Đánh giá bằng hỏi bệnh 
− Có bị rối loạn về tiểu tiện không?
− Màu sắc của nước tiểu: màu đục hay đỏ?
− Đã lần nào đi tiểu ra sỏi chưa?
− Đã bị phẫu thuật hay có can thiệp gì về hệ thống thận và tiết niệu không?
− Đã sử dụng thuốc gì chưa?
− Trong gia đình đã có ai bị như vậy chưa?

1. BỆNH HỌC VỀ VIÊM THẬN BỂ THẬN 

Viêm thận bể thận là một bệnh khá phổ biến đối với các bệnh lý về hệ thống thận và tiết niệu. Viêm thận bể thận là do tình trạng nhiễm khuẩn các đài bể thận và tổ chức kẽ thận. Bệnh có thể cấp tính hay mạn tính tuỳ từng giai đoạn, tiến triển ngày càng nặng dần hậu quả cuối cùng có thể dẫn đến suy thận nếu không được điều trị tốt.

1.1. Nguyên nhân 

Nguyên nhân viêm thận bể thận cấp hay mạn tính thường do nhiễm trùng ngược dòng, có thể theo đường máu. Thường gặp là E.Coli, Enterococcus, Klebsiella. Ngoài ra có một số yếu tố thuận lợi sau:
− Sỏi đường tiết niệu.
− Nhiễm khuẩn huyết.
− Do nhiễm khuẩn ngược dòng.
− Do tiến hành các thủ thuật về đường tiết niệu không đảm bảo vô khuẩn.
− Các khối u chèn ép.
− U xơ tiền liệt tuyến ở đàn ông.
− Có thai, nhất là những tháng cuối.
− Do dị dạng đường tiết niệu.
− Do nằm lâu, vệ sinh kém và cơ thể suy kiệt.

1.2. Triệu chứng lâm sàng 

− Bệnh nhân thường có tiền sử về bệnh thận và tiết niệu hay đang bị một bệnh lý toàn thân, đột nhiên sốt cao, rét run, đau vùng hông một hay hai bên. Nhiều trường hợp xuất hiện một cơn đau quặn thận điển hình.
− Rối loạn về tiểu tiện.
− Khám thấy thận lớn một hay hai bên, làm phương pháp vỗ vào vùng hông bệnh nhân đau.
− Nước tiểu màu đỏ hay đục.
− Nhiệt độ tăng trên 39oC, mạch nhanh.
− Mất nước, da khô, lưỡi bẩn.
− Huyết áp đa số là bình thường, tuy nhiên một số trường hợp có thể cao hay thấp tuỳ thuộc vào bệnh và mức độ của bệnh.

1.3. Xét nghiệm 

− Công thức máu: bạch cầu tăng chủ yếu là đa nhân trung tính.
− Tốc độ lắng máu tăng.
− Ure có thể tăng.
− Cấy máu có thể gặp vi khuẩn gây bệnh, tuy nhiên tuỳ thuộc nguyên nhân gây bệnh và tuỳ thuộc vào giai đoạn của bệnh.
− Nước tiểu: protein niệu dương tính, nước tiểu có nhiều bạch cầu thoái hoá. Cấy nước tiểu tìm thấy vi khuẩn gây bệnh, phần lớn là vi khuẩn gram âm. Đây là xét nghiệm quan trọng cần phải làm sớm trước khi sử dụng kháng sinh.

1.4. Điều trị 

1.4.1. Điều trị viêm thận bể thận cấp 
− Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, nên sử dụng kháng sinh càng sớm càng tốt. Cần phối hợp hai hoặc ba loại kháng sinh để nâng cao hiệu quả điều trị. Có thể phối hợp 3 loại kháng sinh thuộc các nhóm penicillin, Nitroimidazole hoặc nhóm aminoglycoside Amoxilline- acide clavulanic: 1.5 g/ngày.
Gentamycine: 1mg/kg/8 giờ.
Azetronam: 1g/mỗI 12 giờ.
Ceftriaxon: 2 g/ngày.
Cotrimoxazole: 960 x 2 viên/ngày.
Offloxacine: 200mg x 2 viên/ngày.
Dùng một loại kháng sinh hoặc kết hợp hai loại, dùng đường uống hoặc đường ngoài tiêu hoá.
− Loại bỏ các nguyên nhân gây cản trở đường tiểu như sỏi, các khối u…
1.4.2. Điều trị viêm thận bể thận mạn 
− Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, nên sử dụng từng đợt khi có triệu chứng nhiễm khuẩn. Đặc biệt tránh dùng những loại kháng sinh độc cho thận.
− Loại bỏ các yếu tố thuận lợi nếu có.

