Nhận định chung
Tăng áp lực nội sọ có thể gây ra phù não, thiếu máu não, hoặc tụt não rất nhanh gây tử vong hoặc tổn thương không hồi phục, vì vậy cần phải được chẩn đoán sớm và xử trí tích cực.
Ở người trưởng thành, thể tích hộp sọ khoảng 1500 ml gồm (tổ chức não chiếm 80%, máu chiếm 10%, dịch não tuỷ chiếm 10%. Áp lực nội sọ bình thường là 10 mmHg, tăng áp lực nội sọ khi áp lực bên trong hộp sọ lên trên 15 mmHg. Áp lực tưới máu não lớn hơn 60 mmHg: theo công thức
Áp lực tưới máu não = Huyết áp trung bình – áp lực nội sọ
Nguyên nhân tăng áp lực nội sọ
Chấn thương sọ não.
Chảy máu não: trong nhu mô não, não thất, chảy máu dưới nhện.
Tắc nhánh lớn động mạch não: tắc động mạch cảnh trong, động mạch não giữa…
U não.
Nhiễm khuẩn thần kinh: viêm não, viêm màng não, áp xe não.
Não úng thủy.
Các nguyên nhân có khả năng gây tăng áp lực nội sọ khác:
+ Tăng CO2 máu; giảm oxy máu.
+ Thở máy có sử dụng PEEP cao (áp lực dương cuối thì thở ra).
+ Tăng thân nhiệt.
+ Hạ natri máu.
+ Tình trạng co giật.
Phác đồ điều trị tăng áp lực nội sọ
Nguyên tắc xử trí
Cần theo dõi áp lực nội sọ liên tục để duy trì đủ áp lực tưới máu não.
Áp dụng các biện pháp làm giảm áp lực nội sọ.
Duy trì huyết áp của người bệnh cao hơn mức bình thường hoặc huyết áp nền để đảm bảo áp lực tưới máu não (Cranial Perfusion Pressure – CPP) từ 65-75 mmHg.
Duy trì áp lực thẩm thấu máu 295 – 305 mOsm/L.
Hạn chế tối đa các biến chứng do tăng áp lực nội sọ gây ra.
Loại bỏ nguyên nhân gây tăng áp lực sọ não.
Xử trí ban đầu và vận chuyển cấp cứu
Cho người bệnh nằm yên tĩnh nếu người bệnh tỉnh.
Đầu cao 300 – 450 nếu không có hạ huyết áp.
Cung cấp đủ oxy cho người bệnh: thở oxy kính.
Duy trì huyết áp cao hơn huyết áp nền của người bệnh.
+ Hạ huyết áp: truyền dịch NaCl 0,9 %.
+ Tăng huyết áp: dùng thuốc hạ huyết áp (chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển).
Chống phù não: glucocorticoid khi có u não.
+ Methylprednisolon: 40 – 120 mg tiêm tĩnh mạch, duy trì 40mg/6giờ.
+ Dexamethasone: 8 mg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, duy trì 4 mg/6giờ.
Xử trí tăng thân nhiêt: paracetamol 0,5 gram bơm qua xông hoặc 1 gram truyền tĩnh mạch.
Vận chuyển khi huyết áp và hô hấp được đảm bảo.
Xử trí tại bệnh viện
(1) Nội khoa
+ Cho người bệnh nằm yên tĩnh nếu tỉnh.
+ Đầu cao 300 – 450.
+ Điều chỉnh rối loạn nước điện giải.
+ Điều trị tăng thân nhiệt: paracetamol 0,5 gram bơm qua ống thông dạ dày hoặc 1 gram truyền tĩnh mạch.
+ Kháng sinh: khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn thần kinh cần phải sử dụng kháng sinh càng sớm càng tốt, lựa chọn kháng sinh dễ thấm màng não, phải đủ liều lượng, vi khuẩn còn nhậy cảm với kháng sinh đó, thường dùng 2 loại kháng sinh kết hợp, thuốc truyền tĩnh mạch, điều chỉnh liều theo mức lọc cầu thận.
Cephalosporin thế hệ 3: ceftazidime 2g/ 8 giờ, cefotaxime 2g/ 4-6 giờ, ceftriaxone 2g/ 12 giờ…
Cephalosporin thế hệ 4: cefepime 2g/ 8 giờ.
Nhóm carbapenem: meropenem 2g/ 8 giờ.
Chloramphenicol: 4g/ 6 giờ. Vancomycin 30-60 mg/kg/ngày chia 2-3lần. Thường kết hợp với 1 trong các kháng sinh trên (khi chưa có kháng sinh đồ).
Người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc trên 50 tuổi: cephalosporin + vancomycin + ampicillin 2g/ 4 giờ.
+ Chống co giật: (xem bài trạng thái động kinh).
+ Chống táo bón: thuốc nhuận tràng như sorbitol, duphalac…
+ Bí tiểu: đặt ống thông tiểu.
Hồi sức bảo hô hấp: cung cấp đủ oxy cho người bệnh.
+ Người bệnh tỉnh: thở oxy kính.
+ Người bệnh hôn mê, rối loạn hô hấp cần phải đặt nội khí quản và thở máy (tránh sử dụng PEEP hoặc dùng PEEP thấp 5 cm H2O), duy trì PaCO2 từ 35 – 45 mmHg.
