Quan Xung
Tên Huyệt:
Quan = cửa ải; Xung = xung yếu. Ý chỉ rằng kinh mạch làm cho khí huyết mạnh lên . Huyệt là cửa ải của 2 huyệt Thiếu Xung (Tm.1) và Trung Xung (Tâm bào.9), vì vậy gọi là Quan Xung (Trung Y Cương Mục).
Xuất Xứ:
Thiên ‘Bản Du’ (Linh khu.2).
Đặc Tính:
Huyệt thứ 1 của kinh Tam Tiêu.
Huyệt Tỉnh, thuộc hành Kim.
Vị Trí huyệt:
Ở bờ trong ngón tay áp út, cách chân móng 0, 1 thốn.
Giải Phẫu:
Dưới da là xương, ở giữa chỗ bám gân ngón đeo nhẫn của cơ gấp chung ngón tay sâu vàcơ duỗi chung ngón tay, bờ trong của đốt 3 xương ngón tay thứ tư.
Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8 hoặc D1.
Tác Dụng:
Sơ khí hóa ở kinh lạc, giải uất nhiệt ở Tam Tiêu.
Chủ Trị:
Trị đầu đau, họng viêm, sốt cao.
Phối Huyệt:
1. Phối Dịch Môn (Tam tiêu.2) + Phong Trì (Đ.20) + Thiên Trụ (Bàng quang.10) + Thương Dương (Đại trường.1) trị nhiệt bệnh không ra mồ hôi, cảm phong nhiệt (Giáp Ất Kinh).
2. Phối [Túc] Khiếu Âm (Đ.44) + Thiếu Trạch (Tiểu trường.1) trị họng tê, lưỡi rụt, miệng khô (Thiên Kim Phương).
3. Phối Nhiên Cốc (Th.2) + Thừa Tương (Nh.24) + Ý Xá (Bàng quang.49) trị tiêu khát, uống nước nhiều (Bị Cấp Thiên Kim Phương).
4. Phối Đại Hoành (Tỳ 15) trị trẻ nhỏ bị uốn ván (Bách Chứng Phú).
Phối Thiếu Thương (Phế 11) + Thiếu Trạch (Tr.1) + Thiếu Xung (Tm.9) + Thương Dương (Đại trường.1) + Trung Xung (Tâm bào.9) trị trúng phong bất tỉnh (Châm Cứu Đại Thành).
6. Phối Chiếu Hải (Th.6) + Liệt Khuyết (Phế 7) + Trung Quản (Nh.12) + Túc Tam Lý (Vị 36) + Tỳ Du (Bàng quang.20) trị tiêu khát (ChâmCứu Đại Toàn).
7. Phối Ẩn Bạch (Tỳ 1) + Dũng Tuyền (Th.1) + Phong Long (Vị 40) + Thiếu Thương (Phế 11) + Thiếu Xung (Tm.9) trị họng sưng đau (Y Học Cương Mục).
8. Phối Á Môn (Đc.15) trị nói khó, nói ngọng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Cách châm Cứu:
Châm thẳng 0, 1 – 0, 2 thốn hoặc châm nặn máu. Cứu 1 – 3 tráng – ôn cứu 5 – 10 phút.
Tham Khảo:
Thiên ‘Nhiệt Bệnh’ ghi: “Họng đau, lưỡi co rút, miệng khô, Tâm phiền, Tâm thống, mặt trong cánh tay đau, tay không giơ lên đầu được, nên châm ở ngón tay áp út, phía ngón út, cách gốc móng 1 lá hẹ [h. Quan Xung] (Linh khu 23, 56).
Thiên ‘Quyết Bệnh’ ghi: Tai điếc, Thủ huyệt ở ngón tay áp út, chỗ giao nhục với móng tay [h. Quan Xung], (Linh khu 24, 26).