Qui trình điều dưỡng

Nhận định

Bệnh nhân bị Tai biến mạch máu não thường là một bệnh cấp tính, diễn biến kéo dài, có thể ngày càng nặng dần tùy theo từng nguyên nhân và mức độ tổn thương, nhiều biến chứng rất nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu chúng ta không điều trị và chăm sóc chu đáo.

Nhận định người bệnh dựa vào các kỹ năng giao tiếp, hỏi bệnh, khám lâm sàng (nhìn, sờ, gõ, nghe)

– Các thông tin chung: họ và tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, địa chỉ, ngày giờ vào viện

– Hỏi bệnh

  • Lý do vào viện
  • Tiền sử bệnh
  • Khai thác tìm nguyên nhân, yếu tố nguy cơ
  • Khám lâm sàng

– Cận lâm sàng: xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh….

  • Chụp CT- scanner

Toàn trạng:

+ Tri giác (điểm Glasgow): bình thường 15 điểm (mắt 4 điểm, lời nói 5 điểm, vận động 6 điểm)

+ Dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt độ, huyết áp)

+ Thể trạng (béo, gầy, trung bình)

Tình trạng về thần kinh, tâm thần

+ Có liệt thần kinh sọ hay các dây thần kinh khác?

+ Yếu hoặc liệt nửa người một bên

+ Mất hoặc rối loạn cảm giác của một bên nửa người

+ Cơ nửa người co cứng hoặc mềm nhẽo

+ Rối loạn ngôn ngữ do hiểu kém hoặc diễn đạt kém

+ Mất các cử động quen thuộc: chải đầu, mặc áo…. vụng về, khó khăn

+ Rối loạn về nói: nói khó, nói lắp hoặc nói quá to, nhanh quá…

+ Rối loạn về nuốt: nuốt nghẹn, nuốt sặc….

Tim mạch:

+ Huyết áp cao hay thấp?

+ Nhịp tim? Tần số, có rối loạn nhịp?

Tình trạng hô hấp:

+ Tần số thở/phút (14-25 lần/phút, dưới 15 lần/phút hay trên 25 lần/phút)

+ Kiểu thở (thở ngực, thở bụng)

+ Rì rào phế nang (rõ hay giảm)

+  Xuất tiết đờm dãi (có hay không)

+ Khả năng ho khạc hiệu quả: bình thường, yếu hay không ho được

+ Bệnh nhân tự thở, thở có sự trợ giúp của máy thở hay qua ống nội khí quản, mở khí quản.

Tình trạng bài tiết, tiêu hoá:

+ Tiêu hoá: tình trạng căng chướng bụng, khả năng nuốt, người bệnh tự ăn hay nuôi dưỡng qua sonde dạ dày hoặc đường tĩnh mạch

+ Bài tiết: Có phù không? Quan sát xem bệnh nhân có đái ỉa tự chủ hay không, người bệnh được đóng bỉm hay đặt sonde tiểu. Theo dõi lượng nước tiểu từng giờ hay 24h

Sinh dục, nội tiết: Có gì đặc biệt? Có đái tháo đường?…

Cơ xương khớp: Đau mỏi cơ, khớp?

Hệ da: Có mẩn ngứa, có mụn nhọt, có loét?

Vệ sinh: Quần áo, đầu tóc, móng tay, móng chân…?

– Nhận định những biến chứng:

+ Bội nhiễm phổi, tiết niệu

+ Bệnh nhân có bị loét không? loét ở vị trí (vùng xương cùng, mấu chuyển lớn, vùng ụ ngồi, xương gót chân, mắt cá chân…..?), mức độ loét?

Tham khảo hồ sơ bệnh án

+ Chẩn đoán chuyên khoa: Xuất huyết não? Nhồi máu não?

