Việt Nam là một trong các đất nước giầu tiềm năng nhất về cây thuốc. Đặc biệt những loài cây được sử dụng chữa các bệnh hiểm nghèo. Trong chương trình nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gien qúy hiếm về cây thuốc Cây Thạch tùng răng cưa hiện nay được biết nhiều ở Trung Quốc dưới tên là Qian Ceng Ta trong các bài thuốc dùng để chữa các bệnh bầm máu, rách cơ, sốt và tinh thần phân lập. Hoạt chất chính của cây này là một alcaloide có tên Huperzine. Chất này được các nhà khoa học Trung Quốc cô lập lần đầu tiên vào năm 1948, và các thí nghiệm lâm sàng cũng như các ứng dụng điều trị đều đã được tiến hành ở quốc gia này. Nhưng ở các nước Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ nó lại được sử dụng rộng rãi như là thức ăn bổ trợ, và được bán rộng rãi trên thị trường. Sau khi các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố, thì các nhà khoa học Phương Tây đã kết luận rằng chất này có tác dụng trong việc chữa trị các bệnh về trí nhớ, đặc biệt đối với bệnh Alzeimer của người già. Alcaloide này có khả năng xuyên qua hàng rào mạch máu não và tác động trực tiếp lên não bộ với liều lượng rất thấp tính bằng microgram. Trên thực tế, alcaloide này ức chế việc sản sinh ra acétylcholinestérase, một enzym tạo ra sự suy thoái của acétylcholine. Khi mà enzym này bị thiếu hụt, hoặc chỉ có với hàm lượng rất thấp thì hàm lượng acetylcholine trong não tăng lên, giúp cho trí nhớ và các chức năng nhận thức được cải thiện. Nguồn cung cấp chất này tốt nhất là từ cây Thạch tùng răng cưa ( khoảng 0,1%).


 Đối với nước Việt Nam chúng ta, hiện nay tỷ lệ người lớn tuổi ngày càng gia tăng, và các bệnh rối loạn về trí nhớ cũng phát triển, dẫn đến nhu cầu về chữa bệnh cũng tăng lên. Tỷ lệ người già của các nước phát triển cũng chiếm tỷ lệ đáng kể và vấn đề được đặt ra là phải có những biện pháp giúp đỡ họ có cuộc sống hài hòa. Năm 2007, nước Pháp coi đây là vấn đề phải quan tâm hàng đầu của quốc gia.
Cây Thạch tùng răng cưa Huperzia serrata Thông đất- Lycopodiaceae là một loài thân cỏ mọc ở đất, cao từ 10-40 cm, thân đơn hay lưỡng phân 1-2 lần, hình trụ. Lá hình bầu dục, đầu nhọn, dài 1,5 cm, rộng 0,3 cm, phiến lá tương đối mỏng, nổi rõ gân giữa, mép lá có răng cưa. Túi bào tử ở nách lá hình thận màu vàng tươi.
Ở Việt Nam cây thạch tùng chỉ mọc ở núi cao trên 1000 m. Hiện nay chỉ mới phát hiện được ở Sapa (Lào Cai) và Đàlạt (Lâm Đồng). Chúng thường mọc dưới tán rừng quanh năm ẩm ướt, nhiều mùn.
Đây là một loài dược liệu qúy, nhưng chưa được quan tâm nghiên cứu và khai thác ứng dụng trong điều trị. Vì vậy cần thiết phải đặt ra vấn đề bảo tồn nguồn gien qúy hiếm này, song song với việc tổ chức gây trồng và từng bước nghiên cứu, sản xuất và biến nó thành hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Việc nghiên cứu cần phải tiến hành các bước như:
Khảo sát, điều tra, thu thập mẫu để xác định chính xác tên khoa học của loài và các đơn vị dưới loài. Điều tra khu phân bố để xác định trữ lượng (đặc biệt những vùng đang bị tác động nhiều của con người ).
Nghiên cứu đặc tính sinh vật học cơ bản của loài cây. Chú trọng các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trong các ô tiêu chuẩn định vị. Nghiên cứu việc nhân giống In situ tại Khu trung tâm phân bố. Từ đó mở rộng việc nhân giống Ex situ trong các vùng có điều kiện sinh thái tương tự.

Chuyển giống về gây trồng tại Vườn cây thuốc trong các nhà có lưới che và điều kiện ánh sáng và ẩm ướt tương tự như trong tự nhiên. Phân tích thành phần và tính chất lý hóa của cả cây. Sản xuất và bào chế các loại thuốc dưới các dạng khác nhau.

Theo TRẦN HỢP – PHÙNG MỸ TRUNG

Tài liệu tham khảo:

Phạm hoàng Hộ – Cây cỏ Việt Nam – Nhà xuất bản trẻ – quyển 1 – trang 24.

Trần Hợp – Cây thuốc Việt Nam – Nhà xuất bản NN – trang 110

5/51 rating
Bình luận đóng