Kích động tâm thần là một trạng thái hưng phấn tâm lý – vận động quá mức hoặc là những cơn xung động do mất sự kiểm soát của ý thức xuất hiện đột ngột, không mục đích rõ ràng, không thích hợp với hoàn cảnh. Trong trạng thái này người bệnh có thể kêu gào, la hét, chống đối, đập phá, vùng vẫy, chạy nhảy, leo trèo ở những nơi không thích hợp…

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định cơn kích động

Dựa vào các biểu hiện lâm sàng bệnh nhân có những hành vi cảm xúc bất thường xuất hiện đột ngột như gào thét, chống đối, vùng vẫy, đập phá… mang tính chất hưng phấn quá mức và xung động mất sự kiểm soát của lý trí.

Chẩn đoán nguyên nhân của tình trạng kích động tâm thần ở trẻ em và vị thành niên

  • Cơn giận dữ do mất kiềm chế cảm xúc ở những trẻ bị rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý, rối loạn hành vi chống đối, chậm phát triển tâm thần.
  • Cơn kích động do lo âu ở những trẻ bị rối loạn lo âu chia ly, rối loạn hoảng sợ, ám ảnh nghi thức, ảo giác do hoảng sợ cấp tính (đặc biệt ở trẻ 2-6 tuổi).
  • Sang chấn tâm thần mạnh gây ra trạng thái kích động ở một số bệnh nhân rối loạn phân ly (hysteria), loạn thần phản ứng.
  • Ý thức mê sảng do thực tổn gặp trong những trường hợp sau:

+ Bệnh nhân nội khoa: sốt, rối loạn thăng bằng điện giải, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, u não, xuất huyết não màng não, co giật, rối loạn nội tiết, bệnh tự miễn, thiếu oxy não, rối loạn chuyển hóa…

+ Động kinh có rối loạn tâm thần.

+ Phản ứng phụ đối với một số thuốc.

+ Ngộ độc thức ăn.

+ Phản ứng đối với một số thuốc gây nghiện.

+ Loạn thần tâm thần phân liệt, loạn thần cấp, hưng cảm, trầm cảm kích động.

+ Bị ngược đãi hoặc bị bỏ mặc.

XỬ TRÍ

Ngay từ đầu phải sử dụng những biện pháp thích hợp để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, gia đình và nhân viên y tế.

  • Hỏi người nhà sơ bộ tìm hiểu hoàn cảnh phát sinh kích động để có cách xử trí kịp thời.
  • Sử dụng liệu pháp tâm lý tìm cách ổn định ngay trạng thái tâm thần của bệnh nhân: dùng lòi lẽ thân mật, ôn tồn giải thích thuyết phục, dỗ dành, có thái độ bình tĩnh lắng nghe ý kiến của bệnh nhân về nguyên nhân kích động. Nếu bệnh nhân mới đến lo sợ bị giam giữ, có thể cho tham quan buồng bệnh và sinh hoạt của những bệnh nhân khác. Nếu bệnh nhân quá kích động chống đối, đập phá không chịu tiếp xúc, có thể nhiều người dùng áp lực đưa bệnh nhân vào buồng riêng để tiêm thuốc (tránh trói buộc). Không đi trước người bệnh. Chú ý kiểm tra bệnh nhân, thu giữ đồ vật nguy hiểm nếu có. Phòng của bệnh nhân không để dụng cụ đồ vật nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người.
  • Nếu bệnh nhân chịu khó khám bệnh thì nên tiến hành khám ngay:

+ Tim, mạch, phổi, huyết áp, dấu hiệu nhiễm khuẩn…

+ Các thương tích trên người.

+ Các triệu chứng thần kinh khu trú, hội chứng màng não và tăng áp lực nội sọ.

+ Làm các xét nghiệm cấp: công thức máu, urế huyết, đường huyết, huyết thanh chẩn đoán (nếu nghi nhiễm khuẩn)…

  • Nếu bệnh nhân quá kích động không để cho khám bệnh phải tiến hành điều trị ngay:

+ Giờ đầu: aminazin 25mg 1/2 – 1 ống tiêm bắp tuỳ theo lứa tuổi (liều trung bình 1mg /kg cân nặng).

+ Giờ thứ 3 nếu bệnh nhân chưa hết kích động dùng thuốc kết hợp sau: aminazin 25mg X 1 ống, pipolphen 50mg X 1 ống có thể tiêm bắp 1 lần hoặc chia 2 lần cách nhau 30 phút.

+ Giờ thứ 6 nếu bệnh nhân chưa hết kích động cho tiêm lại 2 ống thuốc trên một lần nữa. Thường thì hết đợt 3 hầu hết bệnh nhân hết kích động và ngủ yên.

  • Trong khi bệnh nhân đã yên, cần tiến hành khám bệnh tỉ mỉ về nội khoa, thần kinh và làm các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bệnh cơ thể, bệnh thần kinh đồng thời tiếp xúc với người nhà để hoàn thành bệnh án.
  • Khi bệnh nhân tỉnh dậy, thầy thuốc nên có mặt ngay để tiến hành liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân yên tâm, tránh kích động thứ phát do lo lắng sợ hãi trước môi trường mới.
  • Khi bệnh nhân hết kích động phải nhanh chóng chẩn đoán nguyên nhân, điều trị theo nguyên nhân của bệnh.

CHĂM SÓC VÀ CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG

Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (nhiệt độ, mạch, huyết áp…), các diễn biến bất thường, trạng thái tâm thần đặc biệt. Trong trạng thái kích động bệnh nhân thường mệt mỏi, suy kiệt cần chú ý bồi dưỡng cơ thể bằng điều chỉnh chuyển hoá (nước, điện giải), chế độ ăn uống đầy đủ calo, vitamin và các nguyên tố vi lượng. Nếu bệnh nhân không chịu ăn phải cho ăn bằng ống thông. Sau vài ngày tiêm bệnh nhân đỡ kích động có khả năng tiếp xúc, động viên bệnh nhân uống thuốc, tin tưởng điều trị.

Đối với gia đình bệnh nhân, hướng dẫn động viên họ, tránh gây sang chấn tâm lý cho bệnh nhân. Khi tình trạng bệnh ổn định giải thích cho gia đình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bệnh hoà nhập trở lại gia đình và cộng đồng, cho đơn thuốc điều trị ngoại trú.

0/50 ratings
Bình luận đóng