Tên khác: Sinh khương (gừng sống) – Can khương (gừng khô), Cây khinh (Thái)
Tên khoa học: Zingiber offcinale Rosc.
Họ: Gừng (Zingiberaceae)
1. Mô tả, phân bố
Gừng thuộc loại cây thảo, sống lâu năm, cao 0,5 – 1m, thân rễ phát triển thành củ, phân nhánh. Lá mọc cách, không cuống, phiến lá hình mác to, mặt lá nhẵn bóng. Hoa mọc thành bông từ gốc, có cuống dài, màu vàng xanh.
Cây được trồng khắp nơi để làm gia vị và làm thuốc.
2. Bộ phận dùng, thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc của cây Gừng là thân rễ (rhizome Zingiberis). Thu hoạch vào mùa đông. Đào lấy những củ gừng già, loại sạch đất cát, củ giống cùng rễ con. Nếu dùng tươi gọi là sinh nhượng, dùng gừng khô gọi là can khương (độ ẩm không quá 13%, tro toàn phần không quá 6%, tạp chất không quá 2%).
Gừng đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Thân rễ có tinh dầu, thành phần của tinh dầu gồm D-camphen,β-phellandren, zingiberen, sesquiterpen alcol, borneol, gefaniol, citral; chất cay zingeron, shogaon, zingerol; chất nhựa.
4. Công dụng, cách dùng
Gừng có tác dụng giúp tiêu hóa, chống nôn, chống viêm, giảm đau, chống lạnh, kích thích các cơ quan trong cơ thể. Dùng chữa các chứng bệnh: đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, ăn không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, mạch yếu, hen suyễn, cảm lạnh… và dùng làm gia vị.
Cách dùng:
Ngày dùng 4 – 20g, dạng thuốc sắc, thuốc bột. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Lưu ý: Người âm hư, nội nhiệt không dùng; Phụ nữ có thai không dùng sinh nhượng.