CÂY VÚ BÒ

Tên khác: Cây vú chó.
Tên khoa học: Ficus heterophyllus L., họ Dâu tằm (Moraceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao 1-2m. Ngọn non có lông. Thân ít phân cành, có lông dày. Lá mọc so le, thường tập trung ở ngọn thân, hình bầu dục, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu thuôn nhọn, có 3-5 thùy (thường là 3), mặt trên nháp, mặt dưới có lông nhỏ, mép khía răng, gân gốc 3; cuống là có lông dày cứng; lá kèm hình ngọn giáo.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm hoa đực và hoa cái; hoa đực không cuống, lá đài 4, hình dải, dính nhau ở gốc, nhị 2; hoa cái có cuống, lá đài 4, thuôn tù, bầu hình trái xoan.
Quả phức, hình cầu, khi chín màu vàng.
Mùa hoa quả: tháng 9-12.
Bộ phận dùng: Rễ, nhựa mủ, phần trên mặt đất.
Phân bố: Vú bò phân bố rải rác khắp các tỉnh từ vùng núi thấp (dưới 600m) đến Trung du và đồng bằng.
Thành phần hoá học: acid hữu cơ, acid amin; các chất triterpen, alcaloid và coumarin.
Công năng: Khu phong thấp, tráng gân cốt, khứ ứ, tiêu thũng, sinh tân.
Công dụng: Thuốc bổ trong các trường hợp hư lao, tắc tia sữa, chữa phong thấp.
Cách dùng, liều lượng: Chữa phong thấp: Ngày dùng 15-20g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Mỗi lít rượu ngâm 100-200g rễ sao vàng, mỗi ngày uống 15- 20ml rượu này.
Chữa ngã bị ứ huyết, ngực bụng đau nhức, hòn cục: Toàn cây Vú bò giã nát, thêm rượu và ít muối, sao nóng đắp lên nơi đau.
Bài thuốc:
1. Chữa đau dạ dày, viêm tinh hoàn, lòi dom, sa tử cung: Vú bò 30g; Tô mộc, Hồi đầu thảo, Ngưu tất, Mộc thông mỗi vị 12 g. Sắc uống (Lê Trần Đức).
2. Chữa bế kinh, sau khi đẻ ứ huyết đau bụng: Rễ vú bò 30-60g. Sắc nước rồi thêm ít rượu uống.
3. Chữa đau phong thấp: Rễ vú bò 60g, móng giò lợn 250g, rượu 60g. Thêm ít nước, sắc còn nửa bát, chia làm 2

lần uống trong ngày cách nhau 4-6 giờ.

Chú ý: Rễ cây này thường gọi là Hoàng kỳ nam dùng thay thế Hoàng kỳ và còn dùng chữa ho, phong thấp.

5/51 rating
Bình luận đóng