Tên khoa học:

Gentiana scabra Bunge. Họ khoa học: Họ Long Đởm (Gentianaceae).

Tên khác:

Cỏ Thanh ngâm, Lăng Du (Bản Kinh), Thảo Long Đởm, Sơn Lương Đởm (Tục Danh), Đởm Thảo, Khổ Đởm, Quan Âm Thảo, Tà Chi Đạ Phu, Tà Chi Đại Sĩ (Hòa Hán Dược Khảo), Trì Long Đởm (Nhật Bản).

Mô Tả:

Vị thuốc Long đởm thảo
Vị thuốc Long đởm thảo

Loại cỏ sống lâu năm, cao 35-60cm. Thân rễ ngắn, rễ nhiều, có thể dài đến 25cm, đường kính 1-3mm, vỏ ngoài màu vàng nhạt. Thân mọc đứng, đơn độc hoặc 2-3 cành, đốt thường ngắn so với chiều dài của lá. Lá mọc đối, không cuống, lá phía dưới thân nhỏ, phía trên to, rộng hơn, dài 3-8cm, rộng 0,4-4cm. Hoa mọc thành chùm, không cuống, ở đầu cành hoặc ở kẽ những lá phía trên. Hoa hình chuông màu lam nhạt hoặc sẫm.

Địa lý:

Đa số phải nhập.

Thu hái, Sơ chế:

Thu hoạch mỗi năm vào tháng 8-12. Thứ đào vào cuối tháng 8 thì tốt hơn.

Bộ phận dùng:

Rễ. Rễ chùm, có nhiều tua nhỏ bằng chiếc tăm, mềm, sắc vàng đậm, thật đắng là tốt.

Mô tả dược liệu:

Long đởm đầu rễ nhỏ, bên dưới có chùm, chừng vài chục rễ nhỏ, mọc thành cụm nhỏ dài thẳng hoặc hơi cong, dài 10-20cm, đường kính 0,1-0,3cm, mặt ngoài mầu vàng hoặc nâu vàng, phần trên có vân vòng tròn nổi lên rất dầy, tòn bộ có đường nhăn dọc. Chất dòn, dễ bẻ gẫy. Mặt cắt ngang chỗ gẫy hình tròn hoặc giống hình tam giác, mép cong, mầu trắng vàng hoặc nâu vàng, giữa ruột có mấy đường gan lốm đốm hoa. Không mùi, vị rất đắng.

Bào chế:

+ Đào rễ đem về phơi râm. Khi dùng lấy dao bằng đồng cắt bỏ hết lông, thái nhỏ, tẩm nước Cam thảo 1 đêm, phơi khô (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Dùng dao bằng đồng cắt bỏ cuống, rửa rượu, phơi khô hoặc ngâm nước Cam thảo 1 đêm, phơi khô, để dành dùng dần (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Bỏ cuống, dùng rễ, thái nhỏ, sao với rượu hoặc ngâm nước Cam thảo 1 đêm, gạn nước đi, phơi khô, để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Rửa sạch, phơi khô. Thái từng khúc ngắn 2-3cm (dùng sống). Tẩm rượu dùng có thể sao qua hoặc không sao+ (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Bảo quản:

Để nơi khô ráo.

Phân biệt:

Thường nhầm với rễ Bạch vi: rễ này cứng, đen, không đắng. Người ta cũng dùng cả cây Thanh ngâm (Curanga amara, họ Hoa mõm chó) làm nam Long đởm thảo, cây này rễ trắng ngà, không có tua, chỉ giống Long đởm thảo ở chất đắng mà thôi (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Chú thích:

Ngoài vị Long đởm kể trên, trong đông y còn dùng nhiều loại Long đởm khác, những vị thuốc gần giống và gồm những rễ nhỏ. Nhưng trong tây Y lại dùng một loài khác (Gentiana lutca L) có hoa màu vàng, rễ to hơn, thái thành từng miếng mỏng, có người dịch nhầm là Khổ sâm vì là thuốc bổ mà lại đắng.

Tất cả những cây này đều chưa thấy ở nước ta.

Liều dùng: 4 – 12g.

Kiêng kị: người tỳ vị hư nhược, âm hư phát sốt không nên dùng.

Chú ý:

Tác dụng dược lý: với lượng nhỏ ( liều 0,1g) có thể xúc tiến sự phân tiết dịch vị làm tăng lượng acid trong dịch vị, do đó mà dùng nó làm thuốc kiện vị. Tuy nhiên, dùng liều lớn sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, dẫn đến nôn. Do thuốc có tác dụng hạ thấp men chuyển hóa amin, trên thực tế có thể dùng thuốc dự phòng bệnh viêm não truyền nhiễm.
Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc có tác dụng ức chế trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lị, tụ cầu vàng.
Long dởm có vị rất đắng, không nên dùng lâu sẽ ảnh hưởng tơi việc ăn uống.

Khí vị:

VỊ đắng chát, tính rất lạnh, không độc, vào 3 kinh Túc quyết âm, Túc thiếu âm và Túc dương minh, là thuốc nhuần âm, tính trầm mà giáng xuống.

Chủ dụng:

cầm ỉa chảy, kiết lỵ, trừ các loại trùng trong đường ruột, bổ ích cho hai khí Can và Đởm, trừ chứng động kinh, trừ phục nhiệt ở trong Vị, trừ thấp nhiệt theo thời tiết, chứng hạ tiêu thấp thũng, chứng tửu đản vàng da, chữa chứng chạm vía, chứng cam khí của trẻ con, chứng ung nhọt sang thũng, chứng lở loét mồm, giải tán chứng động kinh, sát trùng độc. Uống lúc đói thì đi giải mãi không cầm.

