Con bạn đã đến tuổi tới lớp mẫu giáo. Ngày tới trường, lớp là thời gian rất quan trọng đối với cả mẹ lẫn con, nên cần phải có sự chuẩn bị và tìm hiểu về loại trường, lớp này.
Mục lục
Giữa gia đình và trường lớp
Lớp mẫu giáo phải có tính chất nửa nhà nửa trường.
Tính chất nhà ở chỗ : cô giáo được đào luyện qua trường sư phạm chuyên ngành, khi dạy trẻ phải có sự thương yêu và thông cảm với mỗi đứa trẻ như mẹ với con.
Đối với trẻ em, thì trường là nhà vì cũng có nơi cho các cháu chơi, có bàn, ghế, đồ dùng hợp với chiều cao của các cháu, có đầy đủ các đồ chơi, búp bê, cùng với không khí vui vẻ, thân mật như ở gia đình.
Ngoài ra, nơi đây là trường vì có các lớp, có cô hiệu trưởng, cô giáo; có giờ giấc sinh hoạt : lúc vào học, lúc ra chơi, lúc tan học. Nói chung là có kỷ luật của một mái trường, một nơi có tổ chức. Ở đây, các cháu được luyện tập để sử dụng tốt bàn tay mình, luyện mắt, tai, giọng nói bằng nhiều loại bài tập.
Tuy lớp mẫu giáo có không khí gia đình nhưng không thay thế được gia đình. Vai trò của cô giáo là kích thích trí thông minh, phát triển óc tưởng tượng, để học trò làm quen với đời sống xã hội, nhưng không thay thế được bố, mẹ của học trò.
Lớp mẫu giáo có lợi gì ?
Tới lớp, ngoài việc có các bạn cùng lứa tuổi, một Bé gái, ở nhà không có anh em trai, sẽ được gặp các bạn trai; các Bé trai có dịp được học cùng các bạn gái. Các trẻ là con một hoặc con đầu lòng trong gia đình được sinh hoạt chung với nhiều bạn.
Các trò chơi ở lớp cũng khác ở nhà vì là các trò chơi tập thể, có tính sư phạm.
Ở lớp, trẻ ein được học cách phát biểu. Người ta nhận thấy rằng khi mới tđi lớp khả năng nói của nhiều trẻ em rất kém. Điều này dễ hiểu vì ở gia đình các cháu ít được khuyến khích nói. Khi một đứa trẻ kể lể dông dài người lđn không muốn nghe và thường bảo các em : “Im đi ! Đừng nói nữa !” nhiều hơn là : “Cứ kể đi !”.
Tập cho các cháu nói thông thạo là một khâu chuẩn bị cho các cháu tập đọc và viết sau này.
Lớp mẫu giáo là nơi để các cháu tập làm quen với cuộc sống trong xã hội. Cô giáo chăm sóc các cháu là của tất cả lớp chứ không phải của riêng ai. Các cháu phải tập mặc quần áo lấy, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp, phải biết giữ trật tự trong sinh hoạt… Như vậy, khi về nhà, các cháu đỡ quấy và nhõng nhẽo với bố mẹ hơn.
ở lớp, các cháu còn biết hợp sức với tập thể các bạn, với những người lớn hơn trong các công việc. Dần dần, các cháu cảm thấy tác dụng của cá nhân mình trong tập thể : điều này rất có lợi cho các cháu nhút nhát kém tự tin.
Vài điều còn khó khăn của lớp học
Việc cho con tới lớp cũng làm cho bố mẹ thêm bận rộn : buổi sáng phải dậy sớm hơn để đưa con tới trường. Nếu cháu học cả 2 buổi thì cả ngày phải đưa đi đón về tới 4 lần. Nhiều buổi trưa, không còn thời gian ngủ trưa nữa.
Có 2 vấn đề mà trường học chưa giải quyết được : đó là sự ồn ào và con số trẻ quá đông trong một lớp. Con số trung bình 35 cháu trong một lớp đã là nhiều, vậy mà thực tế thường còn hơn thế nữa khiến cho cô giáo, dù có tận tâm đến đâu cũng khó lòng chú ý săn sóc cẩn thận được từng cháu trong lớp.
Có 2 trường hợp cần chú ý khi đưa Bé tới lớp :
- Nếu bà mẹ đã có mang, gần tới ngày sinh thì nên cho Bé tới lớp trước để Bé khỏi nghĩ rằng : bố mẹ yêu em bé hơn nên mình phải xa bố mẹ.
- Nếu Bé vừa phải xa gia đình một thời gian (vì phải nằm bệnh viện hoặc bố mẹ đi xa v.v…), nên hoán lại ít hôm để Bé được hưởng lại không khí đầm ấm của gia đình bên bố mẹ. Trước khi đưa cháu tới trường, nên chuẩn bị trước bằng những lời nói như : “Bây giờ con đã lớn nên cần đến trường để có thêm nhiều bạn. Cô giáo sẽ dạy con vẽ, rồi mỗi lần ở trường về, con sẽ cho bố mẹ coi những hình vẽ của con”, “ở trường con sẽ có các đồ chơi mới, sách mới. Con sẽ được học đàn, xem phim và biết cả múa rối….”.
Không nên mang trường và cô giáo ra để dọa trẻ, như : “Rồi cô giáo sẽ cho mày vào kỷ luật !”, “không chịu ăn thì sẽ ngồi lại một mình ở phòng ăn !”.
