Dược sĩ Bùi Xuân Chương và 50 năm vẽ cỏ cây
Hơn 50 năm qua, dược sĩ Bùi Xuân Chương là người đầu tiên đi khắp mọi miền đất nước tìm và vẽ lên nhiều bức tranh độc đáo về cây thuốc, động vật làm thuốc ở Việt Nam.
Cùng với niềm đam mê vẽ cây, ông còn là Chủ tịch danh dự của Hội thủy sinh cảnh Hà Nội và được coi là người đi tiên phong trong phong trào chơi bể và cây thuỷ sinh (từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay).
Đi khắp Việt Nam tìm vẽ cây
Mặc dù đã gần 80 tuổi, nhưng dược sĩ Bùi Xuân Chương vẫn còn minh mẫn, vẫn đọc báo tiếng Anh, tiếng Pháp… trên mạng internet, vẫn vào google để tìm kiếm tên khoa học cho những loài cây mới mà Hội thủy sinh cảnh vừa tìm kiếm mang về.
Cách đây ba năm, tôi và ông từng có một cuộc trò chuyện về bản quyền 1000 bức tranh cây thuốc của ông.
1000 bức tranh này cùng với 60 bức tranh về động vật làm thuốc từng được đưa vào Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam I, II.
Ông kể: ””Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam III” sắp ra mắt, sẽ tập hợp những bài viết của các chuyên gia và gần 300 tranh mới về cây thuốc, 20 tranh về động vật làm thuốc của tôi”.
Ông kể thêm: “Tập sách này đã được chuẩn bị năm năm rồi và sẽ ra mắt trước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Viện Dược liệu cũng đang mời tôi vẽ lại bản đồ dược liệu, vì bản đồ cũ mất rồi, nhưng tôi từ chối, giờ tôi không vẽ nữa, mắt tôi còn tinh, nhưng tay tôi run rồi.”
Sống trong một căn nhà nhỏ giữa khu phố sầm uất Phùng Hưng, 50 năm qua, ngày ngày ông tỉ mẩn vẽ về cỏ cây, hoa lá. Vẽ cây bao nhiêu, ông yêu cây bấy nhiêu.
Ông đã đi đến hầu khắp mọi miền đất nước (trừ Cà Mau là chưa đến) để vẽ tranh về cây thuốc, đồng thời tìm những cây lạ mắt, độc đáo để đưa vào bể thủy sinh.
Đam mê vẽ tranh từ nhỏ và từng được điểm cao (khi học Trung học ở trường Bưởi) vì vẽ nhiều tranh biếm họa hay, nhưng mẹ ông lại buồn phiền khi thấy con mình suốt ngày theo nghiệp vẽ vời.
Chiều lòng mẹ, ông thi vào Đại học Dược, chuyên ngành thực vật và dược liệu. Tại trường, các giáo sư Vũ Văn Chuyên, Đỗ Tất Lợi đã thường xuyên khuyến khích ông vẽ các cây thuốc và dược liệu. Sau này qua sách của các thầy, ông đã thấy tranh vẽ của ông – dù là phác thảo vẫn được các thầy sử dụng.
Để nâng cao nghiệp vẽ, ông cũng từng dành ba tháng hè đi học những khái niệm cơ bản về hội họa do thầy Lương Xuân Nhị dạy. Tốt nghiệp đại học năm 1960, ông chuyển về Viện Dược liệu, công tác tại phòng điều tra sưu tầm. Được mọi người khuyến khích và tạo điều kiện, ông mải mê vẽ.
Dần dần quen tay, các bản phác thảo ngày càng dày lên, đẹp ra. Nhưng để hoàn chỉnh một bức họa về cây thuốc có khi mất ba, bốn ngày và tốn khá nhiều giấy nháp. Bởi ông phải mô tả đúng hình dạng thân cây, những nét riêng của lá, của hoa.
Nhiều loại cây có những bộ phận thân, cành, na ná giống nhau, phải vẽ sao cho chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Có cây hoa nhỏ li ti, mắt thường không nhìn thấy gì, phải lấy kính lúp ra soi mới vẽ được.
Có cây thuốc phải một năm mới vẽ xong vì phải đợi cây ra quả, hoặc củ để minh họa tổng thế. Với ông, khó khăn nhất là vẽ quả, vì phải mổ xẻ ra vẽ các chi tiết bên trong quả dưới kính hiển vi, đòi hỏi nhiều thời gian.
Năm 1971, cùng với dược sĩ Đỗ Huy Bích ông đã ra cuốn Sổ tay cây thuốc (Nhà xuất bản Y học, đã tái bbarn ba lần). Tiếp đó, năm 1990 là cuốn “Cây thuốc Việt Nam-Medicinal Plants in Vietnam” (Việt-Anh)… đều sử dụng tranh minh họa do ông thực hiện.
Rồi nữa là tham gia vẽ tranh cho cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam I và II” với gần 1.000 cây thuốc và 60 động vật làm thuốc, trong đó có nhiều cây dược liệu mới.
Để hoàn thành 1.000 bức tranh mầu đó, ông đã phải dùng đến năm chiếc bút kim (vẽ những nét nhỏ nhất), nhờ mua tại Mỹ với giá 35 USD một chiếc.
Lại phiêu du sang Cu Ba, Lào tìm cây thuốc
Năm 1982 và 1983, hai lần ông được mời sang Cu Ba giúp bạn điều tra cây thuốc.
