Nhiên Cốc

Tên Huyệt Nhiên Cốc:

Nhiên = Nhiên cốt (xương thuyền ). Huyệt ở chỗ lõm giống hình cái hang (cốc) ở nhiên cốt, vì vậy gọi là Nhiên Cốc.

Tên Khác:

Long Tuyền, Long Uyên, Nhiên Cốt.

Xuất Xứ

Huyệt Nhiên Cốc

:

Thiên ‘Bản Du’ (Linh khu.2).

Đặc Tính

Huyệt Nhiên Cốc

:

Huyệt thứ 2 của kinh Thận.

Huyệt Vinh, thuộc hành Hoả .

Nơi xuất phát của Âm Kiều Mạch.

Vị Trí

Huyệt Nhiên Cốc

:

Ở chỗ lõm sát giữa bờ dưới xương thuyền, trên đường nối da gan chân và mu chân.

Giải Phẫu:

Dưới da là cơ dạng ngón cái, cơ gấp ngắn ngón cái, chỗ bám của gân cơ cẳng chân sau, dưới bờ dưới của xương thuyền.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy sau.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác Dụng Huyệt Nhiên Cốc:

Thanh Thận nhiệt, lý hạ tiêu.

Chủ Trị

Huyệt Nhiên Cốc

:

Trị khớp bàn chân đau, Bàng quang viêm, tiểu đường, họng đau, kinh nguyệt rối loạn.

Phối Huyệt:

1. Phối Thái Khê (Th.3) trị sốt, bồn chồn, bứt rứt, chân lạnh, nhiều mồ hôi (Giáp Ất Kinh).

2. Phối Chương Môn (C.13) trị chứng thạch thủy (Giáp Ất Kinh).

3. Phối Âm Lăng Tuyền (Tỳ 9) trị hoảng sợ như có người đến bắt (Thiên Kim Phương).

4. Phối Kinh Cốt (Bàng quang.64) + Thận Du (Bàng quang.23) trị chân lạnh (Thiên Kim Phương).

5. Phối Quan Xung (Tâm bào.9) + Thừa Tương (Nh.24) + Ý Xá (Bàng quang.49) trị tiêu khát, uống nước nhiều (Thiên Kim Phương).

6. Phối Chi Câu (Tam tiêu.6) + Thái Khê (Th.3) trị tim đau như dùi đâm, nặng thì chân tay lạnh đến khớp, không thở được (Thiên Kim Phương).

7. Phối Côn Lôn (Bàng quang.60) trị sốt rét có nhiều mồ hôi (Tư Sinh Kinh).

8. Phối Phục Lưu (Th.7) trị xuất tinh (Tư Sinh Kinh).

9. Phối Thái Khê (Th.3) trị trong họng đau, khó nói (Tư Sinh Kinh).

10. Phối Khúc Cốt (Nh.2) trị tiểu buốt, tiểu gắt (Tư Sinh Kinh).

11. Phối Phế Du (Bàng quang.13) + Thận Du (Bàng quang.23) + Trung Lữ Du (Bàng quang.29) + Yêu Du (Đc.2) trị tiêu khát do Thận hư (Châm Cứu Tập Thành).

12. Phối Ẩn Bạch (Tỳ 1) + Hành Gian (C.3) + Khúc Trì (Đại trường.11) + Kim Tân + Lao Cung (Tâm bào.8) + Ngọc Dịch + Thái Xung (C.3) + Thủy Câu (Đc.26) + Thừa Tương (Nh.24) + Thương Khâu (Tỳ 5) trị tiêu khát, uống nước nhiều (Thần Ứng Kinh).

13. Phối Thừa Sơn (Bàng quang.57) trị vọp bẻ (chuột rút), hoa mắt (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).

14. Phối Âm Cốc (Th.10) + Đại Đôn (C.1) + Khí Hải (Nh.6) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thái Xung (C.3) trị băng huyết (Thần Cứu Kinh Luân).

15. Phối Thái Xung (C.3) thấu Dũng Tuyền (Th.1) trị bàn chân + ngón chân đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Cách châm Cứu

Huyệt Nhiên Cốc

:

Châm thẳng sâu 0, 8 – 1, 2 thốn. Cứu 3 – 5 tráng – ôn cứu 5 – 10 phút.

Tham Khảo:

“ Châm huyệt này ra máu sẽ làm cho đói, muốn ăn” (Kinh Mạch – LK.10).

Thiên ‘Điên Cuồng’ ghi: Nếu quyết nghịch làm chân lạnh nhiều, lồng ngực như vỡ tung, ruột gan đau như dao cắt, lòng không an, mạch đại tiểu đều sắc. Nếu thân còn ấm, thủ huyệt ở kinh túc Thiếu âm [huyệt Nhiên Cốc + Dũng Tuyền] (Linh khu.22, 35).

“Bệnh ở mạch Xương Dương gây đau thắt lưng lan đến cổ và ngực, nếu bệnh nặng kèm cảm giác xương sống như gãy, lưỡi cứng, nói khó, mắt mờ, phải châm huyệt Giao Tín và Nhiên Cốc (Thiên ‘Thích Yêu Thống – Tố vấn.41, 12).

0/50 ratings
Bình luận đóng