Ngày đầu tới lớp
Bố hay mẹ nên đưa con tới lớp trong những ngày đầu. Sau này, việc đưa cháu đi học có thể nhờ một người khác. Nếu khi bạn về, cháu có khóc cũng là điều tự nhiên. Nên cương quyết để cháu ở lại và ra đi. Nếu bạn trù trừ ở lại, sẽ thành cái lệ, gây khó khăn cho bạn, mỗi khi chia tay với cháu. Nỗi cảm xúc của cháu sẽ chóng qua đi khi cháu tiếp xúc với nhiều điều mới lạ. Khi tan học, chính bố hay mẹ nên đón con về. Như vậy, các cháu sẽ rất phấn khởi.
Nếu sau 15 ngày, tới giờ mẹ đưa con tới trường, con vẫn không chịu đi, vẫn khóc thì nên xét lại xem có phải tại thái độ rụt rè, bịn rịn, thương cảm quá của chính mẹ làm ảnh hưởng tới con không. Trường hợp này, nên đổi để bố đưa con tới lớp thay mẹ một thời gian.
Bé đã tới trường một cách ngoan ngoãn được một tuần, một tháng. Bỗng một buổi sáng, trước khi đi học, Bé khóc òa. Tại sao ? Có thể vì vừa qua, Bé bị ho, bạn đã để Bé ở nhà mấy ngày. Nay phải dậy sớm, Bé thấy ngại khi lại phải khép mình vào nề nếp. Hoặc những cảm tưởng hăng hái lúc ban đầu của
Bé như : thấy mình đi học như là người lớn, bị thu hút bởi những cái lạ, trường, lớp, cô giáo…) nay đã qua rồi. Bây giờ, Bé nhớ những cảm giác thoải mái khi ở nhà (được ngủ trưa, được theo mẹ đi phố, không cảm thấy bị lạc lõng giữa các bạn mà Bé chưa quen…) nên bỗng thấy ngại tới lớp.
Nói chung, muốn cho một đứa trẻ quen với việc tới lớp, phải mất vài tuần lễ. Trong thời gian đó, bố mẹ nên chú ý làm sao cho Bé không có cảm tưởng rằng trường và gia đình cách biệt với nhau. Muốn vậy, chính bố hay mẹ nên chăm đưa con đi học và đón con lúc về. Khi về nhà, nên hỏi con những điều đã học ở trường, để Bé có dịp kể và nói; khen ngợi Bé và giữ gìn các hình vẽ Bé vẽ được. Những việc làm như vậy sẽ vừa tình cảm lại vừa khuyến khích Bé rất nhiều. Một hôm nào đó, hãy để Bé mang một bông hoa tới trường cho cô giáo hoặc rủ một bạn ở trường về nhà. Những việc đó làm Bé gắn bó thêm với trường, lớp.
Là bố, mẹ bạn cần liên lạc luôn với cô giáo. Chắc chắn bạn sẽ được cô giáo cho biết nhiều điều về con mình mà bạn chưa hề biết. Khi tiếp xúc với cái xã hội nhỏ bé trong lớp, con bạn có thể bộc lộ ra những nét đặc biệt về tình cảm, về tính nết mà bố mẹ cần phải rõ để chăm sóc và dạy dỗ con sau này.
Theo dõi những cảm xúc của Bé
Trường hợp đi học về mà Bé chẳng nói gì về những hoạt động ở trường cả. Có thể vì :
– Bé chưa quen, còn thấy tới lớp là một việc đáng buồn. Hoặc Bé có tính tình kín đáo, không muốn thổ lộ những cảm tưởng riêng của mình trong lúc này, để tỏ ra mình là một người lớn.
Hãy hỏi cô giáo về Bé và tôn trọng thái độ im lặng của Bé.
Trường hợp Bé tỏ vẻ không quan tâm và cũng không tham gia bất cứ trò chơi nào ở trong lớp. Có thể : Trong nhóm sinh hoạt, Bé nhỏ quá chăng ? Hay lớn quá ? Hoặc ở nhà, Bé thường được săn sóc quá mức nên bây giờ còn nhút nhát. Nếu sức khỏe của Bé không được tổ’t, thì Bé thấy ngại không muốn tham gia vào những hoạt động ồn ào.
Dù sao, thì bạn cũng nên trao đổi với cô giáo, để tìm cách lôi cuốn nhẹ nhàng Bé vào những trò chơi vui của tập thể.
Cho học trước để nhảy lớp, có nên không ?
Nhiều bậc cha mẹ cho con tới lớp mẫu giáo sớm để mong rằng rồi đây sẽ cho các cháu học tiếp ở lớp vđ lòng, cấp 1, 2 v.v… sớm hơn được 1 hay 2 năm.
Tính như vậy không có lợi, vì trẻ cần phải được phát triển đúng mức độ một cách toàn diện. Có thể có cháu có biểu hiện thích đọc, thích viết, biết đêm sớm hơn một số trẻ khác, nhưng cơ thể của cháu không hề có gì vượt trội hơn : cháu vẫn cần được chơi đùa, được gần mẹ để hưởng thụ sự săn sóc đối với tuổi thơ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trẻ em thích hợp với cấp 1, ít nhất cũng phải lên 6. Một số tới 6 tuổi rưỡi, 7 tuổi hay hơn nữa mới đủ khả năng tiếp thu các kiến thức của lớp 1, thì cũng là điều bình thường.
Tóm lại, trừ trường hợp thật đặc biệt, việc cho con học sớm hơn so với tuổi, có nhiều cái hại hơn là lợi.