I. MỘT SỐ NỀN Y DƯỢC HỌC THỜI CỔ ĐẠI
1.1. Y học Ấn Độ
Ấn Độ cổ đại có một nền y dược phát triển và có ảnh hưởng tới nhiều nước trong khu vực. Các kiến thức về y học và sử dụng cây thuốc của người Ấn Độ được đề cập sớm nhất trong kinh Vệ đà (Ayurveda = Khoa học của đời sống) xuất hiện khoảng 4000 – 1000 năm trước công nguyên (tcn). Những dược liệu hay dùng trong y học Ấn Độ là: Ba gạc, Tỏi, Tiêu, Gừng, Thầu dầu, Me, Đậu khấu, Phụ tử, Ngưu hoàng, Rắn lục v.v… Y học Trung Hoa, Ai Cập, Hay Lạp cũng vay mượn nhiều dược liệu của Ấn Độ. Y học Ấn Độ về sau suy tàn dần bởi sự xâm chiếm của người Hồi giáo vào khoảng 1000 năm tcn.
Hai thầy thuốc nổi tiếng của Ấn Độ sống vào đầu công nguyên là Charaka (thế kỷ 2) và Susruta (thế kỷ thứ tư) đã ghi nhận lại một số kinh nghiệm của nền y học này trong các tác phẩm của họ. Charaka kể đến 500 phương thuốc, ông nói nhiều tới các sản phẩm có nguồn gốc khoáng vật. Susruta cũng đã mô tả 760 loại dược liệu trong đó có Gai đầu (Cannabis), Phụ tử, Ba đậu, Quýt, Rau muối, Lựu, Thầu dầu, stibi, borat, đồng, thủy ngân, natri carbonat, bạc, vàng. Susruta đã sử dụng gai đầu và Hyoscyamus làm thuốc gây tê.
1.2. Y học Assyri và Babilon
Tại vùng Lưỡng hà thuộc lưu vực của 2 con sông Tigrisvà Euphrates thuộc miền Tây Á một thời đã có một nền y học phát triển. Những hiểu biết hiện nay về y học Assyri và Babilon là từ các văn bản viết trên đất sét thuốc thư viện Assur-banipal, vua Assyri giữa thế kỷ thứ 7 tcn, người đã ra lệnh thu thập các văn bản cổ của người Sumer, Akkadia và Babilon cho thư viện của mình. Trong số các văn bản còn lại ngày nay, có khoảng 800 bản là các tư liệu y học. Nội dung ghi trong các văn bản này được cho là có liên đại vào khoảng 3000 – 2000 tcn hay sớm hơn. Chúng ghi nhận khoảng 250 loài thực vật, 120 loại khoáng vật, trong đó có các loài hiện nay vẫn còn sử dụng như: A ngùy, Kỳ nham (Hyoscyamus niger), Mandagora, Chamomile, Thìa là, dầu Hạnh nhâm, Cam thảo, Nghệ, lưu, Anh túc, v.v… Các dạng thuốc và đường cho thuốc của người Babilon cúng khá gần với hiện đại. Thuốc đắp là một trong những dạng thuốc được sử dụng sớm nhất, thuốc thụt và thuốc uống cũng được sử dụng. Các dịch ngâm dược liệu với rượu vang và các chất lỏng khác, dịch ép dược liệu phối hợp với rượu vang là những dạng thuốc được sử dụng.
Thế kỷ 18 tcn, vua Hammurabi của Babilon đã khuyến khích dân chúng trồng cây thuốc và đặt ra luật lệ hành nghề y dược.
1.3. Y học Trung Hoa
Y học Trung Hoa có lịch sử lâu đời, có lý luận chặt chẽ và gắn liền với triết học và tôn giáo. Trong suốt quá trình phát triến, ngoài những kiến thức y học của người Hán và các dân tộc sống trên đất nước Trung Hoa cổ đại, y học Trung Hoa còn chịu ảnh hưởng của các nền y học lớn khác như y học Ấn Độ, Ai Cập, A Rập và y học phương tây.Y học Trung Hoa cũng hấp thụ những kinh nghiệm chữa bệnh, cách sử dụng và dược liệu của các dân tộc, các nước láng giềng như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Tây Tạng v.v… Có rất nhiều dược liệu được người Trung Hoa vay mượn của các dân tộc khác mà ngày nay đã nghiễm nhiên trở thành một bộ phận của y học Trung Hoa.
Hoàng đế (2637 tcn) đã có sách nói về các phương pháp chữa bệnh theo y lý Đông phương đó là cuốn “Nội Kinh” hay còn gọi là “Hoàng đế Nội kinh”. Có rất nhiều nhà y học Trung Hoa góp phần vào việc xây dựng nền y học cổ truyền Trung Hoa. Về lĩnh vực các cây thuốc, bộ sách quan trọng và đầy đủ nhất về các dược liệu và công dụng của chúng là cuốn “Bản thảo cương mục” do Lý Thời Trân (1518-1593) biên soạn “Bản thảo cương mục” đề cập tới 12.000 bài thuốc và phương thuốc trong đó có 1892 vị thuốc với 1094 vị dược liệu, 444 vị thuốc động vật và 354 vị thuốc khoáng vật.
