Nhận định chung

Viêm tuyến giáp mủ là một bệnh ít gặp. Bệnh còn được gọi là viêm tuyến giáp cấp tính, viêm tuyến giáp cấp tính do vi khuẩn…

Tuyến giáp nói chung có khả năng kháng khuẩn cao, một phần do có nhiều mạch máu, hệ bạch huyết, có lượng lớn iod tại mô tuyến giáp, sự tạo hydrogen peroxide trong tuyến giáp để tổng hợp hormon giáp, hơn nữa tuyến giáp nằm trong bao tách biệt với các tổ chức xung quanh.

Tuy nhiên, ở một số trường hợp, nhất là ở trẻ em sự tồn tại lỗ rò thông từ pyriform sinus ở phía trái tuyến giáp dễ dẫn đến tạo áp xe. Áp xe có thể tái phát bên trái tuyến giáp do lỗ rò xoang cung họng thứ tư (fourth branchial arch sinus fistula). Thống kê 526 trường hợp tồn tại bẩm sinh lỗ rò này ghi nhận có 45% các trường hợp bị viêm tuyến giáp cấp nhiễm trùng.

Viêm tuyến giáp mủ là bệnh hiếm gặp, tuy nhiên hiện nay với sự gia tăng các trường hợp suy giảm miễn dịch, bệnh có chiều hướng tăng theo. Viêm tuyến giáp mủ chiếm khoảng 0,1 – 0,7% các bệnh tuyến giáp, tỷ lệ tử vong có thể đến 12% hoặc hơn nếu không điều trị. Nói chung tỷ lệ gặp ở trẻ em nhiều hơn do liên quan đến tình trạng lỗ rò thông từ pyriform sinus, có đến 90% các trường hợp thương tổn phát triển từ thùy trái tuyến giáp. Khoảng 8% gặp ở tuổi trưởng thành (20-40 tuổi), và 92% gặp ở trẻ em.

Ở người suy giảm miễn dịch có thể gặp viêm tuyến giáp do nấm. Có khi viêm tuyến giáp mủ gặp trên trẻ em hóa trị liệu chữa ung thư.

Phác đồ điều trị viêm tuyến giáp mủ

Dùng kháng sinh toàn thân thích hợp dựa trên kháng sinh đồ, nhất là đối với các trường hợp viêm nặng.

Tại chỗ có thể dùng: chườm nóng, chiếu tia cực tím. Nếu sau một tuần dùng kháng sinh tích cực nhưng chọc hút thấy có mủ thì cần phải rạch tháo mủ, dẫn lưu và sau 6-8 tuần tiến hành cắt bỏ thùy viêm.

Trường hợp viêm tuyến giáp do Candida albican có thể dùng amphotericin B và 5 fluconazol 100 mg/ngày.

Phẫu thuật lấy lỗ rò sau khi đã điều trị kháng sinh để phòng tái phát.

Tiên lượng viêm tuyến giáp mủ

Bệnh viêm tuyến giáp mủ thường kéo dài 3-6 tuần. Cũng có trường hợp có diễn biến xấu, một số trường hợp thương tổn tuyến giáp nặng gây suy giáp, do đó trước một viêm giáp nhất là các trường hợp viêm lan tỏa cần theo dõi chức năng tuyến giáp để có thái độ điều trị thích hợp. Phẫu thuật lấy lỗ rò để tránh tái phát.

0/50 ratings
Bình luận đóng