I. ĐẠI CƯƠNG:
Thoái hóa khớp là những bệnh của khớp và cột sống mạn tính, đau và biến dạng, không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm (của cột sống), phối hợp với những thay đổi ở phần dưới sụn và màng hoạt dịch.
II. CHẨN ĐOÁN:
LÂM SÀNG:
1. Đau:
- Kiểu “cơ giới” đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
- Vị trí: thường đối xứng 2 bên, đau ở vị trí của khớp hoặc đoạn cột sống bị thoái hóa, ít lan xa (trừ khi có chèn ép rễ và dây thần kinh).
- Tính chất: Đau âm ỉ, có thể có cơn đau cấp ( ở cột sống ) xuất hiện và tăng khi vận động, thay đổi tư thế, đau nhiều vào buổi chiều, giảm đau về đêm và khi nghỉ ngơi.
- Đau diễn tiến thành từng đợt, dài ngắn tùy trường hợp, hết đợt có thể hết đau, sau đó tái phát đợt khác, có thể liên tục tăng dần.
- Đau không kèm theo với các biểu hiện như: Sốt, viêm, sưng, nóng đỏ.
2. Hạn chế vận động:
- Hạn chế một phần các động tác của khớp và đoạn cột sống thoái hóa.
- Hạn chế nhiều do các phản ứng co cơ kèm
- Không làm được một số động tác: Quay cổ, cúi sát đất, ngồi xổm….
- Cứng khớp vào buổi sáng.
3. Biến dạng:
Không nhiều như các bệnh khớp khác: Biến dạng do mọc gai xương, do lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch ở ngón tay bị thoái hóa, các gai xương tạo nên hình hạt lồi lên ở khớp ngón xa.
4. Các dấu hiệu khác:
- Teo cơ: do ít vận động ở các cơ bị tổn thương.
- Tiếng lạo sạo khi vận động ít có giá trị vì có thể thấy ở người bình thường hoặc ở các bệnh khác.
- Tràn dịch khớp: Đôi khi thấy ở khớp gối do phản ứng xung huyết và tiết dịch.
5. Dấu hiệu toàn thân: Không có biểu hiện toàn thân.
CẬN LÂM SÀNG:
X-quang: có 3 dấu hiệu cơ bản
- Hẹp khe khớp khe không đồng đều, ở cột sống chiều cao đĩa đệm giảm, không bao giờ dính khớp.
- Đặt xương dưới sụn: Phần đầu xương hõm khớp, mâm đốt sống có hình đậm đặc, căn quang nhiều, trong phần xương đặc thấy một số hốc nhỏ sáng hơn.
- Mọc gai xương: Ở phần tiếp giáp giữa xương, sun và màng hoạt dịch; rìa ngoài của thân đốt sống, gai xương có hình thô và đậm đặc, một số mảnh rơi ra nằm trong ổ khớp hay phần mềm quanh khớp.
Nội soi khớp (nếu có điều kiện): Thấy những tổn thương thoái hóa của sụn khớp, phát hiện các mãnh xương rơi trong ổ khớp
III. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH:
A. Điều trị
Không có thuốc chữa quá trình thoái hóa, điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng là quan trọng, phải phối hợp nội khoa, vật lý và ngoại khoa.
1. Nội khoa:
Thuốc giảm đau thường dùng từ 2-4 tuần: Chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của tổ chức Y tế thế giới (WHO)
- Nhóm Acetaminophen (Paracetamol, Efferalgan), Efferalgan codein, Paracetamol 0,5g liều từ 1-3viên / ngày.
- Aspirin 1- 2 g/ ngày.
- Nhóm kháng viêm nonsteroid:
+ Diclofenac (voltaren…) viên 50mg x 2 viên/ ngày hoặc viên 75mg 1viên / ngày sau ăn no.
+ Hoặc Ức chế chọn lọc COX 2:
- Celecoxib 100 – 200mg/ngày.
- Piroxicam 10mgx2lần/ngày
- Meloxicam(Mobic) 7,5mgx2lần/ngày
- Edosic (Etodolac) 600-1.200mg/ngày
- Nabumetone (Korum, Novidol…) 1- 2 g/ngày
- Thuốc tăng cường dinh dưỡng sụn, thường dùng từ 4-6 tháng.
- Glucosamin 1500mg/ngày.
- Tinh chất sụn động vật.
- Thuốc ức chế Interleukin 1: Diacerein 50 – 100 mg/ ngày
- Thuốc tăng cường dinh dưỡng sụn, thường dùng từ 4-6 tháng.
2. Các phương pháp vật lý
Các bài tập thể dục cho từng vị trí thoái hoá
Điều trị bằng tay : Xoa bóp, kéo nắn, ấn huyệt: tập vận động thụ động. Điều trị bằng nhiệt: Hồng ngoại , bùn nóng, parafin…….
Điều trị bằng nước: Nước khoáng , nước nóng. Sử dụng các dụng cụ chỉnh hình
3. Điều trị ngoại khoa
Chỉnh lại các dị dạng của khớp bằng cách đục và khoét xương.
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cắt vòng cung sau hay lấy phần thoát vị Làm cứng dính khớp ở tư thế cơ năng
Ghép khớp nhân tạo
B. Phòng bệnh:
Phòng bệnh rất quan trọng bằng cách ngăn ngừa và hạn chế các tác động cơ giới quá mức ở khớp và cột sống, ta có thể dự phòng có kết quả các bệnh thoái hóa khớp, cột sống.