, cho mẹ, và cho tất cả những người thân thường quây quần quanh Bé.Thay tã lót cho bé phải chú ý những gì?

Mỗi ngày một lớn

Từ 1 tới 4 tháng, mỗi ngày Bé lại ít khóc hơn, khiến bố, mẹ cũng được ngủ yên. Bình thường thì Bé khóc mỗi ngày 3 giờ tới tuần thứ 6, và còn khóc 1/2 giờ khi đã được 3 tháng. Đây là thời gian trung bình. Có trẻ khóc nhiều hơn.

Người lớn không nên nghĩ rằng Bé khóc là Bé quấy. Vì còn nhỏ chưa biết cách thể hiện ý muốn của mình, nên Bé phải lấy tiếng khóc để báo cho mọi người biết ý muốn của mình như : muốn bế, muốn bú vì đã đói, muốn được thay tã ướt, muốn bỏ bớt mền ra vì nóng… Hoặc có những hiện tượng bất thường xảy ra với Bé như Bé bị đau bụng, Bé không ngủ được hoặc có điều gì đây làm Bé không ngủ yên, bị giật mình…

Nếu mọi việc đều bình thường thì từ tháng thứ 3 – 4, Bé ăn đều và ngủ đều. Trước kia, Bé thường ngủ lơ mơ, bây giờ giấc ngủ say và lâu hơn nhất là về đêm. Vì được ngủ say nên thời gian ngủ trong ngày ít đi. Thời gian mới sinh, Bé ngủ lơ mơ 20 giờ mỗi ngày. Được 16 tuần, Bé chỉ ngủ 18 giờ mỗi ngày, có 7 – 8 lần thức giấc. Ban đêm, Ềé không khóc nữa. Những cơn khóc vào buổi chiều cũng không còn, khi Bé được 3 tháng trở đi : có lẽ vì ở độ tuổi này, Bé không bị đau bụng nữa.

Hiện tượng ói sữa cũng không còn. Trong thời gian đầu, Bé thường bú mẹ hay bú bình mạnh quá nên nuốt cả không khí vào bụng. Bây giờ, Bé đã bú từ từ hơn, có thói quen tới bữa mới đòi bú.

Tóm lại, từ tháng thứ 3 trở đi, Bé khóc ít hơn, ngủ ngon hơn, ăn tốt hơn và đã có thói quen theo nề nếp sinh hoạt trong ngày. Người lớn có thể nhận thấy, hình như mỗi khi thức dậy, Bé đã biết chú ý quan sát những vật dụng và cả các sự việc diễn ra chung quanh mình.

  1. Bé biết nhìn theo người lớn, khi người lớn di chuyển. Bé biết cười thực sự. Nét mặt Bé thay đổi theo tình cảm.
  2. Đặt Bé nằm sấp, Bé ngẩng được đầu lên vì cổ đã cứng. Bế Bé lên khi Bé nằm ngửa, Bé cũng giữ được đầu thẳng.
  3. Bé đã biết điều khiển bàn tay của mình : khi nắm vào, lúc duỗi các ngón tay ra, giơ tay ra trước mặt, chơi đùa với bàn tay của mình. Bé biết dùng bàn tay để sờ, cào, gãi. Thấy có vật gì ở gần, Bé muốn với ngay tới vật đó. Bé biết nắm chặt tay vào các thanh giường. Nhưng nếu đánh rơi đồ chơi, Bé chưa biết tự nhặt lên.

Quen dần nề nếp

Từ 3 – 4 tháng trở đi, Bé bắt đầu biết nhận xét. Những việc chung quanh Bé thường lặp đi lặp lại như : những bữa bú, được thay tã lót, được tắm rửa, được bế hoặc nằm xe đẩy đi chơi, được nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc… tất cả những việc đó làm cho Bé quen dần với một nề nếp sinh hoạt hàng ngày.

Khi được bú, Bé cảm thấy vòng tay của mẹ, bầu vú, hơi ấm mùi người, tiếng nói của mẹ và sự dễ chịu khi cái đổi tan dần. Nếu được bú bình, Bé cũng cảm thấy gần đủ như vậy.

