QUẾ  SRILANKA
Tên khoa học: Cinnamomum zeylanicum Gare et Bl.
Tên đồng nghĩa: Cinnamomum verum Presl.
Họ Long não – Lauraceae.
Nguồn gốc ở Srilanka và Nam Ấn Độ, được trồng nhiều ở một số nước nhiệt đới: Sri Lanka, quần đảo Seychelle, Ấn Độ, Madagasca. Nơi sản xuất nhiều nhất là Srilanka (24.000 ha). Hàng năm Sri Lanka sản xuất khoảng 3 tấn tinh dầu vỏ và 115 tấn tinh dầu lá.
Những điểm khác quế Việt Nam:
Về dược liệu: Khác với quế Việt Nam loại quế này thường được cạo hết lớp bần và cuộn thành từng ống với độ dày vào khoảng 0,2 – 0,8 mm, mùi rất thơm.
Về thành phần hoá học:
Vỏ có chứa 0,5 – 1% tinh dầu.
Hàm lượng aldehyd cinnamic trong tinh dầu thấp hơn quế Việt Nam khoảng 70%, ngoài ra còn có eugenol.
Tinh dầu vỏ quế Sri Lanka, Oleum cinnamomi Zeylanici, tên thương phẩm Cinnamon bark oil, là chất lỏng màu vàng sáng, mùi thơm dễ chịu, vị ngọt và cay, d25: 1,010 – 1,050, D20: 00 đến 20, nD20: 1,529 – 1,537. Thành phần chính là aldehyd cinnamic (65,4 – 75%), cinnamyl acetat (0,3 – 10,6%), eugenol (2,2 – 13,3%)
Lá chứa 0,75% tinh dầu. Tinh dầu lá có tên thương phẩm là Cinnamon leaf oil, là chất lỏng màu vàng nhạt, mùi như mùi tinh dầu đinh hương, d15: 1,030 – 1,050, D20: +1 đến – 20 , nD20:1,529 – 1,537. Thành phần chính của tinh dầu lá quế là eugenol 70 – 90%. Lá quế Srilanka có thể coi là nguồn nguyên liệu cung cấp eugenol.
Về sử dụng: Vỏ quế Srilanka rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, chủ yếu để dùng làm gia vị trong ngành thực phẩm, ít được sử dụng làm thuốc. Tinh dầu vỏ được cất từ dư phẩm khi chế biến vỏ quế được sử dụng để sản xuất nước hoa đắt tiền, dùng trong kỹ nghệ thực phẩm và kỹ nghệ Dược. Tinh dầu vỏ quế Sri Lanka rất đắt, giá 1kg ở thời điểm năm 1990 là 385 USD.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0/50 ratings
Bình luận đóng