Đỗ trọng ( 杜仲 )
Mục lục
Tên khoa học:
Eucommia ulmoides Oliv. Họ Đỗ trọng (Eucommiaceae)
+ Tên thuốc: Đỗ trọng (Xuất xứ: Bản kinh)
+ Tên khác: Tư tiên (思仙), Mộc miên (木绵), Tư trọng (思仲),Thạch tư tiên (石思仙), Ty liên bì (丝连皮), Ty luyện thụ bì ( 丝楝树皮), Xả ty bì (扯丝皮), Ty miên bì(丝棉皮).
+ Tên Trung văn: 杜仲 DUZHONG
+ Tên Anh Văn: Eucommia Bark
+ Tên La tinh: Eucommia ulmoides Oliv.+ Nguồn gốc: Là vỏ cây của Đỗ trọng thực vật họ Đỗ trọng (Eucommiaceae).
Mô tả
Cây nhỡ hay cây to, có thân hình trụ, vỏ màu xám đen, khi bẻ đôi sẽ thấy những sợi nhựa mảnh màu trắng. Lá mọc so le, mép có răng cưa nhỏ và đều, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt, khi rách ra, lá cũng có những sợi nhựa như vỏ thân.
Hoa đơn tính khác gốc, hoa đực và hoa cái riêng, không có bao hoa.
Hoa đực mọc thành chùm ngắn gồm khoảng 10 nhị mảnh, dài; hoa cái tụ họp ở kẽ lá có bầu chứa 2 noãn treo.
Quả hình thoi, thuôn mảnh, dẹt, đầu quả xẻ đôi; hạt một, màu nâu bóng.
Trong thực tế thiên nhiên, có nhiều cây rất khác nhau về hình thái và họ thực vật được dùng thay thế đỗ trọng với tên “đỗ trọng nam” chỉ vì khi bẻ vỏ cây và lá cũng thấy nhựa mủ khô lại thành những sợi mảnh như tơ giữ cho các mảnh bị bẻ không rời ra, mặc dầu lớp vỏ ngoài của những cây này rất mỏng, ít tơ và tơ ngắn hơn, không dai bền.
Những cây đó là cây chân danh thuộc họ Săng máu (Celastraceae), cây san hô hay bạch phụ tử (họ Euphorbiaceae – Thầu dầu), cây Pavameria (họ Trúc đào – Apocynaceae).
Phân bố
Phân bố mọc ở các vùng trung du Trường Giang và các tỉnh nam bộ, Hà Nam, Thiểm Tây, Cam Túc (Trung Quốc) đều có nuôi trồng. Ở Việt Nam, đỗ trọng được nhập từ năm 1962 và trồng thử ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu). Sau đó, cây được phát triển rộng ra các tỉnh khác như Hà Giang, Hòa Bình. Hiện nay, ta đã tự túc được loại dược liệu này.
Thu hoạch
Để bảo vệ tài nguyên, thường dùng phương pháp bóc vỏ cục bộ. Khỏang thanh minh đến hạ, chọn lấy những gốc cây mọc 15 ~ 20 năm trở lên, theo kích cở qui cách thuốc, bóc vỏ xuống, bỏ đi vỏ khô, phơi khô. Để nơi thông gió khô ráo.
Bào chế
– Đỗ trọng: Bỏ đi vỏ thô, rửa sạch, thấm ướt, cắt thành sợi tơ hoặc cục vuông, phơi khô.
– Đỗ trọng muối: Trước dùng muối ăn thêm nứớc sôi lượng thích hợp hòa tan, lấy Đỗ trọng vuông hoặc sợi tơ, cùng với nước muối trộn đủ thấm hấp thu, sau đó bỏ vào trong nồi, dùng lửa nhỏ sao đến hơi có vết cháy xém là độ, lấy ra hong khô. (Cứ mỗi 100 cân Đỗ trọng, dùng muối ăn 3 cân) . Đỗ trọng sau khi qua sao chế, thì nhựa đổ trọng bị rách, dễ sắc ra thành phần hữu hiệu .
– Lôi công bào chích luận: Phàm dùng Đỗ trọng, trước nên cạo bỏ đi vỏ thô. Dùng bơ, nướng vậy.
– Bản thảo thuật câu nguyên: Đỗ trọng, dùng rượu sao đứt tơ.
Phân biệt tính chất, đặc điểm
Đỗ trọng có dạng những tấm phẳng hoặc tấm cuộn tròn, vỏ ngoài màu be xám, lớp vỏ thô ngoài cùng thường đã được cạo sạch, lớp vỏ bên trong, bề mặt có màu gụ sẫm hoặc màu gụ xám, chất giòn mà dễ bẻ gẫy, chỗ gẫy thường có lớp tơ trắng sợi rất nhỏ dính liền chúng với nhau, hơi có tính đàn hồi, kéo chúng ra tới mức nào đó sẽ đứt. Mùi nhẹ, vị hơi đắng, đưa lên miệng nhấm có dính chất keo. Loại nào vỏ dày, hoàn chỉnh, vỏ ngoài được cạo sạch, mặt cắt có nhiều tơ trắng, mặt bên trong có màu be đen hoặc màu be tím, đó là loại tốt.
Tính vị
– Trung dược đại từ điển: Ngọt, hơi cay, ấm.
– Trung dược học: Ngọt, ấm.
– Bản kinh: Vị cay, bình.
– Biệt lục: Ngọt, ấm, không độc.
– Dược tính luận: Vị đắng.
Qui kinh
– Trung dược đại từ điển: Vào kinh Can, Thận.
– Trung dược học: Váo kinh Can, Thận.
– Vương hảo cổ: Phần khí Can kinh.
– Lôi công bào chế dược tính giải: Vào kinh Thận.
– Bản thảo kinh giải: Vào kinh Thủ thái âm Phế.
Tác dụng và chủ trị
Bổ Can Thận, mạnh gân xương, an thai.
Trị eo lưng cột sống đau nhức, chân đầu gối mềm yếu, tiểu tiện thừa nhỏ giọt, âm hạ thấp ngứa, thai lậu muốn rơi xuống, thai động bất an, cao huyết áp.
– Bản kinh: Chủ eo lưng cột sống, bổ trung ích tinh khí, cứng gân xương, mạnh trí, trừ âm hạ ngứa thấp, tiểu thừa nhỏ giọt.
– Biệt lục: Chủ trong chân đau mỏi, không muốn bước đi.
– Dược tính luận: Trị Thận lạnh hông eo lưng đau, người bệnh eo lưng hư mà thân thẳng cứng, phong vậy. Eo lưng không lợi gia thêm mà dùng vậy.
– Nhật hoa tử bản thảo: Trị Thận lao, trị eo lưng cột sống co. Cho vào thuốc nướng dùng.
– Vương Hảo Cổ: Nhuận Can táo, bổ Can kinh phong hư.
– Bản thảo chính: Cầm tiểu nước mộng di, ấm tử cung, an thai khí.
– Ngọc thu dược giải: Bổ Can Thận, dưỡng gân xương, trừ thấp dâm khớp xương. Trị eo lưng gối đau mỏi. Chân đùi cong co.
– Bản thảo tái tân: Sung sức gân, cường dương đạo.
Liều dùng và cách dùng
Sắc uống, 10 ~ 15g.
Kiêng kỵ
– Trung dược học: Bổn phẩm là thứ ôn bổ, người âm hư hỏa vượng cẩn thận dùng.
– Bản thảo kinh tập chú: Sợ da rắn, Nguyên sâm.
– Bản thảo kinh sơ: Người Thận hư hỏa mạnh không nên dùng. Lúc dùng nên cùng dùng với Hòang bá, Tri mẫu.
– Đắc phối bản thảo: Hai chứng nội nhiệt, tinh huyết táo cấm dùng.
Những cấm kỵ khi dùng thuốc:
Đỗ trọng tính ôn, người nào âm hư hỏa vượng kiêng không dùng; người nào huyết áp thấp kiêng không uống quá nhiều, thời gian kéo dài.
Thành phần hóa học
Vỏ đỗ trọng chứa hai nhóm chính là iridoid glycosid và lignan glycosid.
Aucubin là thành phần chủ yếu với hàm lượng 0,1 – 4%. Ngoài ra, vộ còn có betulin, acid betulic, P-sitosterol, eucommin.
Lá đỗ trọng chứa các acid tartric, cafeic, dihydrocaíeic, catechol…
Nghiên cứu hiện đại
- Thành phần hóa học:
Bổn phẩm hàm chứa Gutta-percha, Eucommia glycoside, pinoresind diglucoside(C32H42O16), Aucubin glycosides, tannin, hợp chất Flavonoids v.v…(Trung dược học).
- Tác dụng dược lý:
Thuốc sắc vỏ Đỗ trọng có thể giảm bớt số lần họat động của chuột con rõ rệt.. Thuốc sắc Đỗ trọng có thể kéo dài thời gian ngủ của napental, và có thể làm cho động vật thực nghiệm phản ứng chậm chạp, thích ngủ v.v…Vỏ Đỗ trọng có thể ức chế DNCB gây ra phản ứng quá mẫn thể chậm của chuột con; Có thể chống lại tác dụng ức chế miễn dịch của cortisone, có điều tiết công năng cân bằng miễn dịch tế bào, và có thể tăng cường tác dụng tăng thêm hàm lượng glycogen gan chuột con mang khối u, và có thể làm đường huyết tăng cao. Thuốc sắc nước Đỗ trọng sống, Đỗ trọng sao và Đỗ trọng cát nóng (?) đối với thỏ nhà và chó đều có tác dụng giáng áp rõ rệt, nhưng tác dụng giáng áp Đỗ trọng sống khá kém, tác dụng của Đỗ trọng sao và Đỗ trọng cát nóng hầu như giống nhau hòan tòan, giá trị tuyệt đối giáng áp của nó tương đương với 2 lần của Đỗ trọng sống. Đều có thể chống lại tác dụng hoocmon tuyến yên đối với tử cung cô lập, ức chế rõ rệt tác dụng ức chế co rút tự chủ tử cung cô lập chuột bạch lớn. (Trung dược học).
- Nghiên cứu lâm sàng: – Dùng Bổ Thận an thai ẩm điều trị Sẩy thai thói quen (Trung y Thiểm Tây,1995,16(2):70).
– Dùng Thuốc viên dẹt Đỗ trọng lá và vỏ điều trị cao huyết áp, đối với triệu chứng chủ yếu của cao huyết áp đều có cải thiện trình độ nhất định. (Trung y Thiểm Tây, 1980,1(4):27).
Theo các nghiên cứu hiện đại, đỗ trọng hàm chứa các thành phần keo đỗ trọng, mỡ thực vật, vật phối đường, acid hữu cơ, kiềm sinh vật, chất keo quả, vitamin V.v… Có tác dụng hạ huyết áp, lợi tiểu và giảm đau. Nó còn có thể tăng cường công năng tuyến thượng thận, kích thích phản ứng của các chức năng miễn dịch đặc biệt của cơ thể, có chức năng điều tiết các tế bào miễn dịch 2 chiều.
Đặc biệt, ở Liên Xô trước đây, đỗ trọng được coi là vị thuốc phổ biến đặc trị cao huyết áp dưới dạng cao lỏng và rượu ngâm với cách làm và sử dụng như sau:
- Cao lỏng: Dược liệu đỗ trọng (1kg) thái nhỏ, cho vào thùng nhôm (không dùng thùng sắt). Đổ nước ngập dược liệu. Đun sôi trong 6 -8 giờ, nếu cần cho thêm nước sôi. Chắt nước thứ nhất. Thêm nước tiếp tục đun trong 3 – 4 giờ. Chắt nước thứ hai. Trộn hai nước lại, lọc rồi cô nhỏ lửa cho còn 250 – 500ml là được. Bảo quản bằng 10 ml cồn hoặc acid benzoic 1%0.
Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 15-30 giọt.
- Rượu ngâm: Dược liệu đỗ trọng (200g) thái nhỏ, ngâm vào 1000ml rượu 30 – 40° trong 10 – 20 ngày, càng lâu càng tốt. Thỉnh thoảng lắc đều. Để lấy hết hoạt chất trong dược liệu, có thể ngâm theo cách sau:
Ngâm dược liệu với 600ml rượu trong 4 ngày. Gạn lấy dung dịch đầu. Thêm 200ml rượu vào bã, tiếp tục ngâm 2 ngày. Gạn dung dịch thứ hai. Ngâm bã nốt với 200ml rượu trong 2 ngày nữa. Gạn dung dịch thứ ba. Đem hợp 3 dung dịch rượu lại và lọc trong.
Bảo quản
Để nơi khô ráo, thoáng gió.
Bài thuốc ứng dụng chữa bệnh
- Chữa thận hư, liệt dương, đau lưng, mỏi gối: Đỗ trọng (16g), cẩu tích (20g), bổ cốt toái (16g), tỳ giải (16g), củ mài (20g), thỏ ty tử (12g), rễ cỏ xước (20g), rễ gối hạc (12g), dây đau xương (12g). Tất cả phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa đau vùng thắt lưng: Đỗ trọng và hạt quýt (mỗi vị 80g) sao vàng, tán nhỏ, uống với nước muối và rượu, chia đều cho đến hết. (Hải Thượng Lãn Ông).
- Chữa thận âm hư, suy nhược thần kinh, tăng huyết áp: Đỗ trọng (12g), rau thai nhi (1 cái), đảng sâm (16g), ngưu tất (16g), long cốt (16g), thục địa (16g), mẫu lệ (16g), thiên môn (12g), mạch môn (12g), phục linh (12g), hoàng bá (8g), tạo giác (4g). Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với hồ làm viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi ngày uống 16 – 20g.
- Chữa cao huyết áp: Đỗ trọng (33g), hoàng bá (10g), sa nhân (6,6g), cam thảo (6,6g). Đun với 800ml nước, để sôi trong 15-20 phút, chia làm 3 lần uống trong ngày (Tài liệu nước ngoài).
Hoặc đỗ trọng (60g, để sống), hạ khô thảo (60g), mẫu đơn bì (30g), thục địa (30g). Tán bột, chế thành hoàn. Ngày uống hai lần, mỗi lần 9g.
- Chữa đau lưng, chân tay tê mỏi: Đỗ trọng (50g), bổ cốt chi (50g), hồ đào nhân (15g). Tất cả nghiền thành bột, làm viên. Ngày uống 15g chia làm 2 – 3 lần.
Bài thuốc cổ kim tham khảo
+ Phương thuốc 1:Trị đau eo lưng: Xuyên Mộc hương 1 chỉ, Bát giác hồi hương 3 chỉ, Đỗ trọng (sao bỏ tơ) 3 chỉ. Nước 1 chén, rượu nửa chén, sắc uống, bã lại sắc.
(Họat nhân tâm thống – Tư tiên tán)
+ Phương thuốc 2:
Trị đột nhiên lưng đau không chịu được: Đỗ trọng 2 lượng ( bỏ vỏ thô, nướng hơi vàng, cắt). Đan sâm 2 lượng, Khung cùng 1 lượng rưỡi, Quế tâm 1 lượng, Tế tân 3 phân. Thuốc trên giã thô sàng tán, mỗi lần uống 4 chỉ, dùng nước 1 chung, sắc đến 5 phân, bỏ bã, tiếp cho rượu vào 2 phân, sắc sôi thêm 2, 3 dạo, uống ấm trước mỗi bửa ăn.
(Thánh Huệ phương – Đỗ trọng tán)
+ Phương thuốc 3:
Trị Trúng phong gân mạch co cấp, lưng gối không có sức: Đỗ trọng (bỏ vỏ thô, nướng, cắt) 1 lượng rưỡi, Khung cùng 1 lượng, Phụ tử (sao cháy tồn tính nứt, bỏ vỏ. Núm) nửa lượng; Thuốc trên 3 vị, cắt như hạt đậu mè, mỗi lần uống thìa 5 chỉ, nước 2 chén, cho vào Gừng tươi, táo lớn, đập nát, sắc đến 1 chén, bỏ bã, uống ấm bụng đói. Nếu người đi 5 dặm lại uống, mồ hôi ra cẩn thận ngọai phong.
(Thánh tể tổng lục – Đỗ trọng ẩm)
+ Phương thuốc 4:
Trị tiểu tiện thừa nhỏ giọt, âm hạ thấp ngứa: Xuyên đỗ trọng 4 lượng, Tiểu hồi hương 2 lượng (đều tẩm muối, rượu sao), Xa tiền tử 1 lượng rưỡi, Sơn thù nhục 3 lượng (đều sao). Tất cả tán bột: luyện mật hòan, lớn như hạt ngô đồng. Mỗi sáng uống 5 chỉ, nước sôi trắng uống.
