Virus sởi xâm nhập cơ thể theo đường hô hấp vào máu đến các phủ tạng gây tổn thương các cơ quan (ứng với giai đoạn ủ bệnh, khoảng 7 – 10 ngày).

Ở giai đoạn khởi phát

Bệnh nhân bị sốt, chảy nước mắt, nước mũi, sưng hạch, vạch miệng bệnh nhân thấy các hạt trắng nhỏ như đầu đinh ghim ở niêm mạc miệng vùng ngang răng hàm (nội ban). Đây là triệu chứng có giá trị để chẩn đoán sớm bệnh sởi. Tuy nhiên ban này mọc và tồn tại trong khoảng thời gian 1 hoặc 2 ngày, nên phải kiểm tra miệng bệnh nhân ngay trong những ngày đầu của bệnh thì mới phát hiện được.

Đến giai đoạn toàn phát (khoảng ngày thứ 4 hoặc 5 kể từ khi bị bệnh)

Ban bắt đầu mọc rải rác và lần lượt từ mặt lan xuống ngực, lưng và chân. Dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc rất rõ. Tương ứng với thời gian ban sởi mọc, các triệu chứng cũng tăng nặng: Bệnh nhân sốt cao hơn, mệt mỏi hơn…. Thời gian này bệnh nhân cũng có thể bị ho, viêm phế quản, tiêu chảy do ban sởi xuất hiện ở phổi, ở ruột.

Khoảng 1 tuần lễ từ khi bị bệnh

ban sởi bắt đầu bay. Thời gian này ứng với giai đoạn lui bệnh. Cũng giống như lúc ban sởi mọc, khi bay sởi bay cũng lần lượt từ đầu cho đến chân. Trên da lúc này chỉ còn các đám da bị tróc, sẫm màu, nhìn loang lổ như da hô (người ta gọi là dấu hiệu vằn da hổ). Lúc này các triệu chứng giảm dần, sức khoẻ bắt đầu hồi phục dần.

Đối với thể nhẹ (hay gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi khi vẫn còn mang kháng thể của mẹ)

Dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc không rõ rệt, bệnh nhân không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, ban sởi mò, bay khá nhanh.

Đối với thể trung bình

Các triệu chứng tương đối rõ rệt, dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc biểu hiện rõ hơn (triệu chứng như đã nêu trên).

Đối với thể nặng

Dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc nặng nề, có thể xuất hiện rất sớm trước khi mọc ban sởi. Bệnh nhân sốt cao, tinh thần u ám, vật vã, thậm chí hôn mê…, thở nhanh, da tím tái, mạch nhanh, huyết áp tụt… Trong trường hợp này nếu không đưa bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Thể bệnh này hay gặp ở các đối tượng trẻ em còi xương suy dinh dưỡng hoặc trẻ trong độ tuổi 6 tháng đến 2 tuổi (độ tuổi không còn mang kháng thể của mẹ nhưng kháng thể của cơ thể chưa đủ để kháng lại virus sởi), và nó đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ có thai. Ngoài thể bệnh nặng như vừa nêu, bà con cần lưu ý đến một số biến chứng của sởi có thể gặp như biến chứng ở đường hô hấp, thần kinh, đường tiêu hoá… để xử trí kịp thời. Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh sởi thì nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, không nên chăm sóc, điều trị ở nhà.

Về điều trị bệnh sởi

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị điều trị bệnh sởi, vì vậy việc điều trị vẫn chỉ là tập trung chữa triệu chứng, và chăm sóc bệnh nhân thật tốt.

Vấn đề phòng ngừa bệnh được đặt lên hàng đầu bằng cách tiêm vaccin phòng sởi theo qui định của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Khi phát hiện bệnh sởi cần cách li để tránh lây lan thành dịch và báo cho cán bộ y tế để có biện pháp ngăn chặn và điều trị thích hợp.

0/50 ratings
Bình luận đóng