Lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa, do trực khuẩn Shigella gây ra. Trực khuẩn Shigella chiếm từ 5-15% tổng số các căn nguyên tiêu chảy và nguyên nhân chính gây tử vong do tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi. Shigella có thể gây thành vụ dịch tiêu chảy, hay gặp ở các nước đang phát triển.

Người là vật chủ duy nhất, là nguồn gây bệnh trong cộng đồng. Vi khuẩn Shigella thường lây trực tiếp từ người sang người qua đường phân miệng trong cùng một gia đình hoặc trong cùng nhà trẻ. Shigella có thể lây trực tiếp trong quan hệ đồng tính nam và là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy ở người đồng tính nam. Shigella cũng có thể lây truyền gián tiếp qua trung gian như đồ dùng, thực phẩm, nguồn nước, ruồi nhặng.

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Thời kỳ ủ bệnh

Không có biểu hiện lâm sàng. Thường kéo dài 12-72 giờ (trung bình 1-5 ngày).

Thời kỳ khởi phát

Thời kỳ này kéo dài 1-3 ngày. Bệnh thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng không đặc hiệu:

Hội chứng nhiễm khuẩn: người bệnh sốt cao, đột ngột 39-40° c, kém theo ớn lạnh, đau nhức toàn thân, mệt mỏi, biếng ăn, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ có thể co giật do sốt cao.

Triệu chứng tiêu hóa: khởi đầu là tiêu chảy phân lỏng, kèm theo đau bụng, ở trẻ nhỏ và người già có thể dẫn đến mất nước và điện giải.

Thời kỳ toàn phát

Đau bụng quặn từng cơn, đau thắt vùng trực tràng, làm cho người bệnh có cảm giác khó chịu, mệt mỏi.

Mót rặn nhiều, ngày càng tăng, cảm giác muốn đi ngoài liên tục.

Đi ngoài nhiều lần trong ngày, trường hợp nặng có thể 20 – 40 lần/ngày, nhưng lượng phân ít dần, chủ yếu là chất nhầy hoặc nước máu đỏ.

Các biểu hiện khác: vẫn sốt, thể trạng suy sụp, mệt mỏi, hốc hác, môi khô, lưỡi vàng bẩn. Khám bụng thường thấy đau nửa dưới bụng bên trái, vùng đại tràng Sigma, nhưng không có phán ứng thành bụng không có điểm đau khu trú.

BIẾN CHỨNG

Biến chứng sớm

Rối loạn nước và điện giải.

Biến chứng thần kinh: xảy ra sớm ngay giai đoạn toàn phát với các biếu hiện sốt cao, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn điện giải.

Thủng ruột hay gặp trên cơ địa suy kiệt.

Sa trực tràng hay gặp ở người già và trẻ nhỏ.

Nhiễm khuấn huyết và sốc nhiễm khuẩn.

Viêm màng não, viêm phổi, viêm tuyến mang tai, viêm thần kinh ngoại biên, hội chứng tán huyết urê huyết cao.

Biến chứng muộn

Suy dinh dưỡng do tiêu chảy kéo dài.

Viêm khớp gối mắt cá chân.

Hội chứng Reiter ở người có HLA – B27 dương tính.

ĐIỀU TRỊ

Bồi phụ nước và điện giải.

Kháng sinh: Ciprofloxacin, Pivmecillinam, hoặc kháng sinh thế hệ III đối với vùng có vi khuẩn kháng thuốc. Ampicillin, Trimethoprim+ Sulfamethoxazol, Naladixic acid.

Điều trị triệu chứng.

XÉT NGHIỆM

Công thức máu.

Xét nghiệm phân: soi tươi, cấy phân.

Soi trực tràng.

Huyết thanh chẩn đoán.

QUY TRÌNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH LỴ TRỰC KHUẨN

1. Nhận định

Hỏi

Đi ngoài số lần, số lượng phân, màu sắc phân, có nhầy máu mũi?

Sốt nhiệt độ bao nhiêu?

Có mót rặn, đau quặn bụng?

Có tiền sử ăn thức ăn lạ?

Xung quanh, trong gia đình có người mắc như mình?

Thăm khám thể chất

Dấu hiệu sinh tồn:

Nhiệt độ: sốt cao > 39-40° c, ớn lạnh.

Mạch: bình thường theo tuối, có thế nhanh khi sốt cao.

Huyết áp: bình thường theo tuổi.

Nhịp thở bình thường theo tuổi, có thể thở nhanh.

Da, niêm mạc:

Đánh giá tình trạng mất nước: mức độ mất nước.

Da khô nhăn nheo, môi khô.

Da vàng trong trường hợp bị biến chứng tán huyết.

Lưỡi vàng, bẩn.

Mặt hốc hác, mệt mỏi nhăn nhó do đau bụng.

Hô hấp:

Nhịp thở, kiểu thở: thở nhanh, khó thở trong trường hợp sốc nội độc tố.

Tuần hoàn:

Trong trường hợp mắc ở thể nặng sẽ có biểu hiện suy tuần hoàn, rối loạn nước và điện giải:

Mạch nhanh nhỏ, khó bắt.

Da nổi vân tím, hạ thân nhiệt, chi lạnh.

Giai đoạn chưa có dấu hiệu mất nước HA có thể ổn định.

Giai đoạn muộn mạch, huyết áp không đo được..

Tình trạng toàn thân:

Ý thức của người bệnh: tỉnh táo hay u ám, lờ đờ?

Khám bụng xem có phản ứng thành bụng hay không: vị trí đau, vùng đại tràng sigma, hoặc toàn bộ khung đại tràng, tình trạng chướng bụng?