+ Chụp MRI, CT scanner

+ Các xét nghiệm cận lâm sàng, huyết học, sinh hoá…(nằm trong giới hạn bình thường hay bất thường)

Chẩn đoán điều dưỡng

Một số chẩn đoán có thể gặp ở  bệnh nhân liệt nửa người do Tai biến mạch máu não

– Khả năng di chuyển người bị hạn chế liên quan đến yếu nửa người

– Khả năng nuốt bị tổn thương liên quan đến tổn thương các dây thần kinh sọ não

– Nguy cơ tổn thương tính toàn vẹn của da liên quan đến chế độ dinh dưỡng chưa đảm bảo và nằm bất động lâu ngày.

– Nguy cơ ảnh hưởng trao đổi khí liên quan đến ứ đọng dịch tiết

– Giao tiếp bằng lời bị ảnh hưởng liên quan đến cản trở ngôn ngữ.

– Thiếu hoạt động giải trí liên quan đến không có khả năng tham gia vào các hoạt động bình thường.

– Không tự ăn được liên quan đến những tổn thương vận động

– Nguy cơ táo bón liên quan đến nằm bất động kéo dài.

– Gia đình lo lắng liên quan đến nguyên nhân chưa biết về bệnh

Lập kế hoạch chăm sóc

Qua nhận định người điều dưỡng cần phân tích, tổng hợp các dữ kiện để xác định nhu cầu cần thiết của bệnh nhân, từ đó lập ra kế hoạch chăm sóc cụ thể, đề xuất vấn đề ưu tiên, vấn đề nào thực hiện trước và vấn đề nào thực hiện sau tùy từng trường hợp cụ thể.

Theo dõi

+ Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở 30 phút/lần, 1h/lần, 3h/lần, 2 lần/ ngày… tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh

+ Đánh giá tình trạng ý thức (Glasgow)

+ Tình trạng thông khí

+ Tình trạng liệt

+ Tình trạng loét ép do nằm lâu

+ Các biến chứng, tác dụng phụ của thuốc, các dấu hiệu bất thường có thể xảy ra

+ Kết quả mong đợi: – Người bệnh dần ổn định các dấu hiệu sống

– Tình trạng về thần kinh được cải thiện

– Đường thở thông thoáng

– Không có dấu  hiệu triệu chứng bất thường xảy ra

– Không có dấu hiệu tổn thương da ở vùng tỳ đè trong   quá trình nằm viện

– Can thiệp y lệnh

+ Thuốc: Thuốc tiêm, thuốc uống…

+ Thực hiện các thủ thuật: Đặt sonde dạ dày, sonde tiểu, phụ bác sỹ làm các thủ

thuật mở khí quản, đặt ống nội khí quản….

+ Các xét nghiệm: sinh hoá, huyết học, vi sinh…

Kết quả mong đợi :-  Người bệnh được dùng thuốc đúng, đủ, an toàn

– Quá trình can thiệp thủ thuật người bệnh không xảy ra tai biến

Chăm sóc cơ bản

+ Đảm bảo cách chăm sóc đường hô hấp, tránh nhiễm trùng

+ Đảm bảo dinh dưỡng

+ Chăm sóc về tiết niệu

+ Chăm sóc về tiêu hoá

+ Chăm sóc da

+Chăm sóc mắt

+ Phòng chống loét

Kết quả mong đợi : – Người bệnh được cung cấp đủ dinh dưỡng

– Vệ sinh cá nhân được sạch sẽ, không bị loét

Phục hồi chức năng hạn chế di chứng

+ Bố trí giường nằm

+ Các vị thế nằm đúng theo mẫu phục hồi.

+Tập vận động thụ động nửa người bên liệt.

Kết quả mong đợi: Người bệnh không bị teo cơ, cứng khớp, co rút…..

– Giáo dục sức khỏe

Người bệnh và gia đình người bệnh biết được các nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi gây Tai biến mạch máu não, cách phòng, chăm sóc và theo dõi người bệnh Tai biến mạch máu não

Hướng dẫn gia đình người bệnh biết cách  tập thụ động cho người bệnh.

Kết quả mong đợi: Người nhà bệnh nhân có kiến thức về nguyên nhân, cách phòng, chăm sóc, các bài tập vận động thụ động để tập luyện cho người bệnh.

