Xác định cây sâm là lời giải thoát nghèo nhưng đến nay ngành chức năng và huyện Nam Trà My vẫn “lấn cấn” trong việc tìm phương án hiệu quả chuẩn bị nguồn sâm giống cho người dân.
Ông Hồ Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh (Nam Trà My), cho biết địa phương hiện đang thiếu giống sâm trầm trọng. Năm 2010, cả xã được cấp 20 nghìn cây giống, trong khi nhu cầu của dân rất lớn. Đất không thiếu, nhưng bà con muốn trồng nhiều thêm nữa cũng không biết tìm đâu ra giống.
Chuyện thiếu giống sâm, cùng với công tác quản lý vùng sâm, lâu nay vẫn là vấn đề lấn cấn ở vùng cao Nam Trà My, cho nên việc giao vùng sâm cho tỉnh hay huyện quản lý vẫn chưa có câu trả lời. Ở cấp tỉnh, có Công ty Dược và vật tư y tế với trại sâm tại nóc Măng Lùng, chịu trách nhiệm cung cấp giống cho Nam Trà My và cả Tây Giang. Vậy vì sao thiếu giống khi sâm nhân giống bằng hạt? Ông Tuấn nói: “Bà con cần tiền, trồng sâm được vài năm tuổi là bán ngay, trong khi nhà nước chỉ mua sâm từ 7 – 10 năm tuổi. Không thể “chờ đợi” được nên bà con bán hết cho tư thương. Mà sâm để càng lâu thì hạt còn nhiều… Cứ như vậy thì nguồn giống trong dân sẽ cạn kiệt”. Cũng theo ông Tuấn, Công ty Dược và vật tư y tế cho biết giống không thiếu mà do huyện không mua. Trong khi đó, ông Lê Ngọc Kích – Phó Chủ tịch UBND huyện thì cho rằng Nam Trà My đã từng đặt cọc trước cho công ty này nhưng họ không có giống để cấp. Bây giờ, 2 xã Trà Cang và Trà Nam đang cần giống, không biết mua ở đâu. Chính luồng thông tin nhiều chiều như vậy khiến người dân càng rối khi không biết hỏi ai trước tình trạng thiếu nguồn sâm giống.
Vùng Trà Linh bây giờ lại thêm một vấn nạn về giống sâm. Bên Kon Tum đã hình thành một trại giống lớn, lặng lẽ làm trong 10 năm qua. Thông qua thương lái, họ sang vùng Trà Linh mua cả cây, đặt cọc tiền trước… khiến nguy cơ tuyệt giống sâm Ngọc Linh ngay tại đất sâm Trà Linh. Bài toán giống giải mãi cũng không có đáp số đúng. Huyện Nam Trà My là nơi có sâm Ngọc Linh, xác định cây sâm là “quả đấm thép” để thoát nghèo nhưng vẫn chưa có phương án hiệu quả chuẩn bị nguồn sâm giống cho người dân. Năm 2005, Viện Dược liệu Trung ương kết hợp với huyện trong việc nhân giống sâm, sau đó triển khai lập trại, cắt cử bảo vệ, làm đất, đào tạo cán bộ kỹ thuật. Hiện nay trại này vẫn hoạt động nhưng hiệu quả không cao, lượng giống về đến tay bà con còn thấp. Nguyên nhân là lực lượng bảo vệ không được hỗ trợ đúng mức nên họ lơ là, dẫn đến bất cập trong sản xuất và giữ gìn giống sâm. Về phía tỉnh, việc tổ chức thu mua, cam kết đầu ra, bao tiêu sản phẩm sâm… chưa thực hiện được. Vì thế tư thương tự tung tự tác, người dân thấy ai đưa tiền tươi thì bán ngay. Từ cách làm “chập chờn” này nên đến nay người dân vẫn chưa có giống bền vững.
Việc nhân giống sâm nếu tách rời khỏi quyền lợi thiết thực của người dân, không kéo họ vào tham gia trực tiếp sản xuất, bảo vệ thì
thất bại bởi đây là đất rừng của người dân địa phương. Vùng Nam Trà My, nói rộng ra là miền núi của tỉnh, có nhiều dược liệu quý chứ không riêng gì sâm, song đến nay vẫn chưa thấy có một quyết sách và quyết tâm lớn, rõ ràng, cụ thể cho việc phát triển bền vững để vừa tận dụng nguồn thuốc quý từ dược liệu mang lại, vừa giúp xóa đói giảm nghèo. Hơn thế nữa, một khi người dân làm giàu từ rừng, họ thấy tận mắt hiệu quả từ rừng mang lại mà không được phá rừng thì lúc đó rừng mới không bị phá.
TRUNG VIỆT-Theo báo Quảng Nam