Hồi sức tuần hoàn.
Cần chú ý: duy trì huyết áp cao hơn bình thường hoặc huyết áp nền (huyết áp tâm thu 140-180 mmHg, huyết áp tâm trương < 120 mmHg) để đảm bảo áp lực tưới máu não (CPP: 65-75 mmHg).
+ Nếu người bệnh có hạ huyết áp: cần đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm 3 lòng. Truyền đủ dịch: dựa vào áp lực tĩnh mạch trung tâm, không truyền glucosa 5% và NaCl 0,45% vì làm tăng áp lực nội sọ do phù não tăng lên. Huyết áp vẫn không đạt được yêu cầu: sử dụng dopamine truyền tĩnh mạch.
+ Điều trị tăng huyết áp khi: huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 120 mmHg kèm theo suy thận. Nếu huyết áp tâm thu > 230 mmHg và/hoặc huyết áp tâm truwng > 140 mmHg: nitroprussid truyền tĩnh mạch: 0,1 – 0,5 µg/kg/ph, tối đa 10 µg/kg/phút. Hoặc nicardipine truyền TM: 5 – 15mg/giờ. Nếu huyết áp tâm thu 180 – 230 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 105 – 140 mmHg: uống chẹn β (labetalol) nếu nhịp tim không chậm < 60 lần/phút. Nếu huyết áp tâm thu < 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương < 105 mmHg: uống chẹn β (nếu nhịp tim không chậm < 60 lần /phút. Hoặc ức chế men chuyển: enalaprin 10mg/viên; peridopril 5mg/viên. Lợi tiểu furosemid tiêm tĩnh mạch nếu thuốc hạ huyết áp không kết quả.
Chống phù não: giữ áp lực thẩm thấu máu 295 – 305 mOsm/L.
+ Manitol chỉ dùng khi có phù não: 0,5 – 1g/kg/6giờ truyền tĩnh mạch trong 30 phút; không dùng quá 3 ngày.
+ Dung dịch muối ưu trương 7,5 – 10% 100 ml/lần có tác dụng giảm nhanh áp lực nội sọ, thời gian tái phát tăng áp lực nội sọ muộn hơn so với manitol 20%, cho kết quả tốt ở người bệnh bị chấn thương sọ não. Thời gian dùng không quá 3 ngày.
+ Thuốc an thần truyền tĩnh mạch
Thuốc: phenobacbital hoặc thiopental (100mg/giờ), propofol (5 – 80 μg/kg/phút). Tác dụng với liều gây mê: giảm phù não, giảm nhu cầu sử dụng oxy ở não, chống co giật.
Tác dụng phụ: hôn mê sâu hơn, hạ huyết áp. Cần theo dõi sát ý thức và huyết áp.
+ Glucocorticoid: chỉ định trong u não, áp xe não. Không dùng khi có tăng huyết áp. Thuốc: Synacthen 1mg tiêm bắp/ngày (tác dụng tốt trong u não). Methylprednisolon: 40 – 120 mg tiêm tĩnh mạch, duy trì 40mg/6giờ. Dexamethasone: 8 mg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, duy trì 4 mg/6giờ.
(2) Ngoại khoa
Khi biết rõ nguyên nhân, điều trị nội khoa không kết quả.
Não úng thuỷ: mổ dẫn lưu não thất.
Khối máu tụ lớn: lấy khối máu tụ, giải quyết chảy máu do vỡ dị dạng.
U não:
+ Khối u to: mổ láy khối u (thường khó khăn).
+ Khối u nhỏ ≤ 2 cm: xạ trị với tia Gama.
Áp xe não: sau khi đã điều trị nội khoa ổn định, áp xe khu trú lại.
Chấn thương sọ não có đụng dập não nhiều: mổ bỏ một phần xương sọ vùng đập dập ra ngoài để giảm áp lực nội sọ.
(3) Theo dõi áp lực nội sọ
Qua não thất: thông qua hệ thống dẫn lưu não thất.
Trong nhu mô não: đầu nhận cảm áp lực được đặt vào trong nhu mô não qua một lỗ khoan nhỏ ở xương sọ và được nối với máy theo dõi liên tục.
Dưới màng nhện: đầu nhận cảm áp lực được đặt vào khoang dưới nhện qua một lỗ khoan nhỏ ở xương sọ và được nối với máy theo dõi liên tục.
Ngoài màng cứng: đầu nhận cảm áp lực được đặt vào khoang ngoài màng cứng qua một lỗ khoan nhỏ ở xương sọ và được nối với máy theo dõi liên tục.
Tiên lượng và biến chứng
Tăng áp lực nội sọ kéo dài sẽ có tổn thương não khó hồi phục, tiên lượng xấu. Ở người bệnh hôn mê do chấn thương sọ não cho thấy thời gian tăng áp lực nội sọ càng kéo dài liên quan đến tiên lượng càng xấu.
Tăng áp lực nội sọ nếu không được xử trí kịp thời sẽ tạo ra vòng xoắn bệnh lý làm cho áp lực nội sọ ngày càng tăng có thể dẫn đến co giật, đột quỵ…tổn thương não không hồi phục..
Tụt não là biến chứng nặng, có thể làm cho người bệnh tử vong nhanh chóng.