Đại tiện: tính chất phân.

Nước tiểu.

2. Xác định vấn đề ưu tiên chăm sóc người bệnh lỵ trực khuẩn

Hạ sốt cho người bệnh lỵ trực khuẩn

  • Chăm sóc

Nới rộng quần áo, chăn, nằm buồng thoáng.

Hạ sốt: chườm mát hoặc lau người bằng nước ấm.

Sử dụng thuốc hạ nhiệt độ khi sôt cao > 39° c (đề phòng co giật đặc biệt đối với trẻ em).

Đo nhiệt độ theo giờ tùy tình trạng mỗi người bệnh.

Cho uống nhiều nước, ORS.

  • Theo dõi

Nhiệt độ, lưu ý sau sử dụng thuốc hạ nhiệt độ mỗi 15 phút/lần, 1 giờ, 3 giờ/lần,…

Bồi phụ nước và điện giải: rối loạn điện giải do đi ngoài, nôn nhiều lần

Mục tiêu: bù nước và điện giải đầy đủ, kịp thời không để bị rối loạn nước và điện giải.

  • Chăm sóc

Cho uống nhiều nước, ORS nếu người bệnh uống được.

Đối với người bệnh không uống được, nôn nhiều hoặc rối loạn điện giải nặng cần truyền dịch kịp thời.

Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi.

Trong trường hợp khó truyền hoặc trụy mạch phụ giúp bác sỹ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.

Cân bằng nước và điện giải cho người bệnh.

Đo CVP.

Lấy máu xét nghiệm điện giải đồ theo chỉ định.

  • Theo dõi

Tình trạng mất nước, đánh giá mức độ mất nước.

Blan dịch vào dịch ra.

Tình trạng đại tiện của người bệnh.

Đảm bảo thông khí cho người bệnh

  • Chăm sóc

Để người bệnh nằm đầu cao, cho thở ô xy nếu có khó thở.

Lưu ý các trường hợp người già, trẻ em với thể nhiễm độc nặng hay gây suy hô hấp.

  • Theo dõi

Theo dõi nhịp thở, kiểu thở, SpO2.

Theo dõi dấu hiệu đầu chi lạnh, tím tái.

Theo dõi hệ thống tuần hoàn

  • Chăm sóc

Đo mạch, nhiệt độ, huyết áp theo chỉ định đối với tình trạng mỗi người bệnh.

Chuẩn bị đường truyền, dịch truyền, thuốc.

  • Theo dõi

Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nước tiểu 30 phút/ lần, 1 giờ/lần, 3 giờ/lần, tùy tình trạng mỗi người bệnh.

Theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo sốc.

Theo dõi các dấu hiệu biểu hiện thủng ruột già.

Theo dõi tri giác

Theo dõi sát dấu hiệu biến chứng thần kinh: ý thức, tỉnh táo hay lơ mơ, li bì, đau đầu, cổ cứng, co giật.

Tinh thần u ám, thờ ơ biểu hiện sốc do nhiễm độc.

Theo dõi tình trạng tiêu hóa của người bệnh

Theo dõi tình trạng đau bụng, mót rặn.

Hiện tượng nôn: dịch nôn màu sắc, số lượng.

Theo dõi số lần đi ngoài, tính chất phân: có máu, hay hồng như nước rửa thịt, nhầy máu mũi,…

Thực hiện y lệnh chính xác và kịp thời

Truyền dịch theo y lệnh.

Thuốc kháng sinh: đường uống hoặc đường tiêm.

Thực hiện thuốc giảm nhu động ruột, giảm co thắt đại tràng làm cải thiện triệu chứng tuy nhiên không nên lạm dụng, vì làm kéo dài thời gian bệnh, làm chậm thải trừ vi khuẩn.

Lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm: soi phân, cấy phân, xét nghiệm máu,…

Đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân

  • Chăm sóc

Cho người bệnh ăn lỏng đủ chất dinh dưỡng, cháo thịt nạc chia nhỏ nhiều bữa trong ngày.

Ăn chín uống sôi.

Trong giai đoạn bệnh thức ăn kiêng tanh, kiêng mỡ.

Uống nhiều nước.

Cân người bệnh đánh giá BMI.

Vệ sinh răng miệng 2 -3 lần/ngày hoặc sau mỗi lần ăn.

Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc sờ vào các vật dụng, chất thải.

Lau người hoặc tắm bằng nước ấm hàng ngày.

Vệ sinh hậu môn sau mồi lần đi ngoài (nên sử dụng khăn mềm thấm sau mỗi lần rửa, không nên sử dụng giấy vệ sinh dễ gây xây xát, rát).

  • Theo dõi

Chỉ số BMI.

Tình trạng tiêu hóa của người bệnh.

Hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh, người nhà người bệnh

Chế độ ăn: ăn cháo thịt nạc hoặc cơm mềm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kiêng tanh, kiêng mỡ, chua, hạn chế chất xơ.

Kiêng chất cay, nóng.

Uống nhiều nước.

Theo dõi khi có biểu hiện bất thường như: đau bụng tăng dần, nôn nhiều, chướng bụng, môi khô, dấu hiệu khát nước tăng nhiều, thở nhanh, nhịp tim nhanh,… báo ngay NVYT để xử trí kịp thời.

Vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc sờ vào các vật dụng trong buồng bệnh.

Khử khuẩn chất thải trong bô chứa, để sau 15-30 phút.

Người nhà người bệnh vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau chăm sóc người bệnh, sau khi sờ vào đồ dùng cá nhân của người bệnh.

0/50 ratings
Bình luận đóng