Khái niệm
Thể trạng lưỡi co rụt không đủ sức tự thè lưỡi ra để chuyển động, thậm chí lưỡi thè không ra khỏi hàm răng gọi là “Thiệt nuy” (ủy), cũng gọi là “Nuy nhuyễn thiệt”.
Chứng này xuất xứ từ Linh khu – Kinh mạch thiên: “Cơ nhục mềm thì có chứng Thiệt nuy”. Lâm sàng hiếm gặp chứng này mà phần nhiều chỉ gặp ở những chứng nguy nan khó chữa.
Chứng này với chứng “Thiệt quyển” (lưỡi cuốn) cùng lấy triệu chứng chủ yếu là lưỡi teo rụt khác thường, nhưng loại trên là chỉ thể trạng lưỡi mềm oặt không có sức chuyển động, còn loại sau là chỉ thể trạng lưỡi gấp khúc teo rụt khó thè ra, vì thế khái niệm hai loại này khác nhau cần phải chẩn đoán phân biệt, xin tham khảo ở mục “Thiệt quyển”.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
– Chứng Lưỡi mềm do đờm thấp ngăn trở đường lạc:
Có chứng lưỡi mềm không có sức chuyển động khó nói năng, mặt nhợt môi xanh, ngực bụng bĩ đầy, nhiều đờm buồn nôn,chân tay mình mẩy nặng nề, hồi hộp choáng váng, mạch Huyền Hoạt, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng dầy trơn nhớt.
- Lưỡi mềm do Tâm Tỳ đều hư. Có chứng lưỡi mềm vô lực, sắc mặt không tươi, môi và móng chân tay nhợt hồi hộp SỢ sệt, mất ngủ hay quên kém ăn, chân tay rã rời, mạch Tế Nhược, chất lưỡi non nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.
- Lưỡi mềm do Phế nhiệt bị hun đốt: Có chứng lưỡi khô mà mềm, ho khan không có đờm hoặc đờm ít mà dính, ho nghịch mà suyễn, họng khô mũi ráo, Tâm phiền miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện khô ráo hoặc khó đi, mạch Tế Sác, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng ít tân dịch.
- Lưỡi mềm do phần âm ở Can Thận bị khô cạn: Có chứng lưỡi khô tối teo quắt và mềm, miệng ráo, răng khô, ngủ li bì, tinh thần mệt mỏi, tai điếc, hai gò má đỏ hồng, các ngón tay rung động thậm chí co giật, trong Tâm hồi hộp dữ dội có lúc muốn thoát, mạch Vi Tế muốn tuyệt, lưỡi đỏ tía không có rêu.
Phân tích
- Chứng Lưỡi mềm do đờm thấp ngăn trở đường lạc với chứng Lưỡi mềm do Tâm Tỳ đều hư: Lưỡi mềm do đờm thấp ngăn trở đường lạc là do công năng của ba tạng Phế Tỳ Thận mất điều hòa, Tam tiêu khí hóa mất chức năng, nhất là Tỳ mat tác dụng vận chuyển biến hóa, khiến cho tân dịch ứ lại không hóa được, tụ lại thành thấp ngưng kết thành đờm, đờm khí vít nghẽn đường lạc ở lưỡi làm cho kinh mạch ở lưỡi không được nuôi dưỡng biến thành chứng lưỡi mềm. Chứng Lưỡi mềm do Tâm Tỳ đều hư thì do mệt nhọc thương Tỳ làm cho Tỳ mất kiện vận, nguồn sinh hóa bất túc lâu ngày dẫn đến khí huyết Tâm Tỳ cực hư. Lưỡi là khiếu của Tâm lại là ngoại hậu của Tỳ. Tâm Tỳ đều hư thì khí huyết không đủ để phụng dưỡng lưỡi, gân mạch mất đi khí ấm áp để nuôi dưỡng huyết cho nên lưỡi mềm. Loại trên thì chứng lưỡi mềm có cảm giác cứng hơn nhưng phải kèm theo chứng trạng khó nói, thậm chí nói rất khó khăn và rêu lưỡi phải dầy nhớt. Loại sau thì lưỡi mềm nhũn vô lực, tiếng nói thấp khẽ nhưng không có hiện tượng bất lợi, rêu lưỡi phải trắng mỏng mà không nhớt. Còn các hiện tượng khác như sắc mặt, môi và móng tay chân cho đến ngực bụng và tính chất đờm dãi đều có sự khác nhau nhất định. Chứng Lưỡi mềm do đờm thấp ngăn trở đường lạc điều trị nên táo thấp kiện Tỳ, quét đờm khai khiếu dùng phương Địch đàm thang. Chứng Lưỡi mềm do Tâm Tỳ đều hư điều trị nên bổ dưỡng Tâm Tỳ dùng phương Quy Tỳ thang.