Khi được tắm, Bé nghe thấy tiếng nước chảy, cảm giác nước ấm thích thú được nằm truồng trong chậu nước, được rửa ráy, kỳ cọ.

Khi đi chơi, Bé nhìn thấy cánh cửa mở ra, bộ mặt quen thuộc của bố hay mẹ trên chiếc xe đẩy, tiếng động của đường phố, các lá cây rung động trong công viên…

Đối với các trẻ em ở tuổi này, mỗi việc làm liên quan tới Bé đều là một chuỗi các hiện tượng và cảm giác cùng với nét mặt của một số người quen thuộc. Những sự việc đó dần dần trở thành những điều quen thuộc đối với Bé. Có được nhìn thấy, cảm thấy như vậy Bé mới yên tâm. Khi đã quen với nề nếp sinh hoạt, Bé dự đoán được việc gì sắp tới trong ngày. Thí dụ, dù đói nhưng Bé cũng nán chờ được vì biết sắp tới giờ ăn và mình sẽ được ăn.

Nếu những giờ giấc và nề nếp sinh hoạt bị thay đổi, đứa trẻ sẽ thấy hoang mang và không được yên tâm. Do đó, chúng ta có thể rút ra những kết luận như sau :

  • Không nên thay đổi lịch trình sinh hoạt trong ngày một cách tùy tiện khi không cần thiết;
  • Không nên thay đổi luôn những người săn sóc Bé;
  • Nên dành cho Bé một chỗ đứng riêng, dù nhỏ, để Bé quen với chỗ của mình.
  • Nên tắm hoặc cho Bé đi dạo chơi đúng giờ giấc. Nếu có thể cũng không nên thay đổi người tắm cho Bé hoặc đưa Bé đi chơi.

Nếu cần có sự thay đổi thì phải có sự chuẩn bị. Có những thay đổi không thể tránh được như tới một thời gian nào đó, Bé phải cai sữa, thay đổi thức ăn; mẹ phải đi làm, nhờ người khác săn sóc Bé.

Phải mất một thời gian Bé mới làm quen được sự thay đổi đó, chịu đựng được sự xa cách đó. Bé cũng cảm thấy buồn, nhưng chính vì vượt qua được, mà Bé sẽ dần dần lớn lên.Nôn trớ ở trẻ nhỏ

Cai sữa

Đối vđi Bé, cai sữa không phải đơn thuần chỉ là việc thay đổi thức ăn hay chuyển cách bú, từ bú mẹ sang bú bình, mà còn là một sự mất mát lớn về tình cảm và tâm lý.

Hãy nghĩ tới tâm lý của Bé từ khi mới lọt lòng : khi thấy đói, cảm giác sung sướng nhất của Bé là được bú để làm tan hết sự khó chịu đó đi, được nằm trong vòng tay của mẹ và cảm thấy được che chở, được an toàn. Bé còn chưa biết ngồi, chưa sử dụng được bàn tay mình nên miệng Bé đúng là trung tâm của mọi cảm giác và cảm xúc : ăn, cười, ê – a thành tiếng, khóc để báo hiệu tới mọi người. Bầu vú mẹ là niềm vui, là hạnh phúc và niềm an ủi của Bé vì là vật Bé được đụng chạm trực tiếp, tập sử dụng bàn tay và cảm thấy được gần gũi với người mình thân yêu.

Vậy mà bây giờ người ta bắt Bé phải xa rời vật thân yêu đó và thay bằng một vật kỳ dị vô tri vô giác : cái bình với núm vú giả ! Chính người mẹ cũng cảm thấy bị hụt hẫng về tình cảm khi không cho con bú nữa. Bởi vậy, nhiều người cứ nấn ná, hoãn đi hoãn lại việc cai sữa cho con. Cho nên, trước khi cai sữa, phải có thời gian chuẩn bị cho cả con lẫn mẹ.

