DÂM BỤT

Tên khác: Bông bụt, Bụp.

Tên khoa học: Hibiscus rosa-sinensis L., họ Bông (Malvaceae).

Mô tả: Cây nhỡ, cao 4-6m. Lá hình bầu dục, nhọn đầu, tròn gốc, mép có răng to;

lá kèm hình chỉ nhọn. Hoa ở nách lá, khá lớn, 6-7 mảnh đài nhỏ (tiểu đài) hình sợi; đài hợp màu lục dài gấp 2-3 lần đài nhỏ; tràng 5 cánh hoa màu đỏ; nhị nhiều, tập hợp trên một trụ đài; bầu hình trụ hay hình nón. Quả nang tròn, chứa nhiều hạt. Mùa hoa tháng 5-7.

Phân bố: Cây mọc hoang ở nhiều nơi khắp nước ta.

Bộ phận dùng: Lá, hoa, vỏ rễ.

Thành phần hoá học: Hoa chứa thiamin, riboflavin, niacin và acid ascorbic. Hoa vò nát chữa sắc tố anthocyanin và cyanin diglucosid. Trong hoa có lá đều có chất nhầy.

Công năng: Vỏ rễ Râm bụt có tác dụng điều kinh, chống ho, tiêu viêm. Hoa, lá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu tiêu thũng, chỉ huyết, cố tinh, sát trùng. Ở Ấn Độ, hoa được xem như có tác dụng làm nhầy, làm dịu, làm mát, kích dục và điều kinh; còn lá làm dịu, an thần, tẩy nhẹ, nhuận tràng và rễ lại có tác dụng làm nhầy.

Công dụng: Rễ dùng chữa: 1. Viêm tuyến mang tai, viêm kết mạc cấp; 2. Viêm khí quản, viêm đường tiết niệu; Viêm cổ tử cung, bạch đới. 4. Kinh nguyệt không đều, mất kinh. Hoa dùng chữa kinh nguyệt không đều, khó ngủ hồi hộp, đái đỏ. Lá dùng chữa viêm niêm mạc dạ dày – ruột, đại tiện ra máu, kiết lỵ, mụn nhọt, ghẻ lở, mộng tinh, đái hạ.

Cách dùng, liều lượng: Vỏ rễ và lá 15-30g, hoa tươi 30g, dạng thuốc sắc, thuốc hãm. Lá và hoa thường dùng ngoài trị mụn nhọt, viêm mủ da, viêm vú, viêm hạch huyết. Dùng tươi đắp ngoài.

Bài thuốc:

  1. Viêm tuyến mang tai: Lá hoặc hoa tươi 30g sắc uống. Cũng dùng lá và hoa tươi cùng với lá Phù dung giã nát đắp ngoài.
  2. Viêm kết mạc cấp: Rễ Râm bụt 30g sắc uống
  3. Trúng thử cấm khẩu: Lá râm bụt tươi, giã nát, thêm ít muối, vắt nước uống
  4. Kinh nguyệt không đều, thấy sớm kỳ, ngắn vòng hay ra nhiều máu, rong huyết: Vỏ rễ râm bụt, lá Huyết dụ mỗi vị 30g sắc uống
  5. Ðơn độc, mụn nhọt sưng tấy: Lá và hoa Râm bụt tươi giã đắp
0/50 ratings
Bình luận đóng