(Bản thảo hối ngôn)
+ Phương thuốc 5:
Trị đàn bà bào thai không an: Đỗ trọng không kễ nhiều ít, bỏ vỏ thô cắt nhỏ, sấy khô trên ngói, giã sàng nghiền nhỏ, nấu thịt táo hồ hòan, như viên đạn, mỗi lần uống 1 hòan, nhai nát, uống với nước cơm nếp.
(Thánh tễ tổng lục – Đỗ trọng hòan)
+ Phương thuốc 6:
Trị sẩy thai quen nhiều lần hoặc 3,4 tháng thì sẩy: Vào trước 2 tháng, lấy Đỗ trọng 8 lượng (gạo nếp sắc nước, tẩm thấm, sao bỏ tơ), Tục đọan 2 lượng (tẩm rượu, sấy khô: nghiền nhỏ), lấy Sơn dược 5, 6 lượng nghiền nhỏ, làm hồ hòan, lớn như hạt ngô.
Mỗi lần uống 50 hòan, uống với nước cơm lúc bụng đói.
(Giản tiện đơn phương)
+ Phương thuốc 7:
Trị cao huyết áp: Đỗ trọng, Hòang cầm, Hạ khô thảo đều 5 chỉ. Sắc nước uống.
(Thiểm Tây Trung thảo dược)
+ Phương thuốc 8:
– Chủ trị: Sẩy thai thói quen.
– Thành phần: Đỗ trọng 15g, Tử tô ngạnh 9g, Ngãi ngạnh 6g, Trứng gà 1 quả.
– Cách dùng: Trước tiên thêm nước vào thuốc sắc nửa giờ đồng hồ, cho vào trứng gà nấu chín, uống nước ăn trứng, mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục 3 ~ 5 ngày.
+ Phương thuốc 9:
– Chủ trị: Đau lưng do thận hư.
– Thành phần: Đỗ trọng 15g, Ngũ gia bì 20g, Thổ ngưu tất 10g, Thổ câu kỉ 20g.
– Cách dùng: Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang, uống liên tục 7 ~ 10 ngày.
+ Phương thuốc 10:
– Chủ trị: Tiểu tiện nhiều lần do Thận hư.
– Thành phần: Đỗ trọng 10g, Kim anh tử 30g, Tang phiêu tiêu 10g.
– Cách dùng: Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang, uống liên tục 3 ~ 5 ngày.
Theo “Dược phẩm vựng yếu”
Khí vị:
Vị cay ngọt, khí bình, không độc, vào kinh Túc thiếu âm và Túc quyết âm, kỵ Xà thoát, Huyền sâm.
Chủ dụng:
Bổ Thận, thêm tinh, trị chứng eo lưng và lưng đau khó duỗi ra, bổ trung khí, mạnh chí, chữa di, mộng tinh, tiểu tiện nhỏ giọt, giúp Can và Thận, cứng gân xương, trừ ngứa ở âm hộ, ướt ở hạ nang, tê liệt co nhũn là phải dùng, chân nhức không đi xuống đất được thì kiến hiệu ngay, bổ khí cho Thận, nhuận táo cho Can.
Ngưu tất chủ phần huyết ở hạ bộ, Đỗ trọng chủ phần khí ở hạ bộ, cho nên thường cùng nương tựa vào nhau mà làm việc.
Đông Viên nói: Đỗ trọng có khả năng làm cho gân và xương dính nhau, có tác dụng yên thai và các bệnh hậu sản.
Cách chế:
Chuyên chủ để bổ Thận thì sao với Muối và Rượu, cho vào thuốc điều bổ gân xương thì dùng sống hoặc sao Rượu, cho vào thuốc trừ tê thấp thì sao với Rượu. Gọt bỏ vỏ dày, dùng cái có sợi tơ dày thì tốt.
Nhận xét:
Đỗ trọng tính ôn mà không trợ hỏa, có thể uống lâu, dùng chung với thuốc tư bổ thì thêm khí huyết của gân xương, dùng chung với thuốc khu phong thì trừ phong thấp ở gân xương, cho nên công năng chuyên về Can và Thận, đi thẳng xuống phần huyết ở hạ bộ, phối với Thục địa thì tư bổ ở trong gân xương, tinh tủy của Can Thận, phối với Tục đoạn thì điều bổ khí huyết ở khoảng khớp đốt gân xương, cho nên tác dụng của những vị này thường phải nương tựa vào nhau, làm tá sứ lẫn nhau để cung cấp cho khí huyết gân xương.