Thực hiện kế hoạch

Cần ghi rõ giờ thực hiện các hoạt động chăm sóc. Các hoạt động chăm sóc cần được tiến hành theo thứ tự ưu tiên trong kế hoạch chăm sóc.

Các hoạt động theo dõi

Cần được thực hiện đúng khoảng cách thời gian trong kế hoạch, các thông số cần được ghi chép đầy đủ, chính xác và báo cáo kịp thời

Theo dõi

– Theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn, báo bác sỹ ngay khi huyết áp lên hoặc xuống quá giới hạn cho phép (hạ áp khi huyết áp tâm thu ≥ 170mmHg, huyết áp tâm trương ≥ 100mmHg). Theo dõi nhịp tim nếu có bất thường báo bác sỹ ngay.

– Người điều dưỡng phải nhận định về nhận thức của người bệnh theo thang điểm Glasgow, đồng tử, kích thước và phản xạ với ánh sáng. Tình trạng liệt và rối loạn cảm giác.

– Trong trường hợp có phù não, tăng áp lực nội sọ thì để người bệnh nằm đầu cao 300 nhằm làm tăng dẫn lưu mạch não, giảm áp lực nội sọ.

– Trong chăm sóc, tránh tất cả các hoạt động có thể gây tăng áp lực nội sọ cho người bệnh (giữ phòng yên tĩnh, hạn chế ho, tránh người bệnh bị cong gập nhất là đoạn hông, cổ).

– Bệnh nhân bị tai biến thường không vận động, liệt cơ hô hấp, tăng tiết đờm dãi. Vì vậy người điều dưỡng phải cho bệnh nhân thở oxy theo y lệnh, nếu có tụt lưỡi đặt canyl miệng, vỗ rung, thay đổi tư thế 2h/1 lần.

Hút đờm dãi nếu có tăng tiết hút nhẹ nhàng tránh gây thương tích cho khí phế quản.

Nếu có đặt ống nội khí quản: Phải chăm sóc ống nội khí quản đảm bảo vô khuẩn phòng chống nhiễm khuẩn…

Hình ảnh đo huyết áp cho bệnh nhân tai biến mạch máu não
Hình ảnh đo huyết áp cho bệnh nhân tai biến mạch máu não

        Can thiệp y lệnh

– Khi có y lệnh người điều dưỡng cần thực hiện nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng thời gian, đúng chỉ định. Thực hiện các thuốc tiêm, truyền dịch, thuốc uống vừa thực hiện vừa theo dõi tác dụng phụ của thuốc đối với người bệnh.

– Thực hiện các thủ thuật: Đặt sonde dạ dày cho bệnh nhân ăn, đặt sonde tiểu (Theo y lệnh).

– Phụ bác sỹ làm các thủ thuật: Đặt ống nội khí quản, mở khí quản, đặt catherter tĩnh mạch trung tâm…

– Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm sinh hoá, công thức máu, vi sinh…

Chăm sóc cơ bản

Đảm bảo vệ sinh và phòng chống nhiễm khuẩn. Đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi chăm sóc ống nội khí quản, canyl mở khí quản. Hút đờm nhẹ nhàng tránh gây thương tích cho khí quản

Chăm sóc da: Thay đồ, lau chùi cơ thể, bộ phận sinh dục, thay ga trải giường ít nhất 1 lần/ngày

– Chăm sóc mắt: Thường xuyên rửa mắt băng nước muối, băng mắt và dán mi nếu bệnh nhân không nhắm mắt được

– Vệ sinh răng miệng: Ít nhất 2 lần/ ngày đánh răng hoặc lau miệng bằng gạc hoặc vải ướt sạch (đối với bệnh nhân không tự vệ sinh được).

