Hội nghị Tim mạch Việt Nam được tổ chức tháng 12 năm 1997 đã kết luận: Bệnh tim mạch đang gia tăng ở Việt Nam, bệnh không chỉ gặp ở người già mà còn gặp ở người trẻ tuổi. Ngoài các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch như di truyền, giới tính, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, dinh dưỡng không hợp lý… còn có nguyên nhân thiếu vận động.

Arixtot, nhà hiền triết cổ Hy Lạp cho rằng: “Không có gì làm tổn thương và phá huỷ con người bằng sự thiếu vận động”. Ông cho thấy, khi đi bộ suy nghĩ tốt hơn, những ý nghĩ sâu sắc thường nảy sinh trong các buổi dạo chơi.

J.J Rutxo, triết gia và đại văn hào Pháp cho rằng: “Khi đi lại, đầu óc tôi tươi mới lại và như được thổi một luồng sinh khí mới. Cứ sống yên tĩnh thì hầu như tôi không thể suy nghĩ được gì. Thân thể tôi vận động thì trí não tôi mới vận động”.

Còn J.M Gớt, nhà thơ lớn của Đức thì cho rằng: “Mọi cái quý giá nhất trong lĩnh vực tư duy, mọi cách diễn đạt suy nghĩ tốt nhất đều nảy sinh trong đầu tôi trong lúc tôi đi lại”.

Chúng ta có thể đi đến một kết luận: Chính vận động có thể mang lại cho con người sự lao động sáng tạo của bộ não.

Đi bộ đúng phương pháp có lợi cho sức khoẻ

Đi bộ đúng phương pháp có lợi cho sức khoẻ

Hải Thượng Lãn Ông, danh y Việt Nam cho rằng: “Sự hoạt động là yếu tố thứ nhất của lẽ sống, là sự hoạt động của con người cũng như mọi trạng thái vật chất, là Động, Tĩnh của âm dương, là sinh trưởng thu tàng của bốn mùa. Trái với quy luật ấy, sức khoẻ sút kém”.

Actua Lidiadơ (Tân Tây Lan) là người khởi xướng môn chạy nâng cao sức khoẻ cho rằng “Tôi tin rằng bất kỳ người đàn ông nào dưới 50 tuổi có trái tim khoẻ mạnh đều có thể lấy lại được những năm tháng đã trôi qua: Cần dậy sớm hơn nửa giờ và chạy từ 5 đến 15 phút – Đó là tất cả những gì cần để thực hiện điều đó… rồi bạn sẽ được bù lại quá nhiều so với thời gian đã bỏ ra”.

M. Coradderơcơ, người Anh đã phát hiện lượng hormon Adrenalin tăng gấp đôi khi chạy đường dài, nó có tác dụng loại trừ trạng thái trầm uất, sản sinh tinh thần lạc quan và tình trạng thoả mãn tinh thần, khắc phục cảm giác chán chường và tránh được những mỏi mệt do sự căng thẳng về thể lực.

Đi bộ hay chạy? Từng người hãy xác định cho phù hợp với điều kiện sức khoẻ của chính mình. Nên tập đi bộ, đi bộ nhanh sau đó mới chuyển sang chạy…

Các nhà nghiên cứu khoa học cho biết: ít vận động thể lực thường kèm theo tăng trọng và tăng cholesterol máu. ở những người lao động chân tay hoặc thường xuyên rèn luyện thể lực, cơ tim có khả năng thích ứng tốt hơn khi gắng sức, làm giảm thiểu lượng LDL – C, loại cholesterol có hại cho cơ thể, đồng thời làm tăng lượng HDL – C, loại cholesterol có lợi cho cơ thể, làm tiểu cầu ít bị kết dính nên ít có khả năng đông vón máu. Lao động thể lực, thể dục thể thao chính là yếu tố góp phần hạn chế quá trình gây vữa xơ động mạch.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã phát động phong trào “Đi bộ để củng cố sức khoẻ”. Theo tạp chí Y học New England Journal of Medicine thì với 30 phút đi bộ mỗi ngày có thể giúp con người giảm thiểu 30 – 40% nguy cơ mắc bệnh đau tim. Nếu đi bộ mỗi tuần ít nhất 3 giờ, thì giảm hạ được 30 – 40% nguy cơ, đi bộ từ 5 giờ trở lên, có thể giảm được 50% nguy cơ đau tim. Có thể nói: Đi bộ là một phương pháp phòng bệnh tim mạch đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện được, chỉ cần đi mau chân với vận tốc trung bình 5km /giờ.

Một nghiên cứu kéo dài hơn 20 năm trên 5.000 người đàn ông của các nhà khoa học trường Đại học Bispebjerk (Đan Mạch) đã kết luận: Mỗi tuần chạy bộ 120 phút có khả năng kéo dài thêm tuổi thọ: Giảm được 60% nguy cơ chết non. Chạy bộ đều đặn có tác dụng cải thiện hệ tuần hoàn, củng cố cơ tim, có khả năng ngăn chặn một vài chứng ung thư.

Chạy hàng ngày hoặc chơi tenis đều đặn ngoài việc giúp tiêu bớt số calo thừa, làm cơ bắp rắn chắc còn có tác dụng tránh khỏi suy tim đột ngột.

Bác sĩ Vương Trung Đồng thuộc Bệnh viện Đông Hoa 3 Hồng Công cho biết: “Để phòng ngừa bệnh tim mạch và giữ cho con tim mạnh khoẻ, ngoài chế độ ăn uống thích hợp thì nhảy dây là một biện pháp rèn luyện thân thể tốt nhất đối với mọi người để phòng ngừa bệnh tim”.

Hiệp hội Y học Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu của giáo sư Franck Hu thuộc trường Đại học Y Harvard (Mỹ) nghiên cứu trên 70.102 phụ nữ trong 8 năm: Hoạt’ động thể dục thể thao đã giảm được phần lớn nguy cơ đái tháo đường không phụ thuộc Insulin. Các hoạt động thể lực tăng cường như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chơi tenis, bơi, đi xe đạp… giảm được nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường nhiều hơn. Nếu chỉ đi bộ với vận tốc 3,2 km Ị giờ tăng lên 4,8km/giờ có thể giảm được 59% nguy cơ đái tháo đường và nên dành cho mỗi ngày 30 phút đi bộ.

Một nhóm nghiên cứu khác của Mỹ thuộc trường Đại học Pittsburgh lại kết luận rằng tập thể dục đặc biệt với người già, không những có tác dụng nới lỏng cơ bắp mà còn làm cho đầu óc sảng khoái và có tác dụng giãn nở động mạch vành ngăn chặn nguy cơ vữa xơ động mạch. Ong Mackey, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: “Hầu hết mọi người không thể phân biệt rõ ràng giữa tình trạng vữa xơ động mạch và tình trạng nghẽn mạch”, ” Để việc luyện tập có lợi và giảm thiểu nguy cơ, các nhà khoa học khuyên nên luyện tập đều đặn hơn là thỉnh thoảng mới tập. Việc luyện tập thường xuyên có tác dụng tích cực làm cơ thể đáp ứng tốt với stress gây ra với tim”. Người ta nhận thấy rằng, những người năng động nhất có mức giãn động mạch lớn nhất.

Như vậy, có thể kết luận rằng: Tập thể dục có tác dụng tích cực tới thành động mạch, làm giảm nhịp đập của tim, mặc dù trong khi tập luyện nhịp tim có thể tăng lên tạm thời. Ngoài ra, nó còn có tác dụng làm giảm nồng độ đường trong máu, được coi là một yếu tố có thể tác động đến thành động mạch dẫn tới hậu quả gây tổn thương thành mạch và vữa xơ động mạch.

Hãy tập thể dục, chơi thể thao... thể thao sẽ giúp ta quên đi phiền muộn
Hãy tập thể dục, chơi thể thao… thể thao sẽ giúp ta quên đi phiền muộn

Theo Bác sĩ Chrristine M. Albert thuộc Bệnh viện Phụ nữ ở Boston, Massachusetts, khi luyện tập làm tăng tiết một hormon trong cơ thể là Adrenalin, được coi là một nguyên nhân gây cơn đau tim, có tác dụng làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp. Với người luyện tập thường xuyên thì ít bị ảnh hưởng này hơn so với người luyện tập không thường xuyên”.