1.5. Tiến triển và tiên lượng 

Viêm thận bể thận là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cao, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời thì bệnh sẽ lành nhanh chóng. Ngược lại nếu điều trị và chăm sóc không đúng cách thì bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn đến suy thận và cuối cùng dẫn đến tử vong do bệnh hay do biến chứng của bệnh gây nên.

2. CHĂM SÓC BỆNH NHÂN BỊ VIÊM THẬN BỂ THẬN 

2.1. Nhận định tình hình 

Khi bệnh nhân vào điều trị tại khoa, người điều dưỡng phải có thái độ tiếp xúc tốt với bệnh nhân, quan sát và đánh giá được tình trạng của bệnh nhân, cụ thể bằng những biện pháp sau:
2.1.1. Đánh giá bằng hỏi bệnh 
− Có bị rối loạn về tiểu tiện không?
− Màu sắc của nước tiểu: màu đục hay đỏ?
− Đã lần nào đi tiểu ra sỏi chưa?
− Đã bị phẫu thuật hay có can thiệp gì về hệ thống thận và tiết niệu không?
− Đã sử dụng thuốc gì chưa?
− Trong gia đình đã có ai bị như vậy chưa?
− Bị như vậy lần đầu hay lần thứ mấy?
− Có bị rối loạn tiêu hoá không?
2.1.2. Quan sát 
− Tình trạng bệnh nhân có mệt mỏi, người hốc hác không?
− Tình trạng sốt.
− Đau vùng hông một hoặc hai bên.
− Tình trạng nước tiểu: màu sắc và số lượng.
2.1.3. Thăm khám 
− Kiểm tra các dấu hiệu sống.
− Đo số lượng và quan sát màu sắc nước tiểu.
− Khám vùng thận đau, thận lớn.
2.1.4. Thu nhận thông tin 
− Thu nhận thông tin qua gia đình của bệnh nhân.
− Thu nhận qua hồ sơ bệnh án, cách thức điều trị….

2.2. Chẩn đoán điều dưỡng 

Qua khai thác bệnh sử, quan sát và thu thập thông tin giúp cho người điều dưỡng có được chẩn đoán điều dưỡng, một số chẩn đoán có thể gặp như sau.
− Tăng thân nhiệt do nhiễm trùng.
− Đau vùng hông nghi do sỏi niệu quản.
− Nước tiểu màu đỏ do viêm chảy máu đường tiết niệu.
− Nguy cơ choáng nhiễm trùng do điều trị không hiệu quả

2.3. Lập kế hoạch chăm sóc 

Người điều dưỡng phân tích, tổng hợp và đúc kết các dữ kiện để xác định nhu cầu cần thiết của bệnh nhân, từ đó lập ra kế hoạch chăm sóc. Khi lập kế hoạch chăm sóc phải xem xét đến toàn trạng bệnh nhân, đề xuất vấn đề ưu tiên, vấn đề nào cần thực hiện trước và vấn đề nào thực hiện sau.
2.3.1. Chăm sóc cơ bản 
− Để bệnh nhân nghỉ ngơi thích hợp.
− Ăn đầy đủ năng lượng và uống nước đầy đủ.
− Vệ sinh hàng ngày sạch sẽ.
2.3.2. Thực hiện các y lệnh 
− Cho bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc theo chỉ định
− Làm các xét nghiệm cơ bản.
2.3.3. Theo dõi 
− Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở nếu có bất thường phải báo bác sĩ ngay.
− Theo dõi số lượng và màu sắc nước tiểu.
− Theo dõi tiến triển và các biến chứng của bệnh.
− Theo dõi một số xét nghiệm như: công thức bạch cầu, ure và creatinin máu, tế bào vi trùng niệu, cấy nước tiểu, protein niệu.
2.3.4. Giáo dục sức khoẻ 
− Bệnh nhân và gia đình cần phải biết về nguyên nhân, cách phát hiện bệnh và thái độ xử trí cũng như cách chăm sóc bệnh nhân viêm thận bể thận.
− Biết được tiến triển của bệnh và các biến chứng có thể xảy ra.