Đối với bệnh nhân ăn qua sonde mỗi lần ăn xong phải vệ sinh sạch sẽ sonde bằng cách tráng nước qua sonde.Vẫn phải vệ sinh răng miệng bình thường sau mỗi lần ăn, sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ

– Chăm sóc về tiết niệu

Những ngày đầu khi bệnh nhân có rối loạn cơ tròn đái ỉa không tự chủ phải chú ý chăm sóc phòng ngừa nhiễm trùng tiết niệu

+ Bệnh nhân có đặt sonde tiểu phải đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, túi đựng nước tiểu phải kín, đặt túi nước tiểu phải thấp hơn giường nằm của người bệnh. Kiểm tra thường xuyên để đảm bảo sonde không bị tắc, bị tuột.

Đối với trường hợp lưu sonde, kẹp sonde 4h tháo kẹp 1 lần tránh hội chứng bàng quang bé, mất phản xạ đi tiểu tiện sau này.

+ Đổ túi đựng nước tiểu và rửa sạch hàng ngày

+ Theo dõi lượng nước tiểu từng giờ hoặc 24h (Theo y lệnh)

+ Bệnh nhân đóng bỉm : Chú ý thay bỉm và vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần bệnh nhân đại tiểu tiện, ít nhất thay bỉm và vệ sinh 3 lần/ngày

– Chăm sóc về tiêu hoá

+ Theo dõi tính chất phân: Táo bón, tiêu chảy hay phân bình thường

+ Nếu táo bón thì chăm sóc: xoa bụng, uống nhiều nước. Nếu không hiệu quả báo bác sỹ sử dụng thuốc thụt tháo cho bệnh nhân

+ Nếu tiêu chảy, báo bác sỹ, bù đủ nước, ăn đủ dinh dưỡng, vệ sinh sạch sẽ sau tiêu chảy….

– Đảm bảo dinh dưỡng

+ Chế độ ăn: Đủ lượng calo phù hợp với từng người bệnh như gầy, béo, các bệnh mạn tính đã có từ trước khi bị Tai biến mạch máu não (như tiểu đường, tim mạch, thận…)

Nhưng mỗi bệnh nhân cần đảm bảo 2500-3500 kcalo/ngày chia thành 6-8 lần/ngày

+ Nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch nếu bệnh nhân có có chướng bụng, liệt ruột theo y lệnh

+ Đối với bệnh nhân ăn qua sonde cần ăn nhiều bữa một ngày mỗi lần ăn không quá 300ml và cách nhau 3- 4h. Bơm từ từ tránh nôn, sặc, thức ăn dễ tiêu hoá, dễ hấp thu nhiều chất dinh dưỡng, trước khi ăn cần hút dịch dạ dày kiểm tra tình trạng tiêu hóa của người bệnh

+ Tăng cường thêm các loại vitamin nhóm A,B,C bằng bơm nước hoa quả

+ Ăn nhạt nếu tăng huyết áp, suy tim, suy thận…

+ Đảm bảo đủ nước: lượng nước đưa vào cơ thể (uống, truyền) ước tính bằng số lượng nước tiểu của người bệnh có trong 24h + (300-500ml). Nếu người bệnh có sốt, ra nhiều mồ hôi, thở máy cần cho thêm 500ml

+ Nếu người bệnh nhẹ, không rối loạn chức năng nuốt thì động viên bênh nhân ăn từ từ, ăn ít một, vừa ăn vừa theo dõi nếu có dấu hiệu sặc báo ngay bác sỹ.

 Hình ảnh cho người bệnh ăn qua sonde
Hình ảnh cho người bệnh ăn qua sonde

–  Phòng chống loét

+ Thay đổi tư thế cho người bệnh ít nhất 2h/1 lần

+ Người bệnh bị Tai biến mạch máu não phải nằm đệm chống loét (đệm hơi, đệm nước , phao chống loét…) tuyệt đối không để da bị xây xước mất sự toàn vẹn của da.