Lần thứ nhất sang, suốt sáu tháng ròng ông đi hầu khắp đất nước Cuba (từ Havana đến Santiago de Cuba) tìm kiếm cây thuốc và vẽ cho các đề tài nghiên cứu. Lần thứ hai sang, ông chỉ ngồi tại chỗ, mẫu vật được cung cấp đầy đủ.
Vẽ được 199 cây thuốc, đến cây thứ 200 thì không kịp vì đã cận ngày về để đi Lào. Một lần, một người bạn Cuba (tên Victor Fuentes) sang Việt Nam cho biết những bức họa của ông đã từng được in thành sách.
Quá trình điều tra ở Lào ông cũng vẽ giúp bạn rất nhiều tranh cây thuốc. Cây thuốc ở Lào cũng như Việt Nam, nhiều cây có mẫu sẵn, nên ông vẽ rất nhanh. Đi nhiều, tìm hiểu nhiều, vẽ nhiều loại cây thuốc, ông có thời gian để so sánh cây thuốc ở Lào, Cuba với Việt Nam.
Có người bạn khuyên ông cứ vẽ rồi công bố dần từng họ cho các cây thuốc, nhưng ông chỉ chuyên chuyện vẽ. Viết về một cây thuốc phải có tranh minh họa, tranh minh họa càng chi tiết càng có tính khoa học.
Vì một cuốn sách thuốc, một cuốn sách dược liệu không có tranh minh họa chỉ là một cuốn sách chết. Mong muốn của ông Chương là qua những bức tranh cây thuốc, bạn đọc và những người trong ngành dược liệu dùng cây thuốc đúng tên, đúng bệnh.
Đặt tên cho các loài thủy sinh mới
Song song với nghiệp vẽ cây cỏ, động vật làm thuốc, Bùi Xuân Chương còn là người đam mê cá cảnh, cây thủy sinh số một của đất Hà Thành.
Không phải ngẫu nhiên anh em trong hội gọi ông là nhà thủy sinh học và bầu ông làm Chủ tịch danh dự của hội. Ông là người đầu tiên đi sưu tầm nhiều loài cây thủy sinh, rong lạ, gây giống, giữ gìn cũng như phát triển.
Tiềm năng các loài cây thủy sinh Việt Nam còn rất nhiều. Thời gian qua, cùng với sự du nhập các loài cây thủy sinh vào Việt Nam (chủ yếu các loài cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, Trung Quốc), Hội Thủy sinh cảnh đã tổ chức nhiều chuyến tìm kiếm ở Hà Tây, Thanh Hóa, Hải Dương, Cao Bằng… và nhiều loài tìm thấy được đánh giá cao.
Hiện nay chưa có ai thống kê cây dưới nước cả, nhưng ông Chương đã tập hợp được gần 200 loài. Tuy nhiên, gần đây, theo ông Chương, phong trào chơi bể thủy sinh phát triển khá mạnh, nên ở đâu phát hiện có cây đẹp, cá lạ… người ta đánh cả xe xuống lấy hết, cây mất đi rất nhanh. Nhiều người chơi không có kỹ thuật, cây mang về chẳng ươm ra được, mà chết hết.
Đến nay, ông Bùi Xuân Chương đã có gần 1500 họa phẩm đen trắng và gần 500 họa phẩm mầu được in trong các tuyển tập sách về cây thuốc Việt Nam như “Sổ tay cây thuốc“, “Cây thuốc Việt Nam“, “Cây thuốc-bài thuốc biệt dược“, “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam I, II, và III” (sắp ra mắt).
Ông còn là đồng tác giả của công trình khoa học Atlat quốc gia Việt Nam – đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
Tuổi cao, không còn sức đi tìm cây, vẽ cây, nhưng tuần nào ông Chương cũng đến trại thủy sinh của ông Hòa để xem những loài cây mới tìm về đang được nuôi ươm như thế nào, tìm cách chăm sóc, rồi đặt tên cho từng loài.
Những cây lạ mắt, ông mang về nhà ươm trồng, chăm sóc và tốn không ít công mới mong được thấy chúng nở hoa… Ông Chương cho biết, nhiều khi đến mệt, mất ngủ vì cây.
Nói đến chuyện mất ngủ, ông Chương đưa ngay cho tôi xem hộp thuốc đang để trên bàn. Ông kể: “Hôm rồi mất ngủ, ra hiệu thuốc mua thì lại thấy hai tranh cây thuốc của mình (cây Vông nem và Bình vôi) được in trên vỏ hộp”.
Mở mạng, ông cũng thấy hầu hết các trang web về đông y đều lấy tranh ông vẽ để minh họa cho các bài viết mà chẳng đề tên, và cũng chẳng ai nói đến việc trả bản quyền tranh cho ông.
Nhiều hãng dược sao chép các bức tranh của ông minh họa cho vỏ thuốc, ông cũng đã từng lên tiếng, nhưng họ vẫn coi như không biết. Giờ đây, thấy sách của các giáo sư, bác sĩ in ra, lấy tranh của mình, ông cũng chả buồn lên tiếng nữa.
“Tôi có quen một ông ở Cục bản quyền tác giả, ông ấy bảo tôi làm đơn để đòi quyền lợi, nhưng tôi không làm, vì tôi nghĩ làm phải có tiền rất mất thời gian. Tôi chỉ có mong muốn làm sao tất cả những bức tranh của tôi được lưu giữ tại Viện bảo tàng thiên nhiên hoặc một bảo tàng nào đó, không sau này các con tôi cũng vứt hết,” ông tâm sự./.