HƯƠNG NHU TRẮNG
Tên khoa học: Ocimum gratissimum L. Họ Hoa môi – Lamiaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây thảo, cao 0,5 – 1,5m. Thân vuông có lá mọc đối chéo chữ thập, lá hình trứng nhọn mang nhiều lông. Hoa mọc tập trung ở ngọn cành thành xim đơn. Quả bế.
Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong cả nước. Ngoài ra cây hương nhu còn được trồng ở nhiều nơi trên thế giới: Liên bang Nga, Ấn Độ, Srilanka.
Trồng trọt và thu hái
Trồng bằng hạt. ở các tỉnh phía Bắc gieo hạt vào tháng 11-12 trong vườn ươm, vào giữa tháng 2 thì bứng cây non trồng đại trà. Thu hoạch khi cây đã ra hoa. 1 – 2 năm đầu cần phát gốc vào mùa xuân, chừa 20 – 30 cm cho chồi non mọc. Các năm sau kết hợp thu hái với tỉa bớt cành già để cành non phát triển. Ở các tỉnh phía Nam có thể gieo trồng muộn hơn.
Bộ phận dùng
– Cành mang lá và hoa.
– Tinh dầu – Oleum Ocimi gratissimi.
Thành phần hoá học
– Dược liệu chứa 0,78 – 1,38% tinh dầu (hoa 2,77%, lá 1,38%, toàn cây 1,14%, tính trên trọng lượng khô tuyệt đối). DĐVN III qui định dược liệu phải chứa ít nhất 1% tinh dầu.
Tinh dầu hương nhu trắng là chất lỏng màu vàng đến nâu vàng, d20: 0,980 – 1,010, nD20: 1,510 – 1,528, D20: 2002 đến – 1506.
Thành phần chính của tinh dầu là eugenol (60 – 70%) có nơi đạt trên 70%. DĐVN III qui định hàm lượng eugenol không dưới 60%.
Công dụng
Hương nhu trắng chủ yếu được dùng làm nguyên liệu cất tinh dầu giàu eugenol ở Việt Nam. Tinh dầu hương nhu trắng được dùng để chiết xuất eugenol, dùng trong nha khoa, làm dầu cao xoa bóp.
Dược liệu dược dùng thay hương nhu tía để chữa cảm cúm dưới dạng thuốc xông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường
đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.