HUYỀN SÂM
Radix Scrophulariae.
            Dược liệu là rễ phơi khô của cây bắc huyền sâm- Scrophularia buergeriana Miq. hoặc một số loài khác: S.ningpoensis Hemsl. hoặc S.oldhami Oliv. , họ Hoa mõm sói – Scrophulariaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố:
            Bắc huyền sâm là cây thuộc thảo cao 1,5-2m. Thân có 4 cạnh, màu xanh, có rãnh dọc. Lá hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa dài 3-8 cm, rộng 1,5-2cm. Hoa mọc ở đầu ngọn hoặc đầu cành, màu vàng nhạt, có 4 nhị. Quả nang trong có nhiều hạt đen nhỏ. Loại S.ningpoensis hoa màu tím.
            Trước kia ta phải nhập huyền sâm của Trung Quốc, nay đã di thực thành công.
Trồng trọt và chế biến:
            Trồng bằng hạt vào mùa xuân, mỗi hecta cần chừng 1,5 kg hạt giống. Thu hoạch rễ vào tháng 10-11. Mỗi hecta cho chừng 5 tấn rễ tươi.
            Đào lấy củ, cắt bỏ đầu, mầm, rễ con, rửa sạch. Phơi hoặc sấy ở 50-600C đến khi gần khô (củ còn mềm) thì đem ủ 5-10 hôm (làm như vậy thịt củ sẽ trở nên đen) Sau đó lại sấy hoặc phơi lại.
Thành phần hoá học:
            Thành phần đáng chú ý của rễ huyền sâm là harpagid (công thức xem phần đại cương). Chất này cũng giống như phần lớn các iridoid glycosid khác, không bền vững dễ bị chuyển hoá thành dẫn chất màu đen.
Tác dụng và công dụng:
            – Dịch chiết từ huyền sâm có tác dụng làm hạ đường huyết trên súc vật thí nghiệm (tác dụng giống như catalpol trong sinh địa đã nói ở trên).
            – Tác dụng kháng khuẩn đối với một số loài vi khuẩn gây bệnh ngoài da.
            Trong Y học dân tộc cổ truyền, huyền sâm được dùng làm thuốc chữa sốt kèm theo khát nước có lưỡi đỏ hoặc phát ban, bệnh tràng nhac, bệnh bạch hầu, viêm họng, táo bón, mụn nhọt, lở loét, viêm màng kết.
            Liều dùng: 10-12 g dưới dạng thuốc sắc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng