HỒ TIÊU
Tên khoa học của cây hồ tiêu: Piper nigrum L., họ Hồ tiêu – Piperaceae
Cây hồ tiêu còn gọi là hạt tiêu, cổ nguyệt.
Đặc điểm thực vật
Hồ tiêu là một loại dây leo, thân dài, nhẵn, bám vào cây tựa bằng những rễ. Thân mọc cuốn mang lá mọc cách. Có hai loại nhánh: một loại nhánh mang quả và một loại nhánh dinh dưỡng, cả hai loại nhánh đều xuất phát từ kẽ lá. Cụm hoa: hình đuôi sóc, mọc đối với lá, khi chin rụng cả chùm. Quả: hình cầu nhỏ, co chừng 20 – 30 quả  trên một chùm, lúc đầu màu xanh lục, sau có màu đỏ, khi chín màu vàng.
Phân bố, trồng hái và chế biến
Hồ tiêu được trồng ở các nước vùng nhiệt đới. Các nước cung cấp nhiều hồ tiêu như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippin, Cambodia, Brazil. Trung Quốc trước đây không có, mới thí nghiệm trồng ở Quảng Tây, Quảng Nam và Vân Nam.
Ở Việt Nam được trồng nhiều ở đảo Phú Quốc, Minh Hải, Kiên Giang, An Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Hàng năm nước ta xuất khẩu chừng 4000 – 5000 tấn hồ tiêu. Tại miền Bắc đã bắt đầu trồng ở Vĩnh Linh, hiện đang cố di chuyển dần ra phía bắc miền Bắc nước ta.
Tùy theo người ta muốn có hồ tiêu đen hay hồ tiêu trắng (hồ tiêu sọ) mà cách thu hái, chế biến có khác nhau.
– Muốn thu hồ tiêu đen, người ta hái vào lúc thấy có một vài quả đỏ hay vàng trên chùm quả, nghĩa là lúc đa số quả còn xanh. Những quả non chưa có sọ khi khô sẽ đễ giòn và vỡ vụn. Còn những quả khác khi khô vỏ sẽ nhăn lại, màu ngả đen.
– Muốn thu hồ trắng phải hái vào lúc quả đã thật chín, loại vỏ ngoài bằng cách chà xát hay ngâm dưới dong nước chảy 3-4 ngày, xát để loại hết vỏ đen rồi phơi khô. Loại này có màu trắng ngà, ít nhăn hơn, ít thơm hơn nhưng cay hơn. 
Bộ phận dùng.
      Quả xanh còn vỏ ngoài: Hồ tiêu đen (Fructus Piperis), là một quả mọng, khô, hình cầu, đường kính 4-5 mm, màu đen nhạt hay xám thẫm, nhăn nheo, phía dưới có sẹo cuống, phía trên có một điểm hơi nổi đó là vết tích cả vòi đã rụng.
Quả chín đã loại vỏ: Hồ tiêu trắng (Fructus Piperis), trông ít nhăn nheo hơn, màu trắng ngà, cắt dọc chỉ thấy vỏ trong và hạt.
Vi phẫu quả hồ tiêu.
Từ ngoài vào trong thấy:
Vỏ quả ngoài là lớp cutin dày, trong có 2-3 lớp tế bào ít nhiều đã hóa cứng.
Vỏ quả giữa dày có tinh bột, có tế bào chứa tinh dầu, càng vào phía trong càng nhiều, ở khoảng giữa có một ít bó libe gõ tương ứng với gân của tâm bì.
Vỏ quả trong gồm 1-2 lớp tế bào thành dày hình móng ngựa. Lớp vỏ hạt gồm vài hàng tế bào dẹt, dài chứa chất màu nâu. Phôi nhũ có tinh bột, ít tinh dầu, nhựa và alcaloid
Thành phần hóa học.
Tinh dầu: 1,2-3,5% trong hồ tiêu đen và 1,2-2,5% trong hồ tiêu trắng, màu vàng nhạt hay màu lục nhạt, có mùi thơm, thành phần chính của tinh dầu là α và β – pinen, sabinen, ▲3 – caren (+) limonen.
Alcaloid: 2-5% trong đó chủ yếu là piperin (chiếm 90-95%) có vị cay (pha loãng 1/200000 vẫn còn cay), piperin khi thủy phân sẽ cho piperidin và acid piperic (C12H10O4), chavicin là đồng phân (dạng cis- cis) của piperin có vị cay,khi thủy phân sẽ cho piperidin và acid chavicic (C12H10O4). Còn một lượng nhỏ các chất piperettin, piperylin và piperolein A, B ít cay hơn.
Ngoài ra trong hồ tiêu còn có cubelin không cay, chất béo và tinh bột.

Kiểm nghiệm.
  1. Định tính
 – Nhỏ lên bột hồ tiêu 1-2 giọt H2SO4 sẽ xuất hiện ngay màu vàng rồi chuyển nhanh sang màu đỏ nâu rồi màu nâu tối cuối cùng màu xanh nâu (phản ứng của piperin).
– Nhỏ lên bột hồ tiêu vài giọt cồn 90-95o, để hơi khô nhỏ lên một giọt nước đậy kính mỏng lên rồi soi sẽ thấy ở mép tấm kính mỏng có ít tinh thể piperin hình kim.
2. Định lượng
Người ta dùng phương pháp cân thì có 2 phương pháp:
–            Trộn 10g bột hồ tiêu với 20g vôi tôi, thêm nước để tạo bột nhão lỏng, đun sôi trong 15 phút. Sấy ở 100oC cho khô rồi chiết bằng ether, bốc hơi dung môi, sấy khô rồi cân.
–            Chiết bột hồ tiêu bằng ethanol 95o đun sôi, cất thu hồi dung môi, lắc cao còn lại với dung dịch KOH 0,1 N để loại nhựa. Rửa cặn còn lại bằng nước rồi hòa tan trong cồn 95o đun sôi. Loại màu bằng than xương. Lọc, để nguội rồi thêm nước cho piperin tủa lắng xuống, lọc lấy tủa, sấy khô rồi cân.
Tác dụng và công dụng
Hồ tiêu với liều nhỏ có tác dụng tăng dịch vị, dịch tụy, kích thích tiêu hóa ăn ngon, nhưng liều lớn kích thích niêm mạc dạ dày gây sung huyết và viêm cục bộ, gây sốt viêm đường tiểu, đái ra máu.
Piperin và piperidin gây độc ở liều cao, piperidin làm tăng huyết áp, làm tê liệt hô hấp và một số dây thần kinh (50mg/kg cân nặng). Piperin tiêm bắp cho thỏ và chuột bạch hoặc cho hít hơi với liều cao thì sau một thời gian kích thích ngắn, có hiện tượng thở nhanh lên chân sau tê liệt rồi mê hoàn toàn, co quắp, chết do ngừng thở. Giải phẫu thi thể, các phủ tạng đều có hiện tượng xuất huyết.
Ngoài công dụng làm gia vị, hồ tiêu được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, giảm đau (chữa đau răng), chữa đau bụng, tiêu chảy, cảm lạnh. Ngày dùng 1 – 3 g dưới dạng bột hay thuốc viên, thường phối hợp với một số vị thuốc khác. Hồ tiêu còn có tác dụng sát khuẩn, diệt ký sinh trùng, do đó người ta còn dùng hồ tiêu để bảo vệ quần áo len dạ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội

Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng