Hà thủ ô là dược liệu quý hiếm đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Nó là vị thuốc bổ gan thận, bổ máu, chữa đau lưng mỏi gối, uống lâu làm đen râu tóc… Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, vị thuốc quý này đang bị làm giả để trục lợi.
Cú điện thoại bất ngờ
Cách nay vài tuần, chúng tôi nhận được điện thoại của Huấn (*), một “thổ dân” ở Lâm Đồng, thường đi rừng và có kiến thức về cây thuốc. Huấn cho biết, anh vừa được đặt hàng: đào một loại củ để làm giả hà thủ ô đỏ.
Theo Huấn, không chỉ riêng mình mà nhiều người khác cũng được đặt hàng như anh. Các củ cây rừng được đặt hàng này sau đó sẽ gom về một đầu mối rồi bán cho thị trường. Huấn đã kiếm được mấy ký củ rừng như vậy nhưng khi anh gọi điện cho chúng tôi chứng tỏ anh đã từ chối “cuộc chơi” vì bứt rứt lương tâm.
Theo yêu cầu của chúng tôi, Huấn gửi xuống Sài Gòn một mớ củ rừng dùng để làm giả hà thủ ô đỏ nói trên. Đây là loại củ màu sẫm có gai nhỏ li ti, cứng ở vỏ. Nhận định ban đầu của một chuyên gia dược liệu là củ nâu, nhưng chưa khẳng định vì Huấn quên gửi xuống cành và lá.
Dư luận lâu nay đã nhắc đến việc dùng củ nâu làm hà thủ ô giả, thêm thông tin của Huấn, chúng tôi khi đến chợ thuốc Đông Nam Dược (Q.5, TPHCM). Vào một cửa hàng dược liệu ở đường Nguyễn Chí Thanh, lúc hỏi về hà thủ ô đỏ, người bán hàng lập tức nói có loại của Trung Quốc giá 60 ngàn đồng/kg, bán lẻ là 7 ngàn đồng một lạng. Chúng tôi mua một lạng. Tương tự, chúng tôi mua một số mẫu ở những cửa hàng trên các đường Triệu Quang Phục, Hải Thượng Lãn Ông…
Khi đưa mẫu về, một dược sĩ là giảng viên Đại học Y Dược TPHCM (xin không nêu tên) cho biết, về cảm quan, chưa nói về chất lượng thì đây là những mẫu thuốc thật. Tuy nhiên, dược sĩ này cho biết thêm: chị từng dẫn một đoàn dược sĩ ở Pháp đi tham quan chợ Đông Nam Dược ở quận 5 và gặp nhiều hà thủ ô giả.
Sau đó, bằng cách hỏi thêm loại hà thủ ô đỏ giá rẻ nhất, chúng tôi lấy được một số mẫu về (với giá chỉ 4 ngàn đồng/lạng) và dược sĩ nói trên khẳng định: “Đó chính là hà thủ ô đỏ giả lâu nay vẫn bán trên thị trường”. Dược sĩ giải thích rõ hơn: “Bằng mắt thường, củ hà thủ ô đỏ có dạng gần giống củ khoai lang với mặt ngoài màu nâu đỏ có nhiều chỗ lồi lõm. Thể chất cứng chắc, rất khó bẻ. Mặt cắt ngang có lớp vỏ bần màu nâu sậm, lớp bên trong màu hồng có nhiều bột, ở giữa thường có lõi gỗ cứng. Bột có màu nâu hồng, không mùi, vị đắng chát.
Hà thủ ô đỏ dạng phiến được cắt ngang hay cách dọc với nhiều hình dạng khác nhau, lớp ngoài cùng màu nâu đen, lớp bên trong màu nâu hồng, ở giữa một số phiến có lõi gỗ to, một số phiến không có lõi tùy theo vị trí cắt. Phiến hà thủ ô giòn, có thể bẻ gãy, mùi thơm nhẹ, vị chát hoặc hơi chát.
Hà thủ ô trước khi sử dụng thường được chế biến với nước đậu đen nhiều lần (cửu chưng cửu sái) nên có thể khác với mùi của hà thủ ô khi chưa chế biến và màu sắc cũng sậm hơn. Những phiến để lâu ngày thường chuyển màu nâu đen và đôi khi có mùi ôi hay mốc nếu bảo quản không tốt. Hà thủ ô thường được bán dưới dạng phiến hay củ.
Phiến hà thủ ô giả thường dày khoảng 1-3mm, màu nâu hồng hay nâu tím. Có thể gặp phiến hình hơi tròn hay bầu dục, thường cong queo, lớp bần bề ngoài hơi sần sùi hay có xơ gai nhỏ bị cắt ngang hay dọc phân bổ đều khắp bề mặt phiến kể từ lớp bần vào bên trong. Thể chất cứng, khó bẻ, vị rất chát, se lưỡi.
Xem những mẫu dược liệu của chúng tôi lấy về, dược sĩ này đã có thể nhận biết được những mẫu thật – giả. Nhưng để chắc chắn hơn, chúng tôi nhờ dược sĩ này soi chúng dưới kính hiển vi. Quả nhiên những mẫu thật giả đã được phân biệt rõ ràng. Những lát củ nâu được bán như là hà thủ ô đỏ hiển hiện. Dược sĩ nói trên giải thích: “Dưới kính hiển vi, hà thủ ô thật và giả có nhiều điểm khác nhau về cấu tạo và cách sắp xếp các bó mạch (hay còn gọi là bó libe – gỗ), hạt tinh thể calci oxalat. Tuy nhiên, đặc điểm dễ nhận ra nhất là phiến hà thủ ô thật có nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai trong mô mềm, còn hà thủ ô giả không có thành phần này”.
Nguy hiểm khôn lường
Một lương y cho biết, ông không bao giờ dám dùng hà thủ ô hiện bán ở thị trường vì chúng thật – giả lẫn lộn và không thể đảm bảo chất lượng. Bởi, theo kinh nghiệm của ông, hà thủ ô đỏ thật và đạt chất lượng, ngoài màu sắc còn có thể nhận biết mùi của nó rất thơm, gần như nhân sâm. Hơn nữa, giá gốc 1kg hà thủ ô đỏ bán tại Sapa đã là 140 ngàn đồng, chứ làm sao có giá 40 – 65 ngàn đồng/kg được. Ông cho biết thêm, hà thủ ô thật nếu chế biến đúng cách (khá phức tạp không nằm trong phạm vi bài viết này) thì giá thành có thể lên
đến 600 ngàn đồng/kg.
Theo các dược sĩ, hà thủ ô phải chế biến kỹ để giảm bớt thành phần tannin có sẵn trong dược liệu. Thành phần này nếu có nhiều sẽ làm cho hà thủ ô có vị chát, uống vào sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, đến ruột sẽ làm săn se niêm mạc ruột, giảm co thắt ruột gây táo bón, tích tụ chất độc trong cơ thể. Nếu dùng lâu ngày sẽ có ảnh hưởng không tốt trên gan thận. Còn nếu dùng hà thủ ô đã lâu ngày bị biến chất hoặc ẩm mốc sẽ có hại cho gan, thận.
Một dược sĩ còn cho biết thêm, hiện cũng có một số mẫu hà thủ ô đỏ đã bị chiết xuất một phần hoặc toàn bộ hoạt chất trước khi đem ra bán trên thị trường ở dạng dược liệu khô. Đó là tác hại nếu dùng hà thủ ô chế biến không đúng cách hoặc kém chất lượng, còn dùng thứ giả như củ nâu thì sao? Có người cho rằng, củ nâu không độc, bằng chứng là đôi khi người ta dùng nó như là một thứ thực phẩm. Thực tế, củ nâu muốn ăn phải gọt bỏ vỏ rồi đem ngâm ở suối nhiều ngày mới có thể dùng được, vì hàm lượng tannin có trong củ nâu rất cao. Ngoài ra khi dùng củ nâu để thay thế hà thủ ô đỏ, ngoài việc không đạt hiệu quả như mong muốn có thể gây độc cho cơ thể nếu dùng lâu ngày.
* Nhân vật thật đã được đổi tên.
Theo Nguyễn Hưng
Sức khỏe & Đời sống
Sức khỏe & Đời sống