2.4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc 

Đặc điểm của bệnh nhân viêm thận bể thận là tình trạng nhiễm trùng, rối loạn nước và điện giải có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
2.4.1. Thực hiện chăm sóc cơ bản 
− Đặt bệnh nhân nằm nghỉ ở tư thế đầu cao, phòng thoáng mát sạch sẽ.
− Luôn giữ ấm cơ thể bệnh nhân, mùa đông không dùng nước lạnh tắm hay rửa.
− Quan sát và theo dõi cơn đau, nếu bệnh nhân quá đau hoặc có những bất thường phải báo cho bác sĩ biết.
− Chế độ ăn uống
+ Nước uống: cần căn cứ vào tình trạng bệnh nhân, thường thì không có hạn chế nước uống, một số trường hợp cần phải truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân để chống mất nước. Nếu bệnh nhân có tăng huyết áp thì cần hạn chế nước.
+ Ăn chất dễ tiêu, đảm bảo năng lượng và nhiều hoa quả tươi. Lượng đạm đưa vào cũng cần căn cứ vào tình trạng ure máu có ở trên bệnh nhân, bình thường lượng đạm đưa vào khoảng 1-2 g/ngày, nếu:
* Ure máu dưới 0,5 g/l có thể cho bệnh nhân ăn nhiều đạm thực vật, ít đạm động vật. Số lượng đạm đưa trong một ngày vào khoảng 0,25 g/kg trọng lượng cơ thể.
* Ure máu từ 0,5-1 g/l, nên dùng đạm thực vật, không dùng đạm động vật và lượng đạm đưa vào trong ngày ít hơn 0,25 g/kg trọng lượng.
* Ure máu trên 1 g /l chế độ ăn chủ yếu là gluxid và một số acid amin cần thiết.
+ Vệ sinh hàng ngày cho bệnh nhân: hàng ngày vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân. áo, quần, vải trải giường và các vật dụng khác phải luôn được sạch sẽ.
2.4.2. Thực hiện các y lệnh 
− Thuốc dùng: thực hiện đầy đủ các y lệnh khi dùng thuốc như: các thuốc tiêm, thuốc uống. Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất thường phải báo cho bác sĩ biết.
− Thực hiện các xét nghiệm:
+ Xét nghiệm về máu như: công thức máu, máu lắng, ure, creatinin, điện giải… + Các xét nghiệm khác như: siêu âm bụng, chụp film bụng không chuẩn bị.
+ Các xét nghiệm về nước tiểu: hàng ngày phải theo dõi kỹ số lượng nước tiểu và màu sắc. Lấy nước tiểu xét nghiệm phải đảm bảo đúng quy trình. Các xét nghiệm cần làm là: protein, ure, creatinin, cấy nước tiểu.
2.4.3. Theo dõi 
− Dấu hiệu sinh tồn mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở của bệnh nhân.
− Cơn đau quặn thận, đau vùng thận.
− Tình trạng màu sắc và số lượng nước tiểu.
− Theo dõi các biến chứng.

2.5. Đánh giá chăm sóc 

Tình trạng bệnh nhân sau khi đã thực hiện y lệnh, thực hiện kế hoạch chăm sóc so với lúc ban đầu của người bệnh để đánh giá tình hình bệnh tật, cụ thể:
− Quan sát tình trạng sốt có cải thiện không?
− Tình trạng đau và rối loạn tiểu tiện có giảm không?
− Quan sát số lượng, màu sắc của nước tiểu so với ban đầu.
− Đánh giá mức độ giải quyết nguyên nhân.
− Các dấu hiệu sinh tồn có gì bất thường hay tốt lên không?
− Chăm sóc điều dưỡng cơ bảncó đáp ứng được với yêu cầu người bệnh không?
− Những vấn đề sai sót hoặc thiếu cần bổ sung vào kế hoạch chăm sóc.

0/50 ratings
Bình luận đóng