Khái niệm
Chứng Hay nhổ trong các sách Thái bình thánh huệ phương và Thánh tế tổng lục gọi là “Thận hư đa thóa”, tự cảm thấy nước bọt ở trong miệng quá nhiều, hoặc là có chứng trạng luôn luôn tự nhổ vặt không kiềm chế được.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Hay nhổ do Thận hư thủy tràn lan: Có chứng hay nhổ ra bọt dính đặc, đầu choáng mắt hoa, hồi hộp đoản hơi, động làm thì bệnh tăng, thậm chí dưới rốn rung động, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Huyền Hoạt.
- Hay nhổ do Tỳ Vị hư hàn: Có chứng hay nhổ ra bọt dính đặc, bụng bĩ trướng, kém ăn hụt hơi, biếng nói, mệt mỏi yếu sức, đại tiện lỏng nhão, mặt vàng bủng kém tươi, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Nhược.
Phân tích
- Chứng Hay nhổ do Thận hư thủy tràn lan với chứng Hay nhổ do Tỳ Vị hư hàn: Hay nhổ do Thận hư thủy tràn lan do vốn phú bẩm bất túc, thể trạng hư yếu, lại thêm ôm lâu, chăm sóc kém đến nỗi Thận dương suy hao. Thận chủ thủy, chất dịch của Thận là nhổ, dương hư mất chức năng ôn hóa thì chất dịch tràn lên trên mà nhể ra. Hay nhổ do Tỳ Vị hư hàn là vì ăn đồ sống lạnh bừa bãi hoặc uống quá nhiều thuốc hàn lương, hoặc ốm lâu mất sự nuôi dưỡng đến nỗi Tỳ dương không mạnh. Tỳ chủ về trung khí, dương hư khí yếu vận hóa mất chức năng mất đi khả năng nhiếp nạp cho nên nghịch lên mà sinh chứng nhổ. Vị trí bệnh của hai chứng này một loại là ở Hạ tiêu, một loại là ở Trung châu cho nên chứng hay nhổ do Thận hư thủy tràn lan là bệnh ở Hạ tiêu. Yếu điểm biện chứng lấy hễ động làm thì hồi hộp đoản hơi đầu choáng mắt hoa và dưới rốn rung động. Còn chứng Tỳ Vị hư hàn là bệnh ở Trung tiêu thì yếu điểm biện chứng là vùng bụng bĩ đầy, chân tay mỏi mệt, đại tiện nhão, biếng ăn, đoản hơi, biếng nói, mặt vàng bủng không tươi. Loại trên điều trị nên ôn dương hóa khí lợi thủy dùng phương Can Địa hoàng thang. Loại sau điều trị nên ôn Tỳ phù khí dừng phương Lý trung thang với Kha lê lặc hoàn.
Tóm lại, chứng Hay nhổ bệnh ở Thận là do Thận dương hư suy, khí hóa không lưu hành, thủy tà tràn lên trên. Bệnh ở Tỳ là do Trung tiêu vận chuyển bất cập, khí không nhiếp nạp chất dịch nghịch lên. Cả hai loại đều chủ yếu là hư chứng.