Theo “Le Point” Pháp: Đi bộ là một môn thể thao bình dân đã được thực hiện 1,7 triệu năm nay. Một công trình nghiên cứu của Nhật Bản đánh giá đi bộ có tác dụng bảo vệ mạch vành ở 2.678 đàn ông ở tuổi 71 – 93. Đối với những người đi bộ mỗi ngày ít nhất 3,2 km so với những người đi ít hơn họ 400m thì nguy cơ này giảm được một nửa (2,5% với 5,1%). Ngược lại, nếu mỗi ngày đi bộ 800m đến 2,4km thì nguy cơ đó chỉ giảm được 11%.

Một nghiên cứu khác trên 6.017 người đang làm việc ở tuổi 35 – 60 để đánh giá hiệu quả của thời gian đi bộ tới nơi làm việc cho thấy, nếu đi bộ 20 phút để đến nơi làm việc thì nguy cơ bị lên cơn tăng huyết áp giảm được 29%.

Phó tiến sỹ E. G. Minner ở trường Đại học Thể dục thể thao Xmolenxcơ có lời khuyên những người mắc bệnh tim bẩm sinh, hẹp van 2 lá, loạn nhịp tim bẩm sinh, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới… không nên tập chạy nâng cao sức khoẻ. Cấm chạy khi bị bệnh nặng, bệnh mạn tính.

Theo báo “Nhân chứng và sự kiện”: Đi bộ đúng phương pháp có lợi cho sức khoẻ.

“Walking”, một tạp chí với cái tên thuần tuý “Đi bộ” đã có trên 62.000 người đặt mua. Người ta đưa ra 5 lý do giải thích nguyên nhân tại sao đi bộ trở thành một môn thể thao ưa chuộng: Đơn giản, nhẹ nhàng, đem lại sảng khoái, không tốn kém, dễ luyện tập đối với mọi lứa tuổi.

Đi bộ theo tư thế đi thẳng người, mắt nhìn thẳng phía trước
Đi bộ theo tư thế đi thẳng người, mắt nhìn thẳng phía trước

Trung tâm Nghiên cứu sức khoẻ Pháp đưa ra những lời khuyên sau:

  • Đi bộ theo tư thế đi thẳng người, mắt nhìn thẳng phía trước, không nhìn xuống đất.
  • Đi bước ngắn, nhanh tốt hơn là đi bước dài mà chậm.
  • Tốc độ đi 130 bước/phút là tốc độ lý tưởng (1 giờ đi được 1 dặm).
  • Hai bàn tay nắm chặt, đánh tay thoải mái, cánh tay co lên tạo một góc 90 độ. Chân trước tiếp đất bằng gót chân, 5 ngón chân của bàn chân sau tiếp đất, gót chân nhấc lên.

Phương án tối ưu cho những người tập đi bộ là 4 – 5 lần/tuần, mỗi lần 30 – 60 phút. Tốc độ nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Sau khi đi bộ cần thư giãn 3 – 5 phút. Với phương pháp đi bộ này, sau 6 tuần sẽ thấy dấu hiệu có lợi cho sức khoẻ.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, với người cao tuổi, thường có nhiều bệnh mạn tính phối hợp với nhau. Vì vậy, đi bộ hay tập luyện bất cứ môn thể thao nào cũng cần lưu ý nên tập theo nguyên tắc từ thấp lên cao làm cho cơ thể thích nghi dần:

  • Nên tập vừa sức, không nên gắng sức, nếu thấy mệt nên nghỉ.
  • Cường độ và thời gian luyện tập phải phù hợp với điều kiện thể lực của bản thân.

Bằng vận động, con người đã tự hoàn thiện chính mình từ thể chất đến tư duy và tâm hồn.

0/50 ratings
Bình luận đóng