- Chứng Lưỡi mềm do Phế nhiệt bị hun đốt và chứng Lưỡi mềm do phần âm ở Can Thận bị khô cạn: Lưỡi mềm do Phế nhiệt bị hun đốt là do táo nhiệt tổn thương Phế, hoặc sau khi ốm tà nhiệt chưa sạch Phế bị hun đốt, tân dịch phần âm bị hao thương, tân dịch và huyết không đủ để nuôi dưỡng mạch ở lưỡi nên phát sinh lưỡi mềm. Lưỡi mềm do phần âm của Can Thận bị khô cạn là do nhiệt tà dằng dai lâu ngày cướp phá Thận âm hoặc là sau khi tổn hại tinh và mất huyết, âm tinh ở Hạ tiêu bị cướp đoạt, phần âm của Thận bị khô cạn thì Can mất sự tư dưỡng, Can âm bị hư thì ảnh hưởng đến Thận thủy ở dưới, mạch của Thận men theo hầu lung kèm vào gốc lưỡi, mạch của Can cũng men theo hầu lung đi vào vòm họng. Nếu Can Thận âm bị khô cạn sẽ không thấm nhuần lên kinh mạch ở trên cho nên lưỡi mềm. Cả hai chứng này đều là hư chứng nhưng loại trên thì bệnh biến ở phần trên, loại sau thì bệnh biến ở phía dưới. Bệnh ở phần trên thì nhẹ, bệnh ở phía dưới thì nặng. Bệnh ở phần trên còn kèm theo các chứng trạng Phế nhiệt âm khuy như: ho khan suyễn thở, mũi ráo. Bệnh ở phía dưới còn biểu hiện chứng hậu âm kiệt phong động như: ngủ nhiều, chân tay rung động, răng khô lưỡi tía không có rêu. Suy xét về chứng Lưỡi mềm thì thấy loại do Phế nhiệt hun đốt thì lưỡi khô mà mềm. Loại Can Thận âm khô cạn thì lưỡi khô và mềm giống như lột lớp màng bọc ngoài cật lợn. Loại trên điều trị nên thanh Phế dưỡng âm nhuận táo dùng phương Thanh táo cứu Phế thang. Loại sau điều trị nên dưỡng âm và tư nhuận chất dịch dùng phương Gia giảm Phục mạch thang. Nếu hư phong nội động rõ rệt có thể dùng Tam giáp
Phục mạch thang để tư âm tiềm dương hoặc Đại định phong châu để tư âm tiềm dương và dẹp phong.
Chứng Lưỡi mềm có mới bị, bị đã lâu và hư thực khác nhau. Mới bị bệnh lưỡi mềm phần nhiều gặp ở nhiệt bệnh cấp tính trong giai đoạn nguy hiểm khá nghiêm trọng. Lưỡi mềm do bị bệnh đã lâu thường gặp trong nội thương tạp bệnh. Các chứng nói trên, loại Lưỡi mềm do đờm thấp ngăn trở đường lạc thuộc thực. Chứng Lưỡi mềm do Tam Tỳ đều hư, do Phế nhiệt bị hun đốt, do Can Thận âm khô cạn thuộc hư. Phương pháp điều trị đôi với thực chứng chủ yếu phải quét đờm khai khiếu và khu tà. Đôi với hư chứng chủ yếu phải bổ khí dưỡng huyết thanh Phế nhuận táo, tư bổ Can Thận và phù chính.
Trích dẫn y văn
- Tâm tỉnh táo mà nói khó, lưỡi mềm vô lực khó phát âm là do doanh vệ bất túc… Lưỡi mềm mà có sắc vàng khô, bụng đầy không ngủ được là dấu hiệu sắp phát Hoàng, nói năng rối loạn và khản tiếng, lưỡi mềm khó phát âm là do phát hãn sai nhầm. Lưỡi mềm mà Nhân trung đầy, môi lật là Tỳ kinh khí tuyệt. Trường hợp sau khi ốm bị yếu sức, lưỡi cũng mềm mại không nói được dùng thuốc dưỡng Vị ích âm bệnh sẽ tự hồi phục.
- Chứng lưỡi mềm, lưỡi mềm mại mà không vận động đó là do thần kinh ở lưỡi bị tê dại gây nên … Nếu mềm đột ngột là do nhiệt hun đốt cho nên thường xuất hiện lưỡi đỏ mà khô. Nếu đỏ sẫm thì nên thanh lương khí huyết. Nếu đỏ tía thì nên tiết Can nhiệt thông phủ khí. Nếu đỏ tươi thì nên tư âm giáng hỏa … Nếu lưỡi trắng bệch như gan lợn nấu chín mà mềm thì bất luận là có rêu hay không có rêu đều là dấu hiệu chính khí bại hoại, chết không chữa được (Biện thiệt chỉ nam – Biện thiệt chi hình dung).
- Kinh thủy thấy vào lúc đang bị bệnh nhiệt hơn 10 ngày không khỏi, lưỡi mềm, uống lạnh, Tâm phiền nhiệt thần khí lúc tỉnh lúc mê, mạch bên hữu Trường, bên tả Trầm là ứ nhiệt ở trong điều trị bằng Gia giảm Thừa khí thang (Ôn bệnh điều biện – Hạ tiêu thiên).