Nhận định chung
Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm nhiễm mạn tính không chỉ trong khoang tai giữa mà còn lan đến sào bào, thượng nhĩ và xương chũm, thời gian chảy mủ tai đã kéo dài trên 3 tháng.
Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em thường có hai loại chính là viêm tai giữa tiết nhầy mủ và viêm tai giữa mủ. Trong viêm tai giữa tiết nhầy mủ, bệnh tích khu trú ở niêm mạc, còn trong viêm tai giữa mủ bệnh tích vượt khỏi niêm mạc và làm thương tổn đến xương, loại sau nặng hơn loại trước. Chúng tôi sẽ trình bày hai loại bệnh lý riêng biệt.
Viêm tai giữa tiết nhày mủ
Nguyên nhân của viêm tai giữa tiết nhầy mủ là do mũi, do xoang, do vòm mũi họng (VA), ngoài ra bệnh tích ở niêm mạc sào bào, niêm mạc thượng nhĩ hay làm cho chảy tai kéo dài. Bệnh tích khu trú ở vòi Eustache, ở hòm nhĩ, ở sào bào.
Nguyên tắc điều trị
Cần điều trị phối hợp săn sóc tại chỗ và điều trị nguyên nhân. Trong trường hợp cần thiết phẫu thuật mở thượng nhĩ để dẫn lưu.
Phác đồ điều trị
Điều trị tại chỗ: làm thuốc tai.
Điều trị bệnh lý mũi họng kèm theo.
Phẫu thuật khi bệnh lý kéo dài, đối với trẻ em nên mổ sớm phòng ngừa giảm thính lực.
Điều trị cụ thể
Điều trị cục bộ: Hút rửa tai khi có mủ và dùng một số thuốc nhỏ tai, giữ tai khô.
Phương pháp kể trên cho kết quả tốt nhưng không bền. Sau một thời gian ổn định tai sẽ chảy trở lại, do đó phải củng cố kết quả bằng cách điều trị nguyên nhân.
Điều trị nguyên nhân:
Nguyên nhân của bệnh là ở mũi và ở vòm mũi họng. Ở mũi chúng ta phải giải quyết viêm mũi xoang, quá phát cuốn mũi…
Nạo V.A.
Điều trị bằng phẫu thuật:
Ở trẻ em nhỏ bị viêm tai tiết nhầy mủ kéo dài, nhất là sau khi đã điều trị bằng những phương pháp kể trên nhưng không có kết quả, nên làm phẫu thuật mở thượng nhĩ dẫn lưu.
Tiên lượng và biến chứng
Tiên lượng bệnh tương đối tốt, bệnh diễn biến từng đợt và kéo dài nhiều năm. Có những đợt mủ chảy trong xen kẽ những đợt mủ đục, xen kẽ với những thời gian tai khô hẳn. Bệnh này không gây ra biến chứng đáng kể, thỉnh thoảng có thể gặp viêm da ống tai ngoài do mủ ứ đọng. Nếu bệnh kéo dài năm, mười năm, niêm mạc hòm nhĩ sẽ bị xơ hóa và có sẹo chằng chịt, làm giảm thính lực.
Viêm tai giữa mãn tinh mủ
Nguyên nhân
Viêm tai giữa mạn tính mủ có thể do viêm tai giữa mủ cấp tính chuyển thành. Bệnh trở thành mạn tính là vì không được điều trị hoặc có điều trị nhưng không đúng cách. Bệnh cũng có thể trở thành mạn tính vì có hoại tử xương ngay trong giai đoạn viêm tai cấp tính thí dụ như trong viêm tai do sởi, cúm, bạch hầu… Bệnh cũng có thể biến thành mạn tính vì sức đề kháng của bệnh nhân giảm sút như trong trường hợp lao, tiểu đường. Viêm tai giữa mủ có thể mạn tính ngay từ lúc đầu: bệnh không đi qua giai đoạn cấp tính. Bệnh nhân không hề đau tai hoặc sốt, không hề có triệu chứng toàn thân. Mức độ mãnh độc của vi trùng, tình trạng thông bào của xương chũm và sức đề kháng của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong thể bệnh này
Nguyên tắc điều trị
Tùy thuộc bệnh tích và tùy thuộc các giai đoạn mà có hướng điều trị bảo tồn hay điều trị phẫu thuật.
Phác đồ điều trị
Điều trị tại chỗ: làm thuốc tai.
Điều trị bệnh lý mũi xoang, họng kèm theo.
