Nhận định chung

Bệnh da nghề nghiệp là những bệnh da do tác động hay tiếp xúc với các tác nhân trong môi trường lao động. Có hàng nghìn chất hóa học, chất tiếp xúc độc hại khác nhau trong các nghề nghiệp khác nhau có thể tác động lên da theo nhiều cơ chế khác nhau.

Bệnh da nghề nghiệp tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, tác giả người Ý Bernardino Ramazzii (1633-1714) là người đầu tiên mô tả các bệnh da liên quan đến các nghề nghiệp khác nhau.

Các yếu gây hại trên da được phân chia như sau:

Cơ học: cọ sát, áp lực, rung động, rối loạn vật lý.

Hóa học: yếu tố và thành phần hóa học (thuộc cơ quan, ngoại cơ quan và protein).

Vật lý: nóng, lạnh, tia bức xạ (tia cực tím UV và tia ion hóa).

Sinh học: tác nhân gây bệnh như virút, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.

Các chất hay gây viêm da tiếp xúc:

Xà phòng, chất tẩy rửa.

Công việc tiếp xúc nước, ẩm.

Trang bị bảo hộ cá nhân.

Cao su.

Nickel.

Sản phẩm hóa dầu.

Dung môi và cồn.

Dầu cắt và chất làm nguội.

Epoxy và nhựa thông.

Aldehyd.

Keo không chứa epoxy và sơn.

Chất khác.

Phân loại lâm sàng bệnh da nghề nghiệp:

Viêm da tiếp xúc.

Viêm da tiếp xúc kích ứng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng.

Bỏng hóa chất.

Mày đay tiếp xúc.

Ung thư:

Ung thư do ánh nắng hoặc UV.

Ung thư do hóa chất.

Bệnh nang lông: Trứng cá, trứng cá do clo.

Bệnh tổ chức liên kết tự miễn:

Xơ cứng bì do silic.

Giống xơ cứng bì do vinyl chlorid, chất dung môi.

Rối loạn sắc tố:

Giảm sắc tố.

Tăng sắc tố.

Phản ứng vật lạ.

Nhiễm trùng:

Virút.

Vi khuẩn.

Nấm.

Phác đồ điều trị bệnh da nghề nghiệp (Occupational skin diseases)

Nguyên tắc chung

Điều trị tại chỗ theo các giai đoạn của tổn thương: cấp, bán cấp, mạn và các thể dày sừng.

Thay đổi quy trình, loại bỏ chất gây bệnh.

Điều trị cụ thể

Điều trị tại chỗ

Rửa tổn thương bằng các dung dịch như nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch trung hòa.

Các mỡ hoặc dung dịch làm dịu da: kẽm oxyt 10%, urea 10 % hoặc 20%.

Thuốc bôi corticosteroid: Hydrocortison, desonid, clobetason: dạng kem hoặc mỡ 0,5% hoặc 1%, bôi ngày 2 lần, sáng-chiều. Betamethason (dipropionat hoặc valerat): dạng kem hoặc mỡ 0,5% hoặc 1%, bôi ngày 2 lần, sáng-chiều. Trong trường hợp sẩn nổi cao, dày sừng nhiều, có thể băng bịt vào buổi chiều (tối). Triamcinolon acetonid: dạng kem hoặc mỡ 0,025%, 0,1% và 0,5%, bôi ngày 2 lần, sáng-chiều. Fluocinolon acetonid: dạng mỡ 0,05%, bôi ngày 2 lần, sáng-chiều. Thuốc điều trị cần thận trọng tác dụng phụ như teo da, giảm sắc tố, dễ nhiễm trùng. Mỗi đợt điều trị không nên quá 2 tuần.

Thuốc bôi kháng sinh (acid fusidic 2%, mupirocin 2% dạng mỡ và dạng kem), dung dịch milian hoặc xanh methylen trong trường hợp bị loét, trợt.

Điều trị toàn thân

Vitamin C liều cao: 1- 2 gam/ngày, uống.

Thuốc kháng viêm không steroid (uống sau ăn): paracetamol viên 500 mg, ngày uống 2 lần.

Kháng sinh chống bội nhiễm: amoxicillin (viên 500 mg, ngày uống 3 lần), erythromycin (viên 250 mg, 500 mg, uống 4 lần/ngày), cephalexin (viên 500 mg, uống 2 lần/ngày), cefuroxim (viên 250 mg, 500 mg, ngày uống 2 lần). Có thể sử dụng phối hợp kháng sinh hoặc kháng sinh khác tùy vào điều kiện mỗi địa phương.

Kháng histamin. Thế hệ 1: promethazin (viên 25 mg, 50 mg, siro 0,1%), clorpheniramin (viên 4 mg), hydroxyzin (viên 25 mg). Thế hệ 2: loratadin (viên 10 mg, siro 1%), cetirizin (viên 5 mg, 10 mg, siro 1%), levocetirizin (viên 5 mg, siro 0,5%), fexofenadin (viên 60 mg, 120 mg, 180 mg), desloratadin (viên 5 mg, siro 0,5%). Nhóm kháng histamin 3 vòng: doxepin viên 10 mg, 25 mg, 50 mg, 75 mg, siro 10%.

Giải mẫn cảm: áp dụng trong trường hợp phát hiện nguyên nhân. Người bệnh sẽ tiếp xúc với dị nguyên với nồng độ thấp và tăng dần. Việc áp dụng cần sự phối hợp của bác sĩ chuyên khoa.

0/50 ratings
Bình luận đóng