ỔI
Turio Psidii
Dược liệu là chồi kèm theo 2 – 4 lá đã mở của cây ổi – Psidium guyava L., họ Sim – Myrtaceae.
Đặc điểm thực vật
Cây cao 4 – 5m, cành non có 4 cạnh. Lá đơn, mọc đối, hình bầu dục. Lá non phủ lông trắng nhạt, vị chát. Vỏ thân nhẵn, khi già long ra từng mảng. Hoa trắng mọc riêng lẻ 2-3 cái một ở kẽ lá, 4 – 5 lá đài, 4 – 5 cánh hoa, rất nhiều nhị, bầu dưới 5 ô. Quả hình cầu khi xanh có vị chua và chát, chín có vị ngọt. Cây trồng lấy quả ăn. Ổi được trồng khắp nơi ở nước ta.
Vi phẫu: Biểu bì có nhiều lông che chở, biểu bì dưới có lỗ khí. Mô mềm giậu gồm 1 hàng tế bào, mô mềm khuyết chứa túi tiết tinh dầu và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Gân giữa: dưới biểu bì có hai lớp mô dày. Trong mô mềm rải rác có tế bào chứa tinh dầu và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Liber bao bọc xung quanh các bó gỗ, phân cách nhau bởi các tia ruột gồm tế bào thành mỏng.
Bột: Màu lục xám, mùi đặc biệt, vị chát. Soi kính hiển vi thấy: lông che chở đơn bào, tinh thể calci oxalat hình cầu gai, mảnh mô mềm có túi chứa tinh dầu.
Thành phần hóa học
Búp và lá non chứa tanin 8 – 9% (công thức của tanin xem phần đại cương). Trong lá còn có các flavonoid: quercetin, leucocyanidin, 2 flavonoid khác có tác dụng kháng tụ cầu: avicularin, guajaverin. Ngoài ra còn có acid crataegolic, chất sáp… Trong quả nhất là quả chưa chín cũng có tanin, flavonoid.
Công dụng
Dùng để chữa đi lỏng, lỵ. Trong kháng chiến chống Pháp cao búp ổi được dùng có kết quả rất tốt. Có thể dùng nước sắc để rửa các vết loét, vết thương.
https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh
Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật