Khái niệm
Tê dại là chỉ cảm giác ở da thịt biến mất, không biết đau biết ngứa. Nếu xuất hiện ở tứ chi thì gọi là chứng “ Tứ chi tê dại”.
Chứng tê dại trong các sách Nội kinh và Kim quỹ yếu lược gọi là “Bất nhân” xếp vào phạm vi các chứng “Tý” và “Trúng phong”.
Sách Chư bệnh nguyên hậu luận mô tả triệu chứng “Bất nhân” là “Giống như ngứa ở lớp da qua lần áo”, Đến sách Tố vấn bệnh cơ khí nghi bảo mệnh tập mới bắt đầu có bệnh danh tê dại (ma mộc). Chu Đan Khê nói: “Nói là ma, nói là mộc có nghĩa là từ trong bất nhân chia ra làm hai”. Có thể thấy giữa ma mộc và bất nhân là đồng nghĩa.
Mục này chủ yếu bàn về tứ chi tê dại, nếu bệnh biểu hiện là nửa người bị tê dại thì có chuyên mục riêng.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
Tứ chi tê dại do phong hàn phạm vào đường lạc: Có chứng tứ chi tê dại kiêm cả đau nhức, gặp thời tiết lạnh lẽo thì bệnh tăng kiêm chứng sợ phong hàn chân tay lạnh, lưng gối nặng mỏi, chất lưỡi tối nhạt rêu lưỡi trắng, nhuận mạch Phù hoặc Huyền.
Tứ chi tê dại do khí huyết không dồi dào: Có chứng tứ chi tê dại, mang vác yếu ớt, sắc mặt vàng bủng không tươi kiêm chứng đoản hơi, Tâm hoang, đầu choáng mất ngủ, hay quên, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Tế Nhược.
Tứ chi tê dại do khí trệ huyết ứ: Có chứng tứ chi tê dại kiêm đau nhức trướng tức, ấn vào khó chịu, sắc mặt tối sạm, môi tím tái, chất lưỡi có thể hiện sắc tía có nốt ứ huyết, rêu lưỡi mỏng hơi khô, mạch Sác.
Tứ chi tê dại do Can phong nội động: Có chứng tứ chi tê dại kiêm run rẩy, đầu đau, đầu choáng, phiền táo dễ cáu giận, mất ngủ hay mê, chất lưỡi tối, ít rêu, mạch Huyền Kính có lực.
Tứ chi tê dại do phong đờm ngăn trở đường lạc: Có chứng tứ chi tê dại, có cảm giác đau và nóng rát, sờ tay vào nơi đau thấy nóng, thậm chí hai chân như muốn lội bùn, chất lưỡi tối, rêu lưỡi vàng trắng mà nhớt, mạch Huyền Sác hoặc Nhu Sác.
Phân tích
- Chứng Tứ chi tê dại do phong hàn phạm vào đường lạc: Chứng này do tấu lý thưa hở, phong hàn từ ngoài xâm phạm, kinh mạch không được tư nhuận, khí huyết bất hòa gây nên. Phát bệnh có lịch sử cảm nhiễm hàn tà rõ rệt, nhưng lâm sàng có loại phong tà thiên thịnh với loại hàn tà thiên thịnh khác nhau. Loại phong tà thiên thịnh biểu hiện là : Tê dại len lỏi không có nơi cố định hoặc kiêm các chứng miệng mắt méo xếch độ nhẹ, mạch phần nhiêu Phù. Điều trị theo phép khư phong cố vệ, dùng phương Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang. Loại Tê dại do hàn tà thiên thịnh có các chứng; đau nhức, điểm đau cố định, chân tay lạnh, ố hàn và lưng gối nặng mỏi rất rõ, mạch phần nhiều Huyền Khẩn. Điều trị theo phép ôn kinh tán hàn, dùng phương Đương quy Tứ nghịch thang.
- Chứng Tứ chi tê dại do khí huyết không dồi dào: Chứng này phát sinh do làm lụng mệt nhọc không đúng mức hoặc xuất hiện trong các tình trạng thổ tả hoặc bị mất huyết quá nhiều, hoặc sinh nở quá dầy hoặc bệnh nhiệt lâu ngày hao kiệt hoặc xuất hiện sau khi mắc loại bệnh hư tổn nào khác. Khí huyết đều suy tổn, lạc mạch rỗng không, tứ chi không được nuôi dưỡng nên phát sinh tê dại. Bệnh nghiêng về khí hư thì sắc mặt trắng bệch, chân tay mềm yếu mang vác yếu sức kiêm các chứng: Tâm hoang đoản hơi mạch Nhược, chất lưỡi đỏ nhợt. Nghiêng về huyết hư thì sắc mặt không tươi, da dẻ khô ráo, kiêm các chứng đầu choáng mắt hoa, mất ngủ hay quên, mạch Tế có khi kiêm cả hiện tượng Sác, chất lưỡi đỏ non. Điểm cộng đồng của hai chứng này là đều thuộc Hư chứng: Một loại là khí hư, một loại là Huyết hư, tê dại mà không đau xuất hiện hàng loạt hiện tượng hư. Tứ chi tê dại do khí hư điều trị nên bổ khí dưỡng huyết, cho uống Bổ trung ích khí thang. Tứ chi tê dại do Huyết hư điều trị nên dưỡng huyết lý khí cho uông Thần ứng dưỡng chân đan. Nếu khí, huyết hư suy mà không thiên lệch một bên nào có thể uống Bát trân thang để bổ cả khí và huyết.