+ Chăm sóc da thật cẩn thận, sạch sẽ nhất là vùng tỳ đè để ngăn ngừa loét, nhiễm khuẩn. Hàng ngày rửa da thật sạch, nhẹ nhàng bằng xà phòng, lau da thật khô bằng khăn mềm và chất ngăn ngừa nhiễm khuẩn

+ Xoa bóp, xoa bột talc vào các điểm tỳ đè để máu đến nuôi dưỡng các tổ chức để phòng loét. Bôi thuốc nước Sanyrene xịt ngày 1 lần vào chỗ da tỳ đè phỏng rộp nhưng không được bôi thuốc vào vết loét sau khi xịt cần xoa nhẹ

+ Nếu  người bệnh đã có vết loét: Cần cắt lọc tổ chức hoại tử, rửa sạch, thay băng vết loét khi thấm dịch. Có thể đắp đường, đắp muối 10% vào vết loét.

+ Dinh dưỡng thật đầy đủ (đặc biệt không thể thiếu Protid), ăn nhiều đạm, Vitamin giúp cho việc phục hồi làm lành vết thương nếu đã bị loét hoặc phòng loét do thiếu dinh dưỡng.

Phục hồi chức năng:

Khi nào thì có thể PHCN sau khi xảy ra tai biến? Ngày nay nhiều nhà lâm sàng cho rằng nên bắt đầu càng sớm càng tốt, thậm chí ngay từ những ngày thứ nhất thứ hai sau khi tai biến ổn định. Vậy cần xác định các dấu hiệu ổn định của Tai biến mạch máu não: một số thầy thuốc cho rằng 48 giờ sau tai biến, nếu các thiếu sót thần kinh không tiến triển tiếp, có thể coi là ổn định. Ở giai đoạn này bệnh nhân có thể rối loạn tri giác (chậm chạp, lú lẫn, hôn mê..), liệt hoàn toàn hoặc yếu nửa người và mặt bên đối diện với bán cầu tổn thương. Bên cạnh các rối loạn về sức khỏe như: tăng huyết áp, tăng đường máu… người bệnh còn đối diện với các thương tật thứ cấp.

Do vậy công tác điều dưỡng PHCN trong giai đoạn này bao gồm các hoạt động: giữ tư thế tốt và đúng để tránh cứng khớp và biến dạng khớp, tập luyện để duy trì và tăng cường sức mạnh của cơ giúp người bệnh độc lập tối đa trong sinh hoạt.

Bắt đầu bằng các kỹ thuật vị thế: Bố trí giường nằm, các vị thế đúng theo mẫu phục hồi, tập vận động thụ động nửa người bên liệt:

Các kỹ thuật vị thế

– Bố trí giường nằm cho người bệnh liệt nửa người

Không để người bệnh nằm về phía bên liệt sát tường. Tất cả đồ dùng của bệnh nhân để về phía bên liệt. Không kê đầu giường lên cao quá.

Đệm giường chắc, luôn phẳng để đề phòng loét do đè ép, tốt nhất là dùng loại đệm mút cao su xốp.

– Các vị thế nằm đúng của người bệnh theo mẫu phục hồi

Ngày nay nhiều chuyên gia về phục hồi chức năng cho rằng vị thế nằm đúng của người bệnh còn quan trọng hơn cả tập thụ động đặc biệt đối với người bệnh liệt nửa người trong giai đoạn đầu sau khi đột quỵ.

Có ba tư thế đặt bệnh nhân nằm: Nằm nghiêng về phía bên liệt, nằm nghiêng về phía bên lành và nằm ngửa.

+ Nằm nghiêng sang bên liệt:

Đầu bệnh nhân có gối đỡ, hơi gấp các đốt sống cổ phía trên.

Thân mình ở tư thế nửa ngửa, có gối đỡ phía lưng

Vai bên liệt được đưa ra trước, tay duỗi 900 với thân, khớp khuỷu duỗi, cẳng tay xoay ngửa,cổ tay, các ngón tay duỗi, dạng

Khớp háng chân liệt duỗi, khớp gối hơi gấp

Tay lành ở trên thân hoặc trên gối đỡ phía lưng

Chân lành có gối đỡ ở phía trước, ngang mức với thân , khớp háng và gối gấp.