Phẫu thuật khi bệnh lý kéo dài, đối với trẻ em nên mổ sớm phòng ngừa giảm thính lực, hay khi nghi ngờ biến chứng.
Điều trị cụ thể
Điều trị bảo tồn:
Điều trị bảo tồn được áp dụng trong trường hợp viêm tai giữa mạn tính không kèm viêm xương chũm, không có cholesteatoma, không có biến chứng.
Dẫn lưu: bảo đảm ống tai thoáng sạch, cắt polyp ống tai nếu có, rửa bằng nước muối hoặc oxy già, sau đó dùng thuốc nhỏ tai.
Kháng sinh: nói chung các thuốc kháng sinh uống hoặc tiêm đều ít tác dụng đối với viêm tai giữa mủ mạn tính. Điều trị viêm tai giữa mạn tính bằng thuốc thường ít có kết quả vì nó đòi hỏi sự săn sóc hằng ngày do thầy thuốc làm và phải chẩn đoán chính xác bằng X quang (loại ra viêm xương chũm, loại ra cholesteatoma).
Điều trị bằng phẫu thuật:
Chỉ định phẫu thuật khi viêm tai giữa có kèm theo viêm xương chũm mạn tính, kèm theo cholesteatoma hoặc có biến chứng, có hồi viêm. Ngoài những chỉ định kinh điển nói trên, hiện nay cũng phẫu thuật viêm tai giữa mạn tính trẻ em không có biến chứng để bảo tồn thính lực.
Các phẫu thuật được áp dụng:
Mở thượng nhĩ: trong viêm thượng nhĩ đơn thuần hoặc viêm tai mủ nhầy kéo dài của trẻ em.
Mở sào bào thượng nhĩ: trong viêm tai giữa mạn tính có tổn thương ở sào bào và thượng nhĩ.
Khoét rỗng đá chũm bán phần (nạo khoét các tế bào xương chũm, bỏ đầu xương búa, bỏ xương đe nhưng giữ lại màng nhĩ) trong trường hợp có viêm xương chũm, có cholesteatoma ở xương chũm.
Khoét rỗng đá chũm toàn phần (nạo khoét các tế bào xương chũm, bỏ toàn bộ xương con để dẫn lưu).
Phẫu thuật chỉnh hình tai giữa gồm hai phần: phần thứ nhất lấy bỏ xương viêm, lấy sạch cholesteatoma bằng phẫu thuật mở sào bào thượng nhĩ hoặc khoét rỗng đá chũm, phần thứ hai tái tạo hệ thống dẫn truyền xương con có bít lấp hố mổ chũm hoặc không.
Tiên lượng và biến chứng
Về mặt chức năng, tiên lượng của viêm tai giữa mạn tính có mủ xấu hơn viêm tai giữa mạn tính tiết nhầy mủ. Bệnh nhân luôn luôn nghe kém và có khả năng điếc nặng, riêng đối với viêm thượng nhĩ, nếu được điều trị tốt, mức độ giảm thính lực sẽ rất ít.
Về mặt sinh mạng, viêm tai giữa mủ mạn tính có thể đưa đến tử vong do những biến chứng.
Những yếu tố làm cho tiên lượng xấu là:
Lỗ thủng ngoạm vào bờ xương hoặc ở màng Shrapnell.
Sự có mặt của cholesteatoma.
Những đợt bội nhiễm bộc phát mà chúng ta quen gọi là những đợt hồi viêm.
Biến chứng
Viêm tai giữa mạn tính có mủ có thể gây ra những biến chứng cục bộ hoặc biến chứng xa.
Biến chứng cục bộ:
Viêm xương tường dây thần kinh mặt, tường thượng nhĩ, viêm xương tiểu cốt.
Cholesteatoma xuất phát từ thượng nhĩ và lan rộng vào sào bào, vào xương chũm.
Viêm xương chũm cấp tính hoặc mạn tính.
Sẹo xơ dính trong hòm nhĩ sau khi tai khỏi bệnh.
Biến chứng ở xa:
Biến chứng ở xương: Cốt tủy viêm xương chung quanh tai, cụ thể là ở xương chẩm, hoặc xương đá.
Biến chứng nội sọ: Áp xe ngoài màng não. Áp xe đại não. Áp xe tiểu não. Viêm tĩnh mạch bên. Viêm mê nhĩ. Viêm màng não.
Biến chứng thần kinh: Liệt dây thần kinh mặt. Hội chứng Gradenigo (chảy mủ tai, đau nhức nửa bên đầu, liệt dây thần kinh số VI).