Cần phải tập cai sữa trong một thời gian dài, trong nhiều ngày hoặc trong nhiều tuần. Đứa trẻ sẽ quen dần với việc này, không phải là ít khó khăn. Nhưng sau khi đã vượt qua được, Bé sẽ trở thành cứng cáp hơn để sẵn sàng đương đầu với những trở ngại mới sẽ gặp trên con đường mỗi ngày mỗi lớn.

Những trở ngại của việc cai sữa

Có trường hợp người mẹ bất chợt phải cai sữa cho con, không có thời gian chuẩn bị. Như vậy, Bé có thể có nhiều phản ứng như : không chịu ăn sữa mới, thức ăn mới, từ chối không bú bình, ói mửa sau khi ăn, bị đau bụng v.v… Tuy vậy, không đứa trẻ nào chịu chết đói cả. Khi Bé phản ứng lại, không nên ép Bé ăn nữa. Rồi dần dần, Bé sẽ quen với chế độ ăn mới. Trong khi thay đổi chế độ ăn hoặc cai sữa, những người vẫn thường săn sóc Bé như bố, mẹ… nên trực tiếp cho Bé ăn hoặc có mặt trong lúc Bé ăn. Như vậy sẽ làm cho Bé yên tâm và an ủi Bé được một phần nào.

Thường việc cai sữa hoặc thay đổi chế độ ăn phải thực hiện một cách bất chợt là do các trường hợp như : mẹ và con phải cách xa nhau vì công việc, vì bệnh, vì mâu thuẫn gia đình, vì Bé phải tới nhà trẻ, tới trường….

Việc cai sữa có thể làm người mẹ thấy buồn rầu mất một thời gian. Nguyên nhân vừa có tính chất tâm lý : mẹ con xa nhau, không được bồng bế con trong khi ăn, không được cảm thấy sự dễ chịu khi nguồn sữa chảy ra lúc con bú. Nhưng cũng còn do nguyên nhân sinh lý nữa : khi thôi không cho con bú, thì sự hoạt động của các hoócmôn trong cơ thể cũng thay đổi.

Mẹ phải đi làm trở lại

Tại một số nước, người phụ nữ đi làm ở công sở, khi sinh con được nghỉ tới khi con được 2 tháng. Nhưng nhiều người cảm thấy đứa trẻ 2 tháng còn non quá, chưa rời được mẹ nên xin nghỉ thêm tới khi con được 4 tháng. Sự thật thì đứa trẻ 4 tháng đúng là có cứng cáp hơn và dễ dàng chịu đựng được cuộc thử thách xa mẹ này.

Tuy vậy, việc cai sữa và đưa con đi gửi hoặc để người khác săn sóc vẫn cần phải tiến hành dần dần như sau :

Ngày đầu, mẹ nên ở cùng con tại chỗ gửi (nếu có điều kiện) để Bé làm quen với các bộ mặt mới, chỗ ở mới. Thời gian đầu, chỉ để Bé ở lại 2 giờ mỗi ngày; 2, 3 ngày mỗi tuần rồi dần tăng số giờ và ngày lên.

Khi đưa con đi nhà trẻ, bố hoặc mẹ nên đưa đi? Dù Bé chưa nói được, nhưng cứ nói với Bé lý do bố, mẹ phải gửi con. Nhiều nhà tâm lý thấy rằng, đứa trẻ nghe bố mẹ nói, hình như có thể thông cảm và cũng được an ủi phần nào.

Nói chung, việc mang gửi một đứa trẻ rõ ràng là phải khác với việc mang gửi một gói hàng.

Bé lớn lên như thế nào ?

ở độ tuổi 3 – 4 tháng, Bé lớn lên do tự tìm tòi kinh nghiệm hoặc biết bắt chước. Thí dụ : Bé tự nắm được ngón tay cái của mình, giơ ra trước mắt để coi, rồi cho vào miệng mút thử.