+ Nằm nghiêng về phía bên lành:

Đầu bệnh nhân có gối đỡ chắc chắn như nằm nghiêng về phía bên liệt.

Thân mình vuông góc với mặt giường, có gối đỡ ở phía lưng.

Tay bên liệt có gối đỡ phía trước ngang mức với thân, khớp vai và khớp khuỷu gấp.

Chân liệt có gối đỡ ở phía trước, khớp háng và khớp gối gấp, hoặc ngang ngực. Chân lành ở tư thế khớp háng duỗi, khớp gối hơi gấp.

+ Nằm ngửa:

Đầu bệnh nhân có gối đỡ, mặt nhìn thẳng hoặc quay sang bên liệt, không gấp các đốt sống cổ và ngực

Vai bên liệt có gối đỡ mỏng đỡ dưới xương bả vai, có gối mỏng đỡ tay liệt xoay ngửa duỗi dọc theo thân, lên trên đầu hoặc dạng ngang, các ngón tay duỗi dạng

Hông bên liệt có gối mỏng đỡ dưới hông giữ khớp háng duỗi

Chân bên liệt có gối đỡ dưới kheo giữ khớp gối gấp, gối đỡ phía mắt cá ngoài giữ cho chân không đổ. Chân và tay lành ở vị thế mà bệnh nhân cảm thấy thoái mái và dễ chịu.

– Cách lăn trở người bệnh

Nên hướng dẫn để người bệnh tự lăn trở nếu khó khăn trong giai đoạn đầu người nhà có thể hỗ trợ người bệnh lăn trở

+ Lăn sang bên liệt:

Nâng tay và chân bên lành lên.

Đưa chân và tay lành về phía bên liệt.

Xoay thân mình sang bên liệt

+ Lăn sang bên lành:

Cài tay lành vào tay liệt.

Giúp người bệnh gập gối và háng bên liệt.

Dùng tay lành kéo tay liệt sang phía tay lành.

Đẩy hông người bệnh xoay sang bên lành

Tập luyện vận động

Trong giai đoạn đầu khi còn liệt mềm, người bệnh không tự mình vận động được nửa người bên liệt, họ cần được tập vận động thụ động để duy trì tầm vận động của các khớp và phòng ngừa các biến chứng và thương tật thứ phát đặc biệt là loét do đè ép, cứng khớp, teo cơ, co rút.

Các bài tập vận động thụ động

+ Khớp vai:

Tập gấp và duỗi khớp vai: Người tập dùng bàn tay phải đỡ khuỷu tay, bàn tay trái đỡ cổ tay rồi đưa tay bệnh nhân lên phía đầu. Nếu đầu giường không bị vướng không duỗi thẳng tay lên được bạn hãy gấp khuỷu tay bệnh nhân lại, cẳng tay đặt sát trên đầu. Sau đó tập lại như cũ

Tập dạng, khép khớp vai: Dạng vai bệnh nhân ra vuông góc với thân mình. Nếu bệnh nhân không đau, khớp vai không cứng thì tiếp tục gấp khớp vai bằng cách chuyển tay trái của bạn nắm cổ tay bệnh nhân và đưa lên phía đầu như đã làm đối với tập khớp vai. Sau đó tập lại như cũ.

Tập xoay khớp vai: Tập xoay khớp vai bằng cách đưa bàn tay bệnh nhân lên phía đầu cho đến khi mu bàn tay sát mặt giường. Sau đó đưa tay bệnh nhân trở lại vị trí ban đầu rồi đưa lòng bàn tay xuống sát mặt giường (xoay khớp vai vào trong)

+ Khớp khuỷu

Tập gấp và duỗi khớp khuỷu: Bệnh nhân nằm ngửa, tay duỗi, lòng bàn tay ngửa Người tập dùng tay phải nắm lấy cổ tay bệnh nhân với ngón cái ở phía mu, các ngón khác ở phía lòng để giữ cổ tay thẳng sau đó từ từ gấp khuỷu tay bệnh nhân lại rồi duỗi tay trở về vị trí ban đầu và tập lại như trước.

Tập quay sấp và xoay ngửa cẳng tay: Bệnh nhân nằm ngửa, tay duỗi dọc theo thân, khuỷu tay gấp 450, người tập dùng tay phải nắm bàn tay và cổ tay bệnh nhân giống như khi bắt tay, sau đó từ từ quay sấp và xoay ngửa cẳng tay 2 bên

+ Khớp cổ tay

Tập gấp và duỗi cổ tay: Tay trái người tập nắm cổ tay, tay phải nắm lấy bàn tay và các ngón tay bệnh nhân (ngón cái ở mu, các ngón khác ở phía lòng), giữ ngón tay cái của bệnh nhân giữa ngón tay trỏ và sau đó gấp khớp cổ tay bệnh nhân về phía lòng bàn tay và hơi nghiêng về phía ngón út, rồi gấp khớp cổ tay bệnh nhân về phía mu bàn tay và hơi nghiêng về phía ngón cái

+ Các ngón tay

Tập gấp các ngón tay: Bệnh nhân nằm ngửa, khuỷu tay gấp vuông góc. Người tập khum bàn tay phải và úp lên các ngón tay bệnh nhân ở phía mu bàn tay Tay trái người tập giữ khớp cổ tay bệnh nhân thẳng, sau đó dùng bàn tay và các ngón tay phải gấp các ngón tay bệnh nhân lại về phía lòng bàn tay cho đến khi tạo thành nắm đấm. Nếu sau khi gấp các ngón tay lại mà bệnh nhân không đau thì tiếp tục gấp khớp cổ tay (về phía lòng bàn tay) để duy trì độ dài của cơ duỗi ngón tay.

Tập duỗi các ngón tay: Khi ngón tay đã duỗi hết người tập từ từ duỗi khớp cổ tay bệnh nhân để làm duỗi các cơ gấp ngón.

Tập dạng và khép các ngón tay: Bàn tay bệnh nhân đặt úp trên mặt giường, người tập dùng tay trái giữ cẳng tay bệnh nhân ở tư thế sấp đồng thời dùng ngón cái và ngón giữa của tay phải lần lượt dạng và khép các ngón tay của bệnh nhân.

Tập vận động các ngón tay cái: Bệnh nhân nằm ngửa, khuỷu tay gấp, cẳng tay xoay ngửa. Người tập dùng tay phải nắm bàn và ngón tay bệnh nhân để duỗi các ngón tay. Đồng thời dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ tay trái giữ ngón cái của bệnh nhân, rồi tập dạng, khép ngón cái. Người tập sau đó dặt ngón cái tay trái lên đầu ngón tay cái cảu bệnh nhân để gấp ngón cái lại rồi dùng ngón cái và ngón trỏ tập duỗi ngón tay cái của bệnh nhân ra.

+ Khớp háng

Tập gấp và duỗi khớp háng: Bệnh nhân nằm ngửa, tay phải người tập đỡ gót, tay trái đỡ dưới kheo chân bệnh nhân rồi gấp nhẹ khớp gối sau đố từ từ đưa khớp gối bệnh nhân về phía bụng. Nếu khớp háng và thắt lưng không đau, chuyển bàn tay trái từ khoeo lên mặt trước khớp gối và gấp thêm khớp gối cho đến khi vuông góc, rồi gấp khớp háng  bằng cách đưa gối bệnh nhân về phía ngực và gót chân về phía mông.

Tập xoay khớp háng: Bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng. Người tập đặt bàn tay trên khớp cổ chân, bàn tay trái trên khớp gối bệnh nhân sau đó xoay khớp háng ra ngoài rồi xoay vào trong. Phương pháp luân phiên: Bàn tay phải người tập đỡ gót chân, bàn tay trái đặt lên trên gối rồi gấp chân bệnh nhân lại cho tới khi khớp háng và khớp gối vuông góc sau đó xoay khớp háng vào trong (đưa gót chân ra phía ngoài) và xoay ra ngoài (đưa gót chân vào trong ).