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Bát vật giáng hạ thang
Xuyên khung 8g, Đương quy 10g, Sinh địa 8g, Bạch thược 8g, Hoàng kỳ 6g, Hoàng bá 6g, Câu đằng 8g, Đỗ trọng 8g.
Sắc, chia uống 3 lần trong ngày
Có tác dụng bổ huyết, dưỡng tâm.
Chữa huyết áp vừa cao vừa kẹt (huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu chênh lệch dưới 40 mm Hg, nên máu lưu thông kém, người bệnh nặng đầu, ù tai, mệt mỏi, huyết xuống Hạ tiêu không đủ làm 2 chân và đầu gối nhức đau, hạ nang ướt. cần thiết có thể gia thêm các vị trừ thấp, hoạt huyết để hóa thấp,chỉ thống.
“Cảnh Nhạc toàn thư”
Bài Đại bổ nguyên tiễn
Nhân sâm 12g, Hoài sơn 8g, Thục địa 20g, Sơn thù 4g, Đỗ trọng 8g, Câu kỷ tử 8g, Đương quy 8g, Cam thảo 4g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Có tác dụng bổ căn bản Tiên thiên và Hậu thiên.
Chữa liệt dương do rối loạn thần kinh chức năng thuộc thể Thận hư không có nội nhiệt và đàm thấp, trẻ nhỏ yếu đuối, người cao tuổi khí âm hư.
“Cảnh Nhạc toàn thư”
Bài Quy thận hoàn
Thục địa 260g, Câu kỷ tử 120g, Sơn thù du 120g, Đỗ trọng 120g, Thỏ ty tử 10g, Sơn dược 120g, Đương quy 90g, Bạch linh 120g. Thục địa giã nát, nấu thành cao, các vị khác tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.
Có tác dụng bổ âm, ích tinh.
Chữa Thận âm hư, tinh huyết kém.
“Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa”
Bài Thiên ma câu đằng ẩm
Thiên ma 8-12g, Chi tử 8-12g, Hoàng cầm 8-12g, Câu đằng 12-16g, Ngưu tất 12-16g, Đỗ trọng 12-16g, ích mẫu 12-16g, Dạ giao đằng 12-20g, Bạch linh 12-20g, Thạch quyết minh 20g (Sắc trước), Tang ký sinh 20-30g.
Sắc, chia uống 1 -2 ngày, mỗi ngày vài lần.
Có tác dụng bình Can, tức phong, tư âm, thanh nhiệt.
Trị huyết áp cao, đau đầu, ù tai, hoa mắt, mất ngủ hoặc bán thân bất toại, lưỡi đỏ, mạch huyền sác.
Gia giảm:
Trị sản hậu co giật bỏ Ngưu tất, ích mẫu thảo.
Chân tay co giật thêm Linh dương giác, Mẫu lệ.
Nhiệt thịnh, phong động bỏ Tang ký sinh, Đỗ trọng, Ngưu tất, ích mẫu thảo, thêm Tang diệp, Cúc hoa, Long đởm thảo.
“Tâm đắc thần phương”-Hải Thượng Lãn Ông
Bài Thập toàn bổ chính thang (là bài Thập toàn đại bổ bỏ Thục địa, Xuyên khung; thêm Táo nhân, Đỗ trọng,Tục đoạn, Ngưu tất) Nhân sâm 1,5đ, Bạch linh 2,2đ, Chích Hoàng kỳ 2đ, Đỗ trọng sống 2đ, Táo nhân 2đ, Tục đoạn 2đ, Đương quy 1-2đ, Ngưu tất 2đ, Bạch thược 2đ, Nhục quế 0,8đ, Bạch truật 2d Đại táo 2 quả, Chích cam thảo 1,5đ.
Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Chủ tri: Trúng phong, âm hư phát nhiệt, thổ huyết, ho, tất cả các chứng hư lao rất nặng, cùng chứng ban chẩn trầm trọng, trên suyễn, dưới tả, trên thực, dưới hư, trên nhiệt, dưới hàn uống vào liền khỏi.
Phương này là một phương tư âm giáng hỏa rất hay. Sau khi chứng giả nhiệt đã lui, nếu chứng âm hàn xuất hiện thì chớ uống quá nhiều, tránh có thể gây nên chứng hư hàn ỉa chảy.
Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng:
Đỗ trọng tửu (rượu đỗ trọng)
Đỗ trọng 30g – Rượu trắng 500ml.
Ngâm 7 ngày sau mang ra uống, ngày 2-3 lần, mỗi lần 10 – 20ml.
Dùng cho người cao huyết áp, lao tổn đau lưng, hoặc dùng rượu này bóp lưng, chữa chứng đau lưng cấp tính.
Đỗ trọng dương thận thang (thang đỗ trọng cật dê)
Đỗ trọng 30g – Cật dê 1 đôi.
Trước tiên sắc đỗ trọng lấy nước, cho cật dê vào ninh cho chín, thêm mắm muối gia vị, ăn thịt uống thang lúc đói. Dùng cho người thận hư lưng đau.
Đỗ trọng đồn trư đỗ (đỗ trọng hầm dạ dày lợn)
Đỗ trọng 30g – Dạ dày lợn 250g
Ninh chung, sau đó bỏ bã thuốc, uống thang, ăn thịt. Dùng cho người thận hư đau thắt lưng, liệt dương, đi đái nhiều.
Đỗ trọnẹ đồn trư đề thang (thang đỗ trọng ninh chân giò).
Đỗ trọng 45g – Chân giò 1 chiếc.
Cho nước vừa phải, đun nhỏ lửa, ninh trong 4 giờ làm thang. Ngày đầu chia 2 lần ăn, ngày hôm sau, cho 1 chân giò khác vào bã thuốc hôm trước, ninh lên ăn như hôm trước. Cách ngày 1 lần.
Dùng cho trẻ con bị di chứng bại liệt (song song với uống thuốc, cần kết hợp xoa bóp bấm huyệt và rèn luyện về công năng)
Đỗ trọng đồn trứ vĩ ba (đỗ trọng ninh đuôi lợn)
Đỗ trọng 30g – Xuyên đoạn 25g
Đuôi lợn 2 cái.
Bỏ cả vào nồi đất ninh cho chín, cho muối cho vừa đem ra ăn.
Dùng cho người liệt dương, di tinh, vùng thắt lưng đau nhức.
Đỗ trọng cẩu tích tiễn (thuốc sắc đỗ trọng xương sống chó)
Đỗ trọng 10g – Xương sống chó 9g
Sắc uống, ngày 1 thang, chia 2 lần sớm, tối.
Dùng cho người đau lưng lạnh đầu gối.
Đỗ trọng an thai thang (thuốc an thai đỗ trọng)
Đỗ trọng 10g – Tục đoạn 5g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm, tói.
Dùng cho phụ nữ có mang bị động thai.
Đỗ trọng bảo thai ẩm (Thuốc giữ thai đỗ trọng)
Đỗ trọng 10g – Đương qui 10g
Bạch truật 10g – Đảng sâm 10g
Keo da lừa (đã làm cho chảy ra) 10g Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Dùng cho người chửa bị động thai. Có thể phòng chống sẩy thai.
Đỗ trọng giáng áp thang (thang đỗ trọng hạ huyết áp)
Đỗ trọng 10g – La bố ma 9g
Mạn kinh tử 9g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm tối.
Dùng cho người già bị cao huyết áp, đau đầu, váng đầu.
Đỗ trọng thung dung thang (thang thung dung đỗ trọng)
Đỗ trọng 10g – Thục địa 9g
Nhục thung dung 9g
Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Dùng cho người bị thận hư, liệt dương, mắt hoa đầu váng v.v…
Đỗ trọng kê đản (đỗ trọng trứng gà)
Đỗ trọng 12g – Xuyên đoạn 12g
Trứng gà 2quả
Bỏ vào sắc chung, khi trứng chín đập bỏ vỏ, cho vào sắc tiếp 1 giờ. Ăn trứng uống thang.
Dùng cho người đau lưng mỏi gối, động thai.
Đỗ trọng hạ khô thảo thang (thang đỗ trọng hạ khô thảo)
Đỗ trọng 10g – Hạ khỏ thảo 10g
Hoàng cầm 10g
Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần
Dùng cho người cao huyết áp, đầu váng mắt hoa.
Đỗ trọng mộc hương thang (thang đỗ trọng mộc hương)
Đỗ trọng (sao, bỏ tơ) 9g – Đại hồi hương 9g
Xuyên mộc hương 3g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Dùng cho người bị đau lưng.