Lần khác, Bé kêu “A, a”, nghe thấy tiếng mình lấy làm thích rồi lại thử kêu lại; Bé khua tay vào quả bóng, thấy nó chuyển động, Bé lại khua tay lần nữa, lần nữa…

Bé nhìn chung quanh, thấy người lớn cười, Bé cũng cười lại. Nụ cười của Bé làm mọi người cười vui. Bé dần dần cảm thấy mình cười sẽ làm cho người lớn cười theo.

Sự lớn khôn của Bé dựa trên việc bắt chước người lớn, làm đi làm lại nhiều lần. Mỗi lần làm lại là một lần Bé tập luyện, nhận biết và hiểu thêm.

Khi Bé làm gì, như chơi đùa với bàn tay mình, nói ê – a, Bé muốn được người lớn cùng tham gia. Nhiều người lớn thấy ngại không muốn ê – a hoặc tham gia chơi cùng Bé vì không biết rằng làm việc đó là giúp Bé luyện tập và cũng sẽ tìm thấy sự thư giãn cho mình trong trò chơi với Bé.

Từ 1 tới 4 tháng, Bé “lớn khôn” dần về mọi mặt vì :

  • Bé ngủ ít đi nên có nhiều thời gian thức hơn.
  • Bé phải qua các thử thách như đi nhà trẻ, làm quen với người lạ.

Việc thay đổi chỗ ở hoặc tới ở một nơi mới cũng khiến Bé phải có các nhận xét về con người, tiếng động, quang cảnh…

  • Trong thời gian Bé thức, mọi người tăng cường tiếp xúc với Bé : như nói chuyện với Bé, hát cho Bé nghe nhiều hơn khi trước.

Tuy vậy, cũng nên chú ý đừng làm Bé mệt. Khi bị hỏi chuyện lâu quá, tiếp nhiều người lớn quá, Bé có những biểu hiện cho biết mình đã mệt rồi như : nhắm mắt lại, quay mặt đi hoặc có hành động từ chối, trốn chạy…

Bé thích gì ?

ở độ tuổi từ 1 – 4 tháng, Bé thích gì ?

  • Thích bú mẹ, bú núm vú giả, mút ngón tay hoặc đồ vật gì có trong tay.
  • Thích nhìn chung quanh, nhìn bàn tay, cây cối, nhìn bố mẹ hoặc người lớn đứng gần mình hoặc đi lại gần nôi, thích ngắm các đồ chơi được mắc vào giường Bé.
  • Thích nghe thấy tiếng của mọi người. Từ cuối tháng thứ 2, Bé bắt đầu biết ê – a, nghe tiếng ê – a của mình và thích người lớn cùng phụ họa. Bé thích nghe tiếng hộp đồ chơi phát ra tiếng nhạc.
  • Thích được bế đi dạo.
  • Trước khi ngủ, Bé thích được yên tĩnh.
  • Khi thức giấc, Bé thích được thay đổi thế nằm.

Từ 3 tháng trở đi, Bé biết cười thành tiếng và thích được nằm hoặc bế ở chỗ đông vui, có mặt mọi người trong gia đình.

Bé không thích gì ?

Bé không thích tiếng động, sự thay đổi, những việc bất chợt làm Bé giật mình. Bé cũng không thích sự sinh hoạt không có giờ giấc nhất định, nhưng cũng không nên cứng nhắc quá.

Tất cả những cảm giác và cảm xúc Bé nhận được ngay từ khoảng thời gian đầu của cuộc sống, đều được tích trữ lại trong tâm hồn của Bé, để tới một ngày nào đó sẽ thể hiện ra trong cách ứng xử của Bé với mọi sự việc chung quanh và khi lớn, tạo thành nhân cách của một con người. Đó là những cảm xúc dễ chịu hay khó chịu, được thỏa mãn hay thất vọng, buồn rầu hay sung sướng, được phục vụ kịp thời hay phải chờ đợi… Tất cả những việc xảy ra có liên quan tới những cảm tưởng này đều được ghi nhận và biến thành tiềm thức, sẽ ảnh hưởng tới tính nết và cách hành động của Bé sau này.

0/50 ratings
Bình luận đóng