Thời gian gần đây đang rộ lên những thông tin trái chiều nhau về thực phẩm chức năng. Cục ATVSTP (Bộ Y tế) đã có buổi hội thảo xung quanh vấn đề này.
Sự quan tâm của các cơ quan chức năng là có lý do khi đây là loại thực phẩm vốn đang được dân chúng sử dụng nhiều và một số nhà sản xuất lợi dụng tình thế này để quảng cáo sai hay thổi phồng chức năng nhằm móc tiền của người tiêu dùng.
Thực phẩm chức năng là gì?.
Một số các văn bản của Bộ Y tế đều thống nhất khái niệm. ‘Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật’. Theo khái niệm này thì thực phẩm chức năng nằm giữa giới hạn thực phẩm truyền thống và thuốc. Vì thế, người ta còn gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm – thuốc.
Điểm khác nhau giữa thực phẩm chức năng và thực phẩm truyền thống: Thực phẩm chức năng được sản xuất chế biến theo công thức bổ sung một số thành phần có lợi và loại bớt một số thành phần bất lợi. Việc bổ sung hay giảm bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Thực phẩm chức năng có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Nó rất ít tạo ra năng lượng như các loại thực phẩm truyền thống. Liều sử dụng thực phẩm chức năng thường nhỏ, chỉ vài miligam như là thuốc.
Điểm khác nhau giữa thực phẩm chức năng và thuốc: Thực phẩm chức năng được nhà sản xuất ghi trên nhãn là thực phẩm, thuốc được công bố là sản phẩm thuốc có tác dụng chữa bệnh.
Vai trò của thực phẩm chức năng:
Theo bản chất cấu tạo và tác dụng của thực phẩm chức năng mà người ta chia ra thành các nhóm như:
Nhóm thứ nhất: Có tác dụng chống oxy hóa như vitamin C, E, Betacaroten, kẽm vi lượng, các sản phẩm từ hạt nho… Nhóm này có tác dụng giúp cho cơ thể phá hủy các gốc tự do, các tác nhân oxy hóa, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật.
Trên 100 chứng bệnh có nguyên nhân sâu xa từ sự mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công và bảo vệ của hệ thống oxy hóa trong cơ thể. Tác động mạnh mẽ của các gốc tự do nguồn gốc oxy là các bệnh viêm nhiễm, bệnh phỏng, vết thương lâu lành, bệnh tim mạch… Đây là nhóm chiếm số lượng lớn được sử dụng khá rộng rãi trong cộng đồng.
Nhóm thứ hai: Là nhóm sản phẩm có tác dụng như thay thế bổ sung các nội tiết cả ở nam lẫn nữ. Chúng có tác dụng là tăng sinh lực ở đàn ông. Ở nữ giới, các sản phẩm này có tác dụng hạn chế tối đa các triệu chứng bất lợi về thần kinh, xương khớp… nhất là tăng cường hóc-môn nữ ở những phụ nữ có tuổi, giúp họ sống vui hơn, khỏe hơn, kéo dài tuổi thanh xuân.
Nhóm thứ ba: Sản phẩm mang tính thích nghi sinh học như các loại sâm, đông trùng hạ thảo, sữa ong chúa… có tác dụng tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng…
Nhóm thứ tư: Có tác dụng tăng cường chính khí, tăng cường miễn dịch, phòng chống ung thư… Như các sản phẩm có nguồn gốc từ cúc nhím của Mỹ, sụn và dầu gan cá mập, nấm linh chi, xạ đen, xạ linh…
Nhóm thứ năm: Nhóm sản phẩm có tác động lên hệ thần kinh, chống stress như cây kawa, nữ lang…
Nhóm thứ sáu: Là các vitamin, axit amin, các nguyên tố vi lượng…
Xu thế và vị thế:
Mục tiêu cuối cùng của y học là phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe, sống khỏe sống hạnh phúc và sống lâu. Muốn giải quyết được 5 mục tiêu nói trên chúng ta phải ứng dụng một cách hài hòa, hiệu quả của một loạt các biện pháp, từ cổ truyền đến hiện đại, từ tâm lý đến tâm linh, từ liệu dưỡng đến liệu trị…. Các tác dụng của thực phẩm chức năng đều có thể đáp ứng được 5 mục tiêu nói trên.
Vì thế, vai trò và vị thế của thực phẩm chức năng sẽ ngày càng được nâng cao trong đời sống xã hội. Thế nhưng phương pháp dù hiện đại đến đâu cũng vẫn có hạn chế riêng của nó. Khi đã để bệnh phát sinh rồi mới chữa thì vô cùng tốn kém, có khi đã là quá muộn.
Nếu chủ động phòng bệnh bài bản, khoa học, kiên trì thì sẽ đạt được hiệu quả tốt. Tuy nhiên, có một số lưu ý là khi sử dụng sản phẩm nào, người tiêu dùng nên chọn lựa kỹ càng nguồn gốc sản xuất và nhất thiết phải được sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn.
Theo TTO