Khái niệm
Khi há miệng hoặc thè lưỡi ra, lưỡi lệch về một bên gọi là chứng Lưỡi lệch (Thiệt lịch). Chứng này thường đồng thời xuất hiện với chứng miệng mắt méo xếch (Khẩu nhãn oa tà) hoặc bại liệt (Thiên nan). Chứng Lưỡi lệch còn gọi là “Thiệt thiên”, “Thiệt thiên tà”, “Thiên lịch thiệt”… (Vọng chẩn tuân kinh – Chẩn thiệt hình dung điều mục viết: “Lưỡi lệch một bên, nói khó, miệng mắt méo xếch, chân tay bất toại là chứng Thiên phong. Lưỡi lệch về một bên, liệt bên tả thì lưỡi hướng về bên tả, lệch bên hữu thì lưỡi hướng về bên hữu”.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Lưỡi lệch do trúng ngoại phong: Chứng nhẹ thì chỉ thấy khi lưỡi thè ra, thể trạng lưỡi lệch về một bên mà không có chứng trạng toàn thân như miệng mắt méo xếch và bán thân bất toại. Chứng nặng thì lưỡi lệch, đồng thời xuất hiện với miệng mắt méo xếch. Cơ mặt bên nhẽo tê dại khó chịu, nói năng ăn uống cảm thấy khó khăn hoặc có chứng hàn nhiệt, rêu lưỡi trắng hoặc kèm nhớt, mạch Phù Huyền hoặc Phù Hoạt.
- Lưỡi lệch do trúng nội phong: Chủ yếu có thể chia ra hai loại hình là Phong đàm trúng kinh lạc với Âm hư phong động. Phong đàm trúng kinh lạc thì phát bệnh đột ngột, đầu choáng lưỡi lệch, miệng mắt méo xếch, bại liệt một bên thân thể, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Hoạt có lực. Còn Âm hư phong động thì choáng váng tai ù, lưỡi lệch, miệng mắt méo xếch lưỡi lệch mà cứng, nói khó khăn, bán thân bất toại, sắc lưỡi hồng hoặc khô ráo ít tân dịch, mạch Huyền Hồng mà Sác.
Phân tích
- Chứng Lưỡi lệch do trúng ngoại phong với chứng lưỡi lệch do trúng nội phong: Lưỡi lệch do trúng ngoại phong là do đương ra mồ hôi lại gặp gió hoặc nằm ngồi ở nơi không thỏa đáng, xông pha nơi giá lạnh đến nỗi tà khí phong hàn, nhân lúc tấu lý mở hoặc Vệ khí hư mà xâm lấn, vít nghẽn kinh lạc, sáp trệ khí huyết. Vì cơ nhục nơi bị bệnh không được nhu dưỡng nên mềm nhẽo vô lực mất đi sự cân bằng với bên vô bệnh cho nên lưỡi lệch hướng về một bên. Người vốn vô bệnh, đột ngột mắc phải như sách Y học tam tự kinh viết: “Trăm bệnh xảy ra với con người đầu tiên là trúng phong đột ngột bị bệnh, tám phương đều bị, tức là chỉ trúng ngoại phong”.
Lưỡi lệch do nội phong thì do vốn thiếu sự chăm sóc, âm dịch hư hao ngấm ngầm, lý nhiệt tăng dần hoặc hun đốt tân dịch thành đờm, gặp lúc cáu giận quá thì khí nghịch kèm đờm úng tắc ở trên hoặc hỏa tà quá thịnh thúc ép đờm quấy rối ở trên dẫn đến vít nghẽn đường lạc ở lưỡi, sáp trệ cơ năng lưỡi biến thành lưỡi lệch. Cho nên người bị nội phong thường có những đặc điểm như: người bị phong đàm thì thể trạng vốn mập và đờm thịnh choáng váng đầu trướng, sau khi phát bệnh lưỡi lệch thường kiêm rêu lưỡi dầy nhớt, lưỡi cứng không linh hoạt, mạch thường Huyền Hoạt mà Sác. Nếu là âm hư phong động thì thuộc loại âm tổn thương hỏa thịnh, sinh phong cho nên phần nhiều là người gầy và nhiều hỏa, phong dương quẩy rối lên trên mà hàng ngày thường có chứng đầu choáng tai ù, miệng đắng chân tay tê dại, phát bệnh có thể gấp gáp, có thể từ từ, gấp gáp thì bị đột ngột và cũng thường là lưỡi lệch, miệng mắt méo xếch hoặc bại liệt đồng thời xuất hiện như đột ngột ngã lăn, sau khi tỉnh thì bại liệt và lưỡi lệch.
Khi điều trị đối với trúng Ngoại phong thì nên tán phong thông lạc uống Đại Tần giao thang gia giảm. Đôi với trúng Nội phong bị lưỡi lệch là thuộc phong đàm, điều trị nên khư phong hóa đàm, uống Khiên chính tán. Thuộc loại âm hư phong động điều trị nên bình Can dẹp phong dùng Linh dương giác thang.
Trích dẫn y văn
Lệch là lệch về một phía thường gặp ở các chứng Kính, Phi và chứng Thiên khô, nên phân biệt màu sắc cho kỹ. Nếu sắc đỏ tía, xu thế gấp gáp là do Can phong phát Kính nên dùng phép dẹp phong trấn Kính, Nếu sắc đỏ nhạt, xu thế từ từ là do trúng phong Thiên khô. Nếu lưỡi lệch mà khó nói miệng mắt méo xếch bán thân bất toại là chứng Thiên phong. Lưỡi lệch hướng về bên tả thì bên tả bị liệt, lưỡi lệch hướng về bên hữu thì bên hữu bị liệt điều trị nên bổ khí thư cân thông lạc hóa đờm (Biện thiệt chỉ nam – Biện thiệt chỉ hình dung).