- Chứng Tứ chi tê dại do khí trệ huyết ứ: “Khí thông thì huyết lưu thông, khí trệ thì huyết cũng trệ”, nhưng cũng có khi vì huyết ứ mà dẫn đến khí trệ. Tuy nhiên khí trệ với huyết ứ thường đồng thời xuất hiện nhưng lâm sàng lại có nghiêng về khí trệ với nghiêng về huyết ứ khác nhau. Nghiêng về khí trệ phần nhiều liên quan đến tình chí mất điều hòa, khí cơ không lợi. Nghiêng về huyết ứ thường gặp ở trường hợp bị ngoại thương và ôm lâu bệnh tà phạm vào đường lạc, khí huyết uất trệ vít tắc kinh lạc, doanh âm không được nuôi dưỡng vệ khí không được âm áp cho nên xuất hiện tứ chi tê dại. Điểm chung của hai chứng này là: tê dại kiêm cả trướng tức, ấn vào thì dễ chịu. Mối liên quan của hai chứng này là lúc bắt đầu bệnh ở khí, bệnh đã lâu thì vào huyết, từ khí trệ mà phát triển đến huyết ứ. Yếu điểm biện chứng là: Nghiêng về khí trệ thì tê dại lúc nhẹ lúc nặng nhưng ít khi bị đau, mạch Huyền không Nhu, chất lưỡi tối nhạt không có nốt ứ huyết. Nghiêng về Huyết ứ thì vừa tê dại vừa đau không có lúc nào nhẹ, bì phu tối sạm, môi miệng tím tái, mạch Trầm sắc, chất lưỡi tất có nốt ứ huyết. Chứng Khí trệ nên dùng phép hành khí thông lạc, phương thường dùng là Khương hoạt hành tý thang. Chứng Huyết ứ nên dùng phép hoạt huyết thông lạc, thường dùng phương Đào hồng Tứ vật thang.
- Chứng Tứ chi tê dại do phong đàm ngăn trở đường lạc với chứng Tứ chi tê dại do Can phong nội động: Tứ chi tê dại mà kiêm chứng run rẩy là điểm chung của hai chứng này. Tê dại do phong đàm ngăn trở đường lạc là do đờm ẩm ẩn náu lâu ngày bị phong tà dẫn động, phong với đàm chống trọi nhau ở kinh lạc mà phát bệnh. Yếu điểm biện chứng là: tê dại phần nhiều có cảm giác ngứa đồng thời có các chứng đầu choáng mỏi lưng, rêu lưỡi nhớt điều trị nên khư phong hóa đàm, chọn dùng phương Đạo đờm thang hợp với Ngọc bình phong tán. Tê dại do Can phong nội động là do Can dương vốn vượng lại gặp chuyện mừng giận thất thường dương động sinh phong mà phát bệnh. Yếu điểm biện chứng là vừa tê dại vừa có cảm giác run rẩy rõ rệt và các chứng đầu choáng đầu đau phiền táo dễ cáu giận, mạch Huyền có lực, điều trị nên thanh Can dẹp phong dùng phương Linh dương câu đằng thang.
- Chứng Tứ chi tê dại do thấp nhiệt uất trệ: Chứng này do thấp nhiệt uất nghẽn, lạc mạch úng tắc, khí huyết không đạt ra đầu tứ chi mà gây bệnh. Yếu điểm biện chứng là: Thấy chi dưới tê dại có cảm giác đau rát, nhất là hai chân nóng rát rõ. Nặng hơn thì chỉ muốn lội trong bùn nước mới dễ chịu, mạch Sác, rêu lưỡi hơi vàng nhớt. Điều trị nên thanh nhiệt thấp lợi thấp thông lạc, cho uống Gia vị Nhị diệu tán.