Hợp dụng:

Tẩm Rượu dùng Sài hồ làm tá thì đi lên, chữa được các bệnh mắt đỏ đau, mắt có mộng, có mây màng.

Cách chế:

Dùng dao bằng đồng cắt bỏ cuống, rửa Rượu phơi khô, hoặc ngâm nước sắc Cam thảo 1 đêm phơi khô dùng.

Nhận xét:

Long đởm thảo rất đắng, rất lạnh, ví như mùa đông giá rét ảm đạm, điêu tàn, chỉ nên dùng tạm, không nên dùng lâu. Nếu không phải là người khỏe mạnh có bệnh thực nhiệt mà cho uống bừa thì nhất định bị tổn hại.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Cổ kim y phương tập thành”

Bài Long đởm tả can thang

Long đởm thảo (sao Rượu) 12g, Trạch tả 8g, Hoàng cầm (sao) 12g, Mộc thông 8g, Chi tử (sao Rượu) 12g, Đương quy 8g, Sinh địa 8g, Sài hồ 8g, Xa tiền tử 6g, Cam thảo 2g. sắc, chia uống vài lần trong ngày. Có tác dụng thanh thấp nhiệt ở 2 kinh Can, Đởm. Trị Can, Đởm thực hỏa, đầu đau, mắt đỏ, hông sườn đau, miệng đắng, tai ù, viêm tai giữa, hoàng đản, tiểu buốt, tiểu gắt, ngứa bộ phận sinh dục, đới ha. lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. mạch huyền, sác, hữu lưc.

Trên lâm sàng thường dùng bài này gia giảm trị các bệnh viêm Gan do vi rút (thêm Nhân trần), trị viêm túi Mật cấp (thêm Hoàng bá, Trúc diệp, Hoạt thạch) và các chứng như viêm Màng tiếp hợp, viêm Tai giữa, cao huyết áp, viêm cầu Thận cấp, viêm Hố chậu cấp có hội chứng Can kinh thấp nhiệt.

Chú ý: Bài này sức tả Can hỏa rất mạnh, các chứng thực hỏa của Can kinh, tân dịch chưa bị tổn thương đều có thể dùng. Nhưng thuốc khổ hàn đều có thể làm hại Vị khí, cho nên trúng bệnh thì thôi, không nên dùng quá nhiều.

“Thiên gia diệu phương”

Bài Gia giảm long đởm tả can thang Sài hồ 3g, Hoàng cầm 9g, Huyền minh phấn 12g, Sinh địa 12g, Xương bồ 6g, Hoàng liên 3g, Sinh thiết lạc 30g, uất kim 9g, Long đởm thảo 9g, Chi tử 9g, Sinh Đại hoàng 5g, Trần đởm tinh 6g. Sắc, chia uống 2 lần trong ngày.

Có tác dụng thanh tả Can hỏa, khoát đờm, khai khiếu.

Chữa bệnh tâm thần phân liệt thế thực, người bệnh lười đỏ, rêu vàng, mạch hoat sác hữu lưc, biểu hiện điên cuồng, gào thét, phá phách…

“Loại chứng trị tài”

Bài Long đởm ẩm

Long đởm thảo 8g, Chi tử 8g, Hoàng cầm 4g, Hoàng bá 2g, Hoàng liên 4g, Đại hoàng 6g, Mộc thông 4g, Huyền sâm 4g, Trúc diệp 3g, Tê giác 4g, Mang tiêu 6g. sắc, chia uống vài lần trong ngày, nếu không táo bón thì giảm Đại hoàng, Mang tiêu. Chữa Can kinh thực nhiệt, mắt sưng đỏ đau.

“Tuyên minh luận phương”

Bài Đương quy long hội hoàn

Đương quy 40g, Hoàng liên 40g, Long đởm thảo 40g, Chi tử 40g, Hoàng cầm 40g, Hoàng bá 40g, Thanh đại 8g, Lô hội 20g, Đại hoàng 20g, Mộc hương 6g, Xạ hương 2g.

Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 12-16g.

Có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, trừ thấp.

Chữa Can Đởm thực hỏa gây nên choảng váng, đau sườn, hôi hộp, co giật, nói sảng, phát cuồng, táo bón, tiếu tiện đỏ.

“Cảnh Nhạc toàn thư”

Bài Hóa âm tiễn

Sinh địa 15g, Thục địa 15g, Ngưu tất 15g, Trư linh 10g, Trạch tả 10g, Hoàng bá 10, Tri mẫu 10g, Lục đậu (đậu xanh) 35g, Long đởm thảo 5g, Xa tiền từ 5g. sắc kỹ, chia uống nhiều lần, khi uống thêm vài hạt muối.

Chủ trị thủy thiếu, âm hư, dương thừa, hỏa bốc, tiểu tiện bí.

“Ngân hải tinh vi”

Bài Tả can tán

Huyền sâm 16g, Tri mẫu 8g, Đại hoàng 8g, Hoàng cầm 12g, Cát cánh 8g, Xa tiền 8g, Khương hoạt 8g, Long đởm thảo 10g, Đương quy 10g, Mang tiêu 6g.

Có tác dụng tả Can hỏa.

Chữa chứng tròng mắt kéo màng, mộng trắng và cứng.

“Kim quỹ yếu lược”

Bài Tả thanh hoàn

Đương quy 12g, Sơn chi 8g, Long đởm thảo 12g, Đại hoàng 4g, Xuyên khung 4g, Khương hoạt 4g, Phòng phong 8g, Trúc diệp 4g.

Có tác dụng bình Can tả hỏa.

Chữa trúng phong do khí thực, Can Đởm có thực nhiệt, đại tiện ra máu.

0/50 ratings
Bình luận đóng