Tập dạng và khép khớp háng: Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, người điều trị dùng tay phải đỡ dưới gót, tay trái đỡ dưới khoeo, sau đó từ từ đưa chân bệnh nhân ra ngoài.

+ Khớp gối

Tập duỗi khớp gối: Người bệnh nằm ngửa, người tập dùng tay phải đỡ gót, tay trái đỡ dưới khoeo chân bệnh nhân để gấp khớp háng và khớp gối lại (h1). Sau đó duỗi thẳng chân bệnh nhân ra (h2).

+ Khớp cổ chân

Tập nghiêng khớp cổ chân: Người bệnh nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng. Người tập dùng tay trái giữ phía trên khớp cổ chân, tay phải nắm bàn chân bệnh nhân (ngón cái ở phía mu, các ngón khác ở phía lòng). Sau đó nghiêng bàn chân bệnh nhân vào.

Tập gấp và duỗi khớp cổ chân: Người bệnh nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng. Người tập dùng tay phải đỡ gót chân và bàn chân, tay trái nắm phía trên khớp cổ chân bệnh nhân (h1). Sau đó tập gấp khớp cổ chân bệnh nhân về phía lòng bàn chân (h2) rồi gấp khớp cổ chân về phía mu bàn chân (h3).

+ Các ngón chân

Tập vận động các ngón chân: Người bệnh nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng. Người tập dùng tay trái giữ cổ chân, tay phải nắm lấy bàn chân bệnh nhân. Sau đó gấp các ngón chân (h1), rồi gấp lên mu bàn chân (h2)

  Giáo dục sức khỏe

– Có rất nhiều yếu tố nguy cơ song đáng chú ý là tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiếu đường…

– Tránh các yếu tố nguy cơ: các chất kích thích rượu bia, thuốc lá,…..

– Khi có yếu tố nguy cơ phải điều trị để tránh xảy ra  tai biến

– Người bệnh bị Tai biến mạch máu não sẽ để lại di chứng nhẹ hoặc nặng thời gian hồi phục lâu, chăm sóc lâu dài, tốn nhiều công sức do vậy cần hướng dẫn kỹ cho gia đình và người bệnh hiểu sự cần thiết về chăm sóc ( vệ sinh thân thể, dinh dưỡng, tập vận động…)

– Nếu người bệnh nhẹ, tỉnh cần hướng dẫn cách tập luyện, các bài tập chủ động, thụ động để chóng hồi phục

– Hướng dẫn cách thực hiện thuốc theo đơn của bác sỹ sau khi ra viện (nếu có) không được tự động bỏ thuốc điều trị.

– Động viên gia đình và bệnh nhân kiên trì dùng thuốc theo đơn và duy trì chế độ chăm sóc và tập luyện đã được hướng dẫn.

Đánh giá

Tình trạng người bệnh sau khi đã thực hiện y lệnh, thực hiện kế hoạch chăm sóc so với lúc ban đầu của người bệnh để đánh giá tình hình người  bệnh.

– Ghi rõ giờ lượng giá

– Lấy kết quả mong đợi làm thước đo khi lượng giá

– Đánh giá tình trạng ý thức

– Đánh giá tình trạng huyết áp

– Đánh giá tình trạng liệt có cải thiện không

– Đánh giá tình trạng thông khí

– Đánh giá về tinh thần, vận động

– Đánh giá các biến chứng

– Tác dụng phụ của thuốc

– Đánh giá công tác chăm sóc và thực hiện các y lệnh đối với người bệnh

– Đánh giá chăm sóc điều dưỡng cơ bản có đáp ứng được với yêu cầu của người bệnh không

– Những vấn đề thiếu hay các nhu cầu phát sinh mới cần bổ sung vào kế hoạch chăm sóc

5/51 rating
Bình luận đóng