1.4. Y học Ai Cập
Y học của nền văn minh Ai Cập cổ đại tồn tại ở lưu vực sông Nile cách đây hơn 5000 năm. Ngày nay, những hiểu biết về nền y học này chủ yếu là qua các bản papyrus có niên đại vào khoảng 1700 tcn do G.M. Ebers và E.Smith và một số nhà nghiên cứu khác tìm được. Về lĩnh vực dược, quan trọng nhất là papyrus do Ebers tìm được Papyrusnày liệt kê 700 phương thuốc được người Ai Cập cổ đại sử dụng. Những dược liệu quan trọng có thể kể là Hyoscyamus niger, Mandagora officinarum, Thuốc phiện, Rễ lựu, dầu Thầu dầu, Aloe, Hành, nhiều loại tinh dầu, mật súc vật v.v…
Người Ai Cập sử dụng nhiều dạng thuốc khác nhau từ thuốc nước, thuốc hoàn, thuốc mỡ, thuốc bột và cả tọa dược. Các dạng thuốc nước có thể dùng dung môi là nước, bia, rượu. Nền Y học Ai Cập cực thịnh vào khoảng 1600 tcn sau đó dần dần tan rã và đi vào phù thủy và ma thuật. Người nổi tiếng nhất trong y học Ai Cập cổ đại là Imhotep.
1.5. Y học Hy Lạp
Y học Hy Lạp đã thừa hưởng rất nhiều từ y học Ai Cập cổ đại. Tới thế kỷ thứ 6 – 5 tcn, y học Hy Lạp đạt tới thời kỳ vàng son với những tên tuổi lớn.
Một trong những nhân vật đáng được nhắc tới trước tiên là Aslepius – vua của xứ Thessaly. Aslepius rất giỏi về y thuật chữa bệnh.
Hippocrates (460 – 377 ? tcn) được xem như là người thầy thuốc giỏi nhất thời cổ đại. Ngoài những công trình về giải phẫu, sinh lý, ông còn đưa vào sử dụng hơn 200 cây thuốc. Ông được suy tôn là tổ sư ngành y học hiện đại phương Tây.
1.6. Y học La Mã
Văn minh La Mã thừa hưởng rất nhiều những thành tựu của văn minh Hy Lạp cả về tư tưởng, văn hóa lẫn con người. Những nhân vật nổi tiếng y học của văn minh La Mã có thể kể là:
Celus sống vào thế kỷ thứ nhất sau thiên chúa giáng sinh. Ông viết bộ sách “De Medicina”vào khoảng năm 25 – 35. Đây là một bộ sách về y khoa rất có giá trị của nền y học La Mã.
Dioscorides (khoảng năm 40 – 90), nhà nghiên cứu về dược liệu đã viết tập sách “De Materia medica”(Dược liệu học) vào năm 78 tcn. Ông đã mô tả trên 600 loài cây có tác dụng chữa bệnh. Nhiều cây trong số đó vẫn đang được sử dụng trong y học hiện đại. Các khoáng vật cũng đuợc ghi nhận.
Galen (129 -199) một thầy thuốc Hy Lạp sống tại La Mã. Ông nghiên cứu cả y lẫn dược. Đặc biệt, ông viết nhiều sách mô tả các phương pháp bào chế thuốc có nguồn gốc động vật và thực vật. Ngày nay, ngành dược phương tây coi ông là bậc tiền bối của ngành.
Các kiến thức của Hyppocrates, Celus, Dioscorides và Galen có ảnh hưởng rất lớn và lâu
dài trong y học phương tây, cho đến tận thế kỷ thứ 15.
1.7. Các nền y học khác
Các nền văn hóa khác như của các bộ tộc Châu Mỹ, mặc dù chưa được biết đến nhiều và đã bị mai một cũng đã cũng cấp nhiều cây thuốc quý cho y học. Người Aztec ở Mexico đã biết phân biệt và sử dụng 1200 cây thuốc. Người Inca ở Peru, người Maya cũng có những kinh nghiệm rất đáng kể về việc sử dụng cây thuốc vào thời quân Tây Ban Nha xâm lược. Những nền văn minh này đã đóng góp rất nhiều dược liệu quý cho y học hiện đại: Canhkina, Ipeca, Curare, Cacao, Thuốc lá, Côca v.v…
Bên cạnh những nền y học cổ, kinh nghiệm dân gian trong điều trị bệnh của rất nhiều các dân tộc khác dù lớn hay nhỏ, từ châu Á, Phi, Nam Mỹ tới Châu Đại Dương cũng đã từng đồng hành với con người trong suốt tiến trình lịch sử cũng đã và đang đóng góp vào kho tàng kiến thức y học hiện đại.
https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.