Đông y có rất nhiều phương pháp để điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh như: uống thuốc, cao dán, cứu, ôn châm, điện châm, thủy châm, laser châm, từ châm, dán thuốc trên huyệt, xoa bóp bấm huyệt…

– Liệt mặt là hiện tượng mất hoặc giảm vận động nữa mặt của những cơ bám da ở mặt do dây VII chi phối .

Liệt mặt ngoại biên là tổn thương được tính từ nhân dây VII trong cầu não, liệt mặt trung ương là những tổn thương được tính từ trước nhân trở lên. Những trường hợp liệt dây VII’ do nhân bọt trên không thuộc trường hợp này.

– YHCT gọi là khẩu nhãn oa Tà , Khẩu tịch, Diên nan (Than), Phong điếu tuyến, Diện Thần Kinh Ma Túy,

Tuổi nào cũng có thể phát bệnh, ở cả hai giới  hay xảy ra vào mùa lạnh

Rất thích hợp với phương pháp Châm Cứu, áp dụng châm cứu càng sớm, hiệu quả càng nhanh và càng cao.

Bệnh có đặc điểm là phục hồi nhanh, song dễ để lại di chứng về vận động, thẩm mỹ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Thường gặp nhất là liệt mặt ngoại biên do lạnh (80%). Đa số các trường hợp liệt mặt (liệt dây thần kinh số 7) do lạnh, do xung huyết, điều trị bằng châm cứu đem lại kết quả tốt. Các trường hợp liệt do nhiễm khuẩn hồi phục chậm hơn. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do cảm lạnh dễ phục hồi hơn do chấn thương.

GIẢI PHẪU

Đường đi và phân bố của dây thần kinh số 7 hay dây thần kinh mặt.

Đường đi và phân bố của dây thần kinh số VII hay dây thần kinh mặt.
Đường đi và phân bố của dây thần kinh số 7 hay dây thần kinh mặt.

Về đặc điểm dây thần kinh số 7, hay còn gọi là dây thần kinh mặt, là một dây thần kinh hỗn hợp vừa điều khiển vận động vừa là dây thần kinh cảm giác, từ trong sọ não thoát ra nền sọ đi cùng với dây thần kinh số 7 qua tai trong, sau đó thần kinh VII chui qua một ống xương hẹp gọi là ống Fallop, sau đó thoát ra ngoài nền sọ qua qua lỗ trâm chũm.

Như vậy tổn thương dây thần kinh số 7 phía trước ống Fallop được gọi là tổn thương dây thần kinh VII trung ương; và tổn thương từ đoạn ống Fallop trở ra thì gọi là tổn thương thần kinh VII ngoại biên.

Theo mô tả của Fuller và đồng nghiệp, dây thần kinh VII ngoại biên khi thoát ra khỏi lỗ trâm chũm thì chạy rất nông cho đến nhánh xương hàm dưới, sau đó nó đi vào tuyến mang tai và tại đó nó phân làm ba nhánh chính để phân bổ về các cơ mặt đó là nhánh gò má (bao gồm nhánh thái dương và gò má), nhánh miệng và nhánh hàm dưới (bao gồm nhánh hàm dưới và nhánh cổ).

Tuy nhiên các nhánh tận và nhánh phụ của dây thần kinh VII có thể lên đến 7000 nhánh nhỏ dẫn đến khắp mặt, cổ, các tuyến nước bọt và ống tai ngoài. Các dây thần kinh này kiểm soát vận động của các cơ vùng cổ, trán và cơ biểu lộ cảm xúc vùng mặt, cũng như kiểm soát cường độ phát âm. Dây thần kimh VII cũng đóng vai trò kiểm soát bài tiết nước mắt, nước bọt vùng trước miệng. Kiểm soát vị giác của 2/3 lưỡi phía trước và cảm giác vùng ống tai ngoài. Tại chỗ phân chia, nhánh thái dương và nhánh gò má chạy dốc lên, nhánh miệng và đặc biệt là các nhánh xương hàm dưới chúi xuống dưới, chạy lên trên hoặc ra sau ngành xương hàm dưới cho nên dễ bị tổn thương khi có sức ép đè vào vùng này. Thêm nữa, tổn thương có thể xảy ra khi có tác động kéo xương hàm dưới ra phía trước làm cho nhánh dây thần kinh mặt đoạn xương hàm dưới bị kéo dãn.

Theo mô tả qua 20 lần phẫu tích dây thần kinh VII của Lisitsyn thì có một số sự khác biệt trong cấu trúc giải phẫu phân bố các nhánh của dây thần kinh này.
• Thứ nhất, chỗ phân nhánh có thể cao hay thấp tuỳ theo vị trí cao hay thấp của tuyến mang tai.
• Thứ hai, dây thần kinh có thể nằm nông hơn so với tuyến

  • Thứ ba, các nhánh xương hàm dưới đôi khi chạy ở vị trí thấp hơn bình thường, khi nó nó ôm vòng quanh mép chỗ góc của xương hàm.

Do đó khi đè nén vào vùng xương hàm dưới có thể gây tổn thương nhánh xương hàm dưới. Nhánh xương hàm dưới có chức năng điều phối các cơ của môi dưới, cho nên các thương tổn có thể hay gặp ở môi dưới hơn; cũng như các tổn thương nhẹ như nói khó, ăn uống khó. Tuy nhiên các nơi khác cũng có thể gặp tuỳ theo nhánh nào của dây thần kinh VII bị ảnh hưởng.

PHÂN LOẠI

YHCT dựa theo nguyên nhân gây bệnh, chia làm 3 loại:

Liệt mặt do phong hàn (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh).

Liệt mặt do phong nhiệt (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm khuẩn).

Liệt mặt do huyết ứ ở kinh lạc (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do sang chẩn).

NGUYÊN NHÂN

Theo YHHĐ:

– Liệt dây thần kinh số 7 thể trung ương.

Thường do tổn thương ở 1 bên bán cầu não: nhũn não, chảy máu não, khối u não…

Hội chứng Millard-Gubler tuy liệt mặt thể ngoại biên nhưng vẫn kèo theo liệt nửa người với dấu hiệu Babinski bên đối diện của mặt liệt.

Do u não: U ở cầu não, u góc cầu tiểu não. U nền sọ: chú ý tới u màng não ở nền sọ.

Biến chứng thần kinh của u vòm họng.

Viêm màng não, nhất là viêm màng não do lao.

– Liệt dây thần kinh số 7 thể ngoại biên

Dựa theo vị trí từ nhân ra đến chỗ tận cùng của dây thần kinh VII, có thể do:

+Các nguyên nhân ở tai: Viêm tai giữa cấp hoặc mạn, viêm xương đá, viêm tai xương chũm ,Viêm tuyến mang tai

+Chấn thương vùng xương đá: ở ngoài lớn do vỡ xương đá, ở trẻ sơ sinh do can thiệp sản khoa (do kẹp Foxcep, khung chậu người mẹ hẹp…).

+Nhiễm virut (virus herpes simplex týp I và virus herpes zoster)

Viêm màng não dầy dính, làm tổn thương thần kinh từ rãnh hành tủy- cầu não đến ống tai trong.

+Do giang mai, viêm nhiễm dây thần kinh

+Bệnh bại liệt trẻ em (Polye-liệt dây VII hai bên – thể thân não của bệnh bại liệt, liệt hai bên nửa mặt và thường gặp ở trẻ em)

Uốn ván mặt của Rase… các thể này hiện nay rất ít gặp.

+Zona hạch gối (zona nhân gối): Zona là bệnh cấp tính do virus hướng thần kinh phạm vào hạch gối gây liệt mặt đột ngột. Đặc điểm là phát ban: ban đỏ, mụn nước ở quanh vành tai, vùng viền ống tai ngoài; có thể phạm cả vùng dây VII nên có thể có ban đỏ, mụn nước mọc ở 2/3 trước lưỡi. Cần chú ý đừng để vỡ mụn nước, vì sẽ làm dải ban đỏ, mụn nước lan rộng gây chèn ép nhiều nơi.

Bệnh tự miễn: lupus ban đỏ…

+Nguyên nhân do lạnh chiếm 80%. Liệt dây VII ngoại biên “do lạnh”. Thường gặp với bệnh cảnh đột ngột, sau khi tiếp xúc với trời lạnh, ngáp và bị liệt có thể đó là do nhiễm khuẩn tiềm tàng, biểu hiện ra do lạnh…

Theo YHCT:

Do tà khí Phong Hàn xâm phạm vào 3 kinh Dương ở mặt (Thủ dương minh Đại trường, Túc dương, minh Vị, và Túc thái dương Bàng quang) làm cho sự lưu thông của kinh khí bị bế tắc, khí huyết không thông, kinh Cân bị thiếu dinh dưỡng, không co lại được gây ra bệnh.

Do sang chấn (chấn thương) làm huyết bị ứ trở kinh lạc, khí huyết không điều hòa, kinh cân thiếu dinh dưỡng không co lại được gây ra bệnh.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Theo Y học hiện đại:

– Mặt mất cân xứng: mặt bị kéo lệch sang bên lành, bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn trán, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung méo về bên lành (các cơ mặt không thể cử động theo ý muốn, nên vui buồn không lộ, khó diễn tả tình cảm bằng nét mặt nên có hình ảnh của nét mặt vô vảm (loss of facial expression). Sự mất cân xứng càng rõ khi bệnh nhân làm một số động tác chủ động như khi cười, khi nhe răng, phồng má, thổi lửa, huýt sáo miệng méo lệch sang bên lành.

Sự mất cân xứng rõ hơn khi bệnh nhân nhe răng, phồng má, thổi lửa, huýt sáo

 

Hình ảnh khuôn mặt liệt VII
Hình ảnh khuôn mặt liệt VII

Mắt nhắm không kín ở bên liệt, khi nhắm đồng tử di chuyển lên trên và ra ngoài để lộ một phần lòng trắng gọi là dấu hiệu Charle Bell dương tính.

Nói khó

Lưỡi lệch về bên liệt (do cơ lưỡi bên lành đẩy sang bên liệt)
Uống nước, nước chảy ra ngoài phía bên bệnh, ăn cơm thức ăn thường kẹt giữa răng và má ở bên bệnh
– Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác ít gặp hơn như

Cảm giác tê một bên mặt

Mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi

Khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn.

Trường hợp liệt hoàn toàn: Có phần lớn các triệu chứng như trên

Trường hợp liệt nhẹ: Thường khó thấy sự không cân đối của mặt, cần phải thăm khám tỉ mỉ, kiên trì mới phát hiện được. Yêu cầu người bịnh nhắm thật chặt 2 mắt, ta thấy 2 lông mi bên liệt có vẻ dài hơn, do mắt bên liệt không co được chặt.

Phân biệt với liệt mặt trung ương: liệt VII trung ương chỉ liệt 1/2 mặt dưới và không có dấu hiệu Charle Bell không mất nếp nhăn trán

Theo YHCT:

Thể phong hàn: Sau khi gặp mưa hoặc gió lạnh hoặc sáng sớm thức dậy, tự nhiên mắt không nhắm được, miệng méo cùng bên với mắt, nước uống vào dễ bị chảy ra ngoài, không huýt sáo được, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch Phù Khẩn.

Thể phong nhiệt: Sốt sợ gió, sợ nóng, mắt không nhắm được, miệng méo cùng bên, nước uống vào dễ bị chảy ra, không huýt sáo được, rêu lưỡi trắng dầy, mạch Phù Sác. Thường do nhiễm khuẩn.

Thể huyết ứ: Mắt không nhắm được, miệng méo, đau nhức ở mặt. Thường do di chứng sau chấn thương: té ngã, sau khi mổ vùng chũm, hàm…

ĐIỀU TRỊ LIỆT MẶT BẰNG ĐÔNG Y

Châm cứu liệt VII

+Vùng Mắt-Trán: Thái dương (Nk), Toản trúc (Bq 2), Tình minh (Bq 1), Dương bạch (Đ.14), Ngư yêu (Nk), Đồng tử liêu.

+Vùng Mũi – Nhân trung: Nghinh hương (Đtr 20), Nhân trung (Đc.26).

+Vùng Má: Giáp xa (Vi 6), Địa thương (Vi 4), Hạ Quan, Quyền liêu, Tứ bạch

+Vùng Cằm: Thừa tương (Nh.24).

+Các huyệt khác: Hợp cốc, Phong trì, Ế phong, Túc Tam Lý, Nội Đình, Khúc trì, Huyết hải

Vì 3 đường kinh dương tuần hành trên mặt, kinh thủ Dương minh đại trường, kinh túc Dương minh vị và kinh thủ Thái dương bàng quang nên châm huyệt Hợp cốc, Khúc trì đối diện để thanh nhiệt, sơ điều kinh khí kinh thủ dương minh, châm huyệt Nội đình, Túc tam lý cùng bên để sơ điều kinh khí kinh túc dương minh-theo cách lấy huyệt ở xa. Châm các huyệt tại chỗ để sơ thông kinh khí vùng mặt bị bệnh. Phong trì, Ế phong để sơ phong hàn. Nội Đình, Khúc trì thanh nhiệt. Huyết hải hoạt huyết.

Có thể châm xuyên các huyệt: Toản trúc xuyên Tình minh, Dương bạch xuyên Ngư yêu, Đồng tử liêu xuyên Thái dương, Địa thương xuyên Giáp xa

Châm huyệt Hợp cốc đối diện, Nội đình, Túc tam lý cùng bên.

Huyệt Ế phong là chủ yếu vì đó là nơi chưa chia nhánh của dây VII, không được thủy châm vào huyệt này, không châm sâu quá 1 cm.

 

vị trí huyệt điều trị liệt VII ở mặt
vị trí huyệt điều trị liệt VII ở mặt

– Xoa bóp bấm huyệt:

Đẩy Toản trúc: dùng ngón cái miết từ Tình minh lên Toản trúc 5-10 lần

Kháng cung: dung ngón tay cái miết từ Ấn đường dọc theo cung long mày ra huyệt Thái dương 5-10 lần

Day vùng quanh mắt 5-10 vòng

Miết từ gốc mũi qua Nghinh hương xuống Địa thương 5-10 lần

Phân Nhân trung và Thừa tương 5-10 lần

Day vòng quanh môi 5-10 lần

Xát má 5-10 lần

Bấm các huyệt Tình minh, Toản trúc, Ngư yêu, Nghinh hương, Địa thương, Giáp xa, Hạ quan, Hợp cốc đối diện.

Bóp má 3 lần

Liệu trình 1 lần/ngày, mỗi lần 20 phút

ĐIỆN CHÂM

Điện châm là phương pháp dùng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt châm cứu để phòng và chữa bệnh. Dòng điện được tác động lên huyệt qua kim châm, hoặc qua các điện cực nhỏ đặt lên da vùng huyệt.

Đây là phương pháp kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu (của YHCT) với phương pháp chữa bệnh bằng dòng điện (của YHHĐ).

Do đó phương pháp điện châm có đặc điểm:

– Sử dụng tác dụng chữa bệnh của huyệt vị, kinh lạc.

– Sử dụng tác dụng điều trị của dòng điện.

Muốn phát huy đầy đủ hiệu quả của phương pháp điều trị điện trên huyệt nhất thiết phải vận dụng nghiêm chỉnh học thuyết kinh lạc nói riêng và những lý luận đông y nói chung. Đồng thời phải có hiểu biết đầy đủ và vận dụng chặt chẽ những tác dụng sinh lý, bệnh lý của các loại dòng điện.

Trong điều trị bằng phương pháp điện châm, chỉ mới dùng phổ cập dòng điện một chiều và dòng xung điện.

Những phương pháp điều trị trên huyệt :

Hiện nay có 4 nhóm phương pháp điều trị điện:

– Điện trường tĩnh điện và ion khí.

– Dòng điện một chiều đều.

– Các dòng điện xung tần số thấp, điện thế thấp.

– Các dòng điện cao tần.

Các dòng điện xung tần số thấp, điện thế thấp:

* Tác dụng sinh lý của các dòng điện xung:

– Tác dụng kích thích: nhờ vào sự lên xuống của cường độ xung (độ dốc lên xuống càng dựng đứng bao nhiêu thì kích thích càng mạnh).

– Tác dụng ức chế cảm giác và giảm trương lực cơ: tác dụng này đến nhanh khi tần số xung lớn hơn 60Hz. Tần số gây ức chế tốt nhất là 100 – 150Hz.

Từ những tác dụng chung nhất nêu trên, do đặc điểm về hình thể, cường độ và tần số xung của các dòng điện xung mà:

+ Dòng Faradic (xung gai nhọn, Hz: 100): chủ yếu tác dụng kích thích mạnh. Tuy nhiên nếu dùng lâu thì gây ức chế.

+ Dòng Leduc (xung hình chữ nhật, Hz: 100 – 1000): tùy tần số, thời gian xung, thời gian nghỉ mà có tác dụng hưng phấn hay ức chế mạnh hơn.

+ Dòng Lapicque (xung hình lưỡi cày, độ dốc lên xuống thoai thoải): ứng dụng tốt với những trường hợp cơ và thần kinh đã bị thương tổn.

+ Dòng Bernard (xung hình sin; 50 – 100Hz): ứng dụng tốt cho những trường hợp cơ và thần kinh bị thương tổn. Tuy nhiên dòng 50Hz có tác dụng kích thích trội hơn, dòng 100Hz có tác dụng ức chế trội hơn. Tác dụng điện phân của dòng Bernard cũng mạnh.

+ Dòng giao thoa thực tế có tần số từ 10 – 100Hz phát  sinh ra trong tổ chức ở sâu: nó chỉ tác dụng đến những bộ phận ở sâu, không tác dụng trên cảm giác bề mặt da nên có thể tăng cường độ đến mức gây co cơ ở sâu mà bệnh nhân có thể chịu được dễ dàng. Tác dụng ức chế hay hưng phấn tùy tần số.

 

 

 hình thể của các dòng xung 
hình thể của các dòng xung

* Những chỉ định chính của dòng điện xung: 

– Kích thích các cơ bại liệt.

– Chống đau.

– Tăng cường tuần hoàn ngoại vi, khi có hiện tượng co thắt mạch, phù nề, sung huyết tĩnh mạch…

Các cách điều trị trên huyệt:

* Dùng kim dẫn điện vào huyệt: 

– Cách thực hiện: sau khi châm kim vào huyệt theo đúng thủ thuật cần châm, cho cực điện tiếp xúc với kim để kim dẫn điện vào thẳng tổ chức.

– Đặc điểm:

+ Dòng điện được kim dẫn trực tiếp tới các tổ chức tế bào của cơ thể.

+ Dòng điện được kích thích vào những chỗ gọi là huyệt (nơi có khả năng tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài để chữa bệnh (YHCT), nơi có một mẫn cảm đặc biệt (YHHĐ).

+ Diện tích của cực điện tiếp xúc với cơ thể hết sức nhỏ (0,1-0,5 cm2), mật độ điện trên một đơn vị diện tích trở nên cao. Chính vì thế mà chỉ đưa vào huyệt một công suất điện hết sức nhỏ cũng vẫn gây ra một tác dụng kích thích mạnh.

+ Khi dùng dòng diện một chiều đều, tổ chức quanh kim sẽ bị bỏng hóa học (dù rất nhỏ). Sau khi rút kim, ảnh hưởng của bỏng vẫn còn tồn tại một thời gian và trở thành một kích thích thường xuyên đối với huyệt.

Nhờ vậy khoảng cách 2 lần châm cho một huyệt có thể kéo dài ra rất hợp với điều trị bệnh mạn tính.

* Dùng cực điện nhỏ đưa điện qua da vào huyệt:

– Cách thực hiện: đặt những điện cực (thường là những bản dẹt) lên mặt da tại những huyệt. Cố định điện cực lên mặt da với những băng dính (hiện nay đã sản xuất những điện cực dán được trên mặt da). Nối với các điện cực của máy điện châm.

– Đặc điểm:

+ Khác với điện châm cách 1: không làm bệnh nhân đau hay khó chịu. Kết quả không nhanh và thường được đánh giá là không bằng cách 1.

+ Khác với lý liệu pháp: dòng điện chỉ đưa vào một diện hẹp (chỉ đưa vào các huyệt thích ứng), dòng điện cho vào nhỏ nhưng vẫn có được những tác dụng tại chỗ và toàn thân mong muốn.

* Tiến hành kích thích điện trên kim:

– Kiểm tra lại máy móc trước khi vận hành, tất cả các núm điện phải ở vị trí số 0 (công tắc đóng).

– Trên các kim đã châm, chọn lắp điện cực theo yêu cầu của chữa bệnh, nối điện cực vào kim.

– Bật công  tắc cho máy chạy, xem đèn báo, vặn núm điều khiển công suất điện kích thích tăng từ từ, đạt đến mức độ yêu cầu của điện thế và cường độ thích ứng với từng người bệnh (người bệnh có cảm giác dễ chịu hay hơi căng tức, chịu đựng được). Người thầy thuốc có thể thấy vùng kích thích điện co nhịp nhàng, giao động kim điều hòa.

* Liệu trình điện châm :

Liệu trình chữa bệnh bằng điện châm nói chung cũng giống như châm cứu, thủy châm. Thời gian của mỗi lần điều trị cần  dựa vào sự tiếp thu kích thích của từng người bệnh, trong từng bệnh, từng lúc, đối với  từng loại dòng điện mà quyết định. Nói chung cần theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh nhân sau khi châm lần thứ nhất.

– Nếu bệnh giảm, không có mệt mỏi, mất ngủ….: duy trì thời gian kích thích.

– Nếu bệnh giảm, kèm mệt mỏi, mất ngủ…: tổng lượng kích thích quá mạnh. Cần giảm thời gian kích thích.

– Nếu bệnh giảm ngay sau khi điều trị, về nhà đau trở lại, cần tăng thời gian lên.

Trung bình ngày châm một lần hay cách ngày châm một lần: từ 10 đến 15 lần điện châm là một liệu trình, nghỉ độ 10 đến 15 ngày rồi tiếp tục tùy theo yêu cầu chữa bệnh.

Khi gặp người bệnh có cơn đau liên tục, có thể ngày điện châm vài lần.

Tai biến và cách xử trí, đề phòng :

– Tai biến của kích thích điện: đối với dòng xung điện thì hầu như rất ít tai biến. Nếu người bệnh thấy khó chịu, chóng mặt….thì ngừng kích thích điện động thời rút kim ra ngay.

KẾT QUẢ  NGHIÊN CỨU ĐIỀU TRỊ LIỆT DÂY VII CỦA MỘT SỐ TÁC GIẢ

– Nghiên cứu sự thay đổi trên điện cơ và lâm sàng bệnh liệt thần kinh VII ngoại biên do lạnh  của TS. Nghiêm Hữu Thành và cộng sự Bệnh viện Châm cứu TW Điện châm điều trị 89 bệnh nhân liệt thần kinh VII ngoại biên do lạnh cho kết quả khỏi 67,42%, đỡ 31,48% , không đỡ 1,10%.

        – Nguyễn Văn Tánh – Lưu Thị Hiệp sữ dụng Điện châm với xung điện tần số thấp điều trị liệt đây VII ngoại biên cho  tỷ lệ: khỏi: 59,4%; đỡ nhiều: 40,6%; đỡ ít và không đỡ: 0%.

– Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2006 của Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM . “Đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh bằng điện châm cực dán” nghiên cứu trên 62 bệnh nhân và cho kết quả tỷ lệ khởi và đỡ là 84,5%

– Nghiên cứu sữ dụng mảng điện châm điều trị liệtVII ngoại biên do lạnh của Nguyễn Thị Kim ngân năm 2001 đạt tỉ lệ khỏi 69,7% ,ở nhiều 26,3 %, đở ít 3%

5/51 rating
Bình luận đóng