Chú ý đến vấn đề vệ sinh:

Để trẻ hay ăn, chóng lớn và khoẻ mạnh, người mẹ cần luôn chú ý tới vệ sinh thực phẩm và vệ sinh trong ăn uống để phòng tránh một số bệnh về đường ruột của trẻ:

– Thức ăn phải đảm bảo chất lượng, được bảo quản kỹ (để trong tủ lạnh, che đậy cẩn thận để chống ruồi nhặng…). Những đồ đựng thức ăn của trẻ phải sạch sẽ, trước khi ăn phải cho trẻ rửa tay.

– Không nên cho trẻ ăn các thức ăn có dấu hiệu hoặc nghi đã nhiễm độc, nhiễm khuẩn (cá ươn, thịt có mùi, dầu mỡ có vị chua, khét…). Thức ăn đã nấu xong không nên để quá 3 giờ.

– Không dùng các gia vị (ớt, tiêu…) và những chất kích thích.

Khẩu phần ăn đủ chất dinh dưỡng.

Đủ chất dinh dưỡng là sự cân đối giữa năng lượng và các chất dinh dưỡng với nhau.

Đặc biệt chú ý đến tỷ lệ protein động vật và protein thực vật… các loại vitamin A, B, C, D… các chất khoáng: canxi, photpho. Tuỳ độ tuổi mà người mẹ có chế độ hợp lý. Nhất là sau khi cai sữa, trẻ rất dễ mắc bệnh. Trẻ khoảng 2 – 3 tuổi rất dễ bị thiếu máu và suy dinh dưỡng. Cho nên, vào thời kỳ này trẻ phải được ăn những thực phẩm giàu protein, chất khoáng và vitamin (cá, thịt, dầu mỡ, trái cây, rau xanh…). Có như vậy, trẻ mới tiếp tục phát triển tốt, thích nghi được với chế độ ăn độc lập, không phụ thuộc vào sữa mẹ nữa.

Chế biến thức ăn phải dựa vào độ tuổi và tình trạng sức khoẻ của trẻ.

Làm thức ăn cho trẻ phải tuân theo nguyên tắc: Từ mềm đến cứng, từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều và tăng dần theo độ tuổi.

Ví dụ: Với trẻ từ 1 – 3 tuổi, nên ưu tiên chế độ nấu riêng, chú ý đến thức ăn mềm. Không nên cho trẻ ăn thức ăn của người lớn vì đó là nguy cơ tạo gánh nặng cho cơ thể trẻ, rất bất lợi cho bộ máy tiêu hoá của trẻ. Vì thế mà sức khoẻ của trẻ kém dần, trẻ chậm lớn, không thông minh, còi cọc, hay bị ốm bệnh…

  • Chế độ ăn riêng của trẻ nên kéo dài ít nhất là trên 3 tuổi. Nếu cho trẻ 3 tuổi ăn chung cùng gia đình thì cần phải cho trẻ ăn bổ sung các buổi ăn phụ mới đảm bảo cho sức khoẻ của trẻ.
  • Nên có sự thay đổi món ăn và cách chế biến món ăn để trẻ ăn ngon miệng, đủ nhu cầu, và trẻ không cảm thấy chán ăn. Tuy nhiên, nếu thay thế thực phẩm thì cần phải chú ý thay thế các thực phẩm có cùng một nhóm.Trứng vịt

Ví dụ:

1 quả trứng có giá trị dinh dưỡng tương đương với:

+ 500g thịt hoặc tôm + 1 thìa dầu mỡ.

+ 100g cá + 1 thìa dầu mỡ.

+ 70g lạc, vừng.

+ 3/4 bìa đậu to.

100g dầu mỡ có giá trị dinh dưỡng tương đương với:

+ 100g mỡ nước (hoặc bơ)

+ 150g vừng lạc hoặc đậu khô.

100g gạo tẻ. nếp có giá trị dinh dưỡng tương đương với:

+ 100g mì sợi, bánh đa khô.

+ 250g bánh phở

+ 300g bún

+ 300 – 400g khoai tươi có thêm đậu, đỗ.

Tôm tươi
Tôm tươi

Cho trẻ ăn đúng cách.

Trẻ từ trên 1 tuổi trở đi mới hình thành phản xạ ăn uống. Vì vậy, nếu không được củng cố, nếp ăn uống bị phá vỡ, gây rối loạn tiêu hoá. Nếu các bà mẹ quá thương con, lúc nào cũng cho con ăn khiến trẻ lúc nào cũng có cảm giác no, không muốn ăn nhưng thực tế lại đói (thiếu dinh dưỡng). Vì vậy, muốn cho ăn đúng cách, các bà mẹ phải tuân theo nguyên tắc sau:

* Cho trẻ ăn đúng bữa, ăn đủ, không cho ăn vặt.

Trẻ càng nhỏ, càng ăn nhiều bữa. Vì lượng dự trữ chất ngọt ở cơ thể trẻ rất ít nên chóng đói, chóng mệt, rất dễ hạ đường huyết. Vì vậy, cho trẻ ăn nhiều bữa là cách đảm bảo đủ nhu cầu khi lượng ăn của trẻ chưa cao.

Ví dụ, đối với trẻ trên 1 tuổi, cho ăn theo thời gian biểu như sau:

Sáng: 6 giờ 30′

Trưa: 10 giờ 30′

Chiều: 14 giờ

Xế chiều: 18 giờ.

Ăn thêm trước khi đi ngủ: 21-21 giờ 30′.

+ Lượng ăn của trẻ tăng lên thì số bữa ăn cũng giảm dần.

+ Trẻ dưới 3 tuổi cho ăn ít nhất 4 bữa/ngày, mỗi bữa cách nhau khoảng 3 giờ.

+ Không nên xem bữa nào là bữa chính, bữa phụ. Tuy nhiên, có thể cho trẻ ăn bữa trước khi đi ngủ là phụ. Bữa phụ là bữa có khối lượng ít, ăn nhanh, có thể là thức ăn sẵn, có nhiệt lượng cao, tương đương hoặc bằng 70% so với bữa chính. Không cho ăn rau quả vào bữa phụ, có thể cho trẻ ăn bánh, sữa đậu nành hoặc bát chè… vào bữa phụ.

Chú ý:

  • Nên cho trẻ ăn đều đặn hàng ngày.
  • Nếu trẻ bỏ bữa nào, phải có thức ăn thay thế để bù ngay không để trẻ thường xuyên bị đói.

* Biết cách cho trẻ ăn ngon miệng.

  • Khi trẻ ăn bột, dù là bột loãng hay bột đặc thì cũng cần phải có đủ các loại thức ăn như: bột gạo, đậu, bột cá, trứng, rau, dầu, mở… Vì trẻ được ăn đủ chất, người sẽ khoẻ mạnh, ăn uống ngon miệng. Trẻ bị suy dinh dưỡng thường biếng ăn.
  • Không được dùng thức ăn ngon để nhử bé. Tốt nhất là trộn tất cả mọi thức ăn vào bát cơm cho trẻ. Làm như vậy, khi không có nhiều thịt, cá hay ít hoặc thậm chí không có trẻ vẫn ăn ngon miệng. Cái ngon của trẻ là: được ăn đúng bữa, ăn khi có cảm giác đói và thoải mái.

Nếu trẻ khi ăn thấy rõ thịt hay cá vô tình đã tập cho trẻ thói quen đòi cá, thịt. Khi không có cá, thịt thì bỏ cơm.

  • Các bà mẹ nên tập cho con ăn nhiều loại thức ăn, không gây cho trẻ thói quen chỉ thích một vài thứ hoặc không thích ăn một thứ nào đó. Cũng không nên kiêng khem vô lý, thức ăn gì trẻ cũng có thể ăn được, miễn là tập cho trẻ quen dần.

Với thức ăn trẻ rất thích cũng chỉ cho trẻ ăn ở mức độ nhất định, không nên cho ăn quá nhiều.

  • Mọi thức ăn lạ, dù là thức ăn cha mẹ đã quen ăn cũng phải cho trẻ ăn thử một lần ít một, nếu không thấy có hiện tượng dị ứng thì có thể cho con ăn tiếp. Không nên cho trẻ ăn lần đầu quá nhiều với thức ăn lạ, phòng trẻ bị dị ứng nặng, rất nguy hiểm.
  • Nên cho trẻ ăn đúng bữa. Với trẻ một tuổi thì các bữa ăn nên cách nhau 3 – 4 giờ. Giữa các khoảng thời gian đó không được cho trẻ ăn vặt.
  • Tuyệt đối không cho trẻ ăn ngọt trước bữa ăn. (Đối với trẻ đang bú cũng không cho bú trước khi ăn). Chỉ sau khi trẻ đã ăn, mới cho bú, ăn hoa quả, bánh kẹo… Vì các đồ ngọt không cần phải hạn chế sau khi ăn.
  • Không nên chế món ăn trước mặt trẻ. Dù thế nào cũng nên nói là ngon để khuyến khích trẻ ăn.
  • Không nên doạ dẫm rầy la trẻ trong khi ăn.
  • Không nên ép trẻ ăn khi trẻ đã no hoặc không muốn ăn.
  • Nên cho trẻ ăn đúng phần của mình, không nên tập cho trẻ tính đòi ưu tiên. Làm như vậy, trẻ sẽ đòi ăn ngon phần của mình hơn.
  • Chú ý cho trẻ uống đủ nước.

Tóm lại, biết cách cho trẻ ăn, trẻ sẽ tiêu hoá tốt, thích ăn khi đến bữa. Vì thế, trẻ sẽ ăn được nhiều, chóng lớn, khoẻ mạnh. Thức ăn vào cơ thể được hấp thụ tốt, không bị lãng phí, cha mẹ không phải dỗ dành trẻ. Trẻ kém ăn, ăn không ngon miệng, cơ thể sẽ chậm phát triển. Trẻ ăn ngon, nhiều, chóng lên cân tức là sức khoẻ tốt. Những trẻ này thường ít bệnh tật. Nếu có mắc bệnh thì bệnh cũng chóng khỏi.

0/50 ratings
Bình luận đóng