Tứ chi tê dại lâm sàng rất hiếm thấy cả tứ chi đều tê dại mà phần nhiều là chỉ thấy hai chi trên hoặc hai chi dưới hoặc một bên chân tay của cơ thể bị tê dại. Chẩn đoán phân biệt trong lâm sàng cần phân biệt rõ chứng thuộc Hư hay Thực, Tê dại thuộc Hư chứng thì chi bị tê dại mềm yếu vô lực. Tê dại thuộc Thực chứng thì tê dại vừa đau vừa căng tức, đó là những nét chủ yếu để chẩn đoán phân biệt. Điều trị theo phương châm “ Hư thì bổ, thực thì tả”. Phép bổ thì chủ yếu nên bổ khí huyết củng cố Trung tiêu, Chứng thuộc Thực thì có phép khư phong tán hàn, hóa đờm, hoạt huyết hành trệ và dẹp phong… Còn như gặp chứng hư thực lẫn lộn thì nên xem xét bên nào nhẹ, bên nào nặng cân nhắc sự nhanh chậm mà biện chứng thi trị.
Chứng Tê dại các y gia nhiều đời xếp vào loại tiên triệu của bệnh Trúng phong. Trương Tam Tích nói: “ Người ở tuổi trung niên mà thấy ngón tay cái có lúc tê dại câu không thấy đau hoặc tay chân yếu sức, hoặc cơ bắp hơi giật chắc chắn rằng trong vòng 3 năm sẽ mắc Trúng phong đột ngột”. (Trúng phong chuyên tất). Vương Thanh Nhiệm cũng ghi tiên triệu của bệnh Trúng phong trong tác phẩm Y lâm cải thác cũng nói lên chân tay tê dại đặc biệt là các chứng phong đàm ngăn trở đường lạc với chứng Can phong nội động mà tứ chi tê dại càng dễ phát sinh Trúng phong, Vì vậy tích cực điều trị tứ chi tê dại có ý nghĩa rất trọng yếu trong việc phòng ngừa Trúng phong.
Trích dẫn y văn
Vinh khí hư thì “bất nhân”, vệ khí hư thì “bất dụng”. Vinh vệ đều hư thì vừa bất nhân vừa bất dụng (Tố vấn – Nghịch điều luận).
Chân tay “Ma” là thuộc khí hư, chân tay “Mộc” là có thấp đàm và huyết chết. Mười ngón tay tê là trong Vị có thấp đàm và huyết chết (Đan Khê tâm pháp).
Bệnh Ma mộc và phong hư cũng kiêm bệnh do hàn thấp đàm và huyết. Ma, không ngứa không đau, bên trong da thịt tê buồn như hàng ngàn vạn sâu bò, hoặc khắp mình lâm nhâm như có tiếng sâu bò ở trong, ấn vào không dứt, xoa gãi bệnh tăng có tình trạng giống như tê. Còn Mộc thì không ngứa không đau, thấy cơ nhục của mình như cơ nhục của người khác, ấn vào mất tri giác, xoa xát cũng không biết giống như sờ vào tre gỗ… Khí hư là “bản”, phong đàm là “tiêu”. Trước hết phải dùng đến Sinh khương làm hướng đạo. Chỉ xác để khai khí, Bán hạ để trục đờm, Phòng phong, Khương hoạt để tán phong, Mộc thông, Nha tạo để thông kinh lạc, Cương tàm là vị thuốc thánh để chữa chứng như thấy sâu bò. Bệnh ở cánh tay thì dùng cành Dâu, chứng ở chân đùi thì dùng Ngưu tất, đợi khi bệnh giảm thì dùng Bổ trung ích khí thang gia lượng Sâm Kỳ. Nếu quanh năm suốt tháng ngày nào cũng bị tê là có huyết chết ngưng trệ ở trong mà bên ngoài có kiêm phong hàn. Riêng khí hư bại không vận động được, trước hết phải dùng Quế Phụ để hướng đạo, Ô dược, Mộc hương để hành khí, Đương quy, A giao, Đào nhân, Hồng hoa để hoạt huyết, Mộc thông, Nha tạo, Xuyên sơn giáp để thông kênh lạc, đợi khi bệnh giảm thì dùng bát trân thang đại bổ khí huyết không bao giờ không hiệu nghiệm, đó là phép lớn để chữa Ma mộc… về phép điều trị nói chung là bổ trợ khí huyết lây bồi bổ phần gốc làm chủ yếu, không nên chuyên dùng các thứ tiêu tán cần nhớ cho kỹ. Còn như trường hợp ngón tay cái và ngón tay trỏ tê dại bất nhân trong vòng 3 năm nên đề phòng Trúng phong, hết sức dự phòng thường xuyên uống Thập toàn đại bổ thang gia Khương hoạt, Tần giao (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc – Ma mộc nguyên lưu).