CÂU KỶ TỬ (枸杞子)
Fructus Licii
Vị thuốc Câu kỷ tử
Tên khác: Kỷ tử, Câu khởi, Khởi tử, Địa cốt tử, Khủ khởi.
Tên khoa học: Lycium sinense Mill., họ Cà (Solanaceae).
Mô tả:
Cây: Cây nhỏ, mọc đứng thành bụi sum sê, cao 0,5 – 1m. Cành cứng đôi khi có gai ngắn ở kẽ lá. Lá nguyên mọc so le hoặc tụ tập 4 -5 cái, hình mũi mác, mép uốn lượn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt; cuống lá ngắn.
Hoa nhỏ, mọc đơn độc hoặc 2 – 3 cái ở kẽ lá, màu tím nhạt hoặc tím đỏ, tràng hình phễu, 5 cánh, có lông ở mép, nhị 5 đính ở đỉnh của ống tràng.
Quả mọng, hình trứng, khi chín màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ; hạt nhiều, hình thận dẹt.
Ngoài ra còn có loài câu kỷ quả tím đen (Lycium ruthenicum Murray) cũng được dùng.
Dược liệu: Quả hình trứng dài hay trái soan, hai đầu hơi lõm, dài 6 – 20 mm, đường kính 3 – 10 mm. Mặt ngoài màu đỏ cam, mềm, bóng, thường nhăn nheo. Gốc quả có vết cuống quả màu trắng còn sót lại, đỉnh quả có điểm nhỏ hơi nhô lên. Quả có nhiều hạt nhò hình thận dẹt, hai mặt hơi cong phồng hoặc có một mặt lõm. Hạt màu vàng nâu có nội nhũ, rốn hạt là một điểm lõm nhỏ ở mép hạt. Chất mềm, vị ngọt hơi chua.
Bộ phận dùng: Quả chín phơi khô của cây Câu kỷ tử hay Khủ khởi (Lycium sinense Mill.), họ Cà (Solanaceae).
Phân bố: Cây này có trồng ở nước ta, vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.
Thu hái: Vào mùa Hạ và mùa Thu khi quả đã chuyển màu đỏ vàng. Sau khi phơi âm can để vỏ ngoài nhăn lại, lấy ra phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khi vỏ ngoài quả khô và cứng, thịt quả mềm. Loại bỏ cuống.
Tác dụng dược lý
1. Tăng cường miễn dịch:
Nước sắc câu kỳ tử làm tăng cường khả năng thực bào của đại thực bào, tăng số lượng và hiệu giá kháng thể.
2. Hạ cholesterol huyết, đường huyết, bảo vệ gan:
Dạng chiết nước từ câu kỳ tử có tác dụng làm giảm cholesterol và có tác dụng bảo vệ gan, hạ đường huyết, tăng khả năng dung nạp đường.
3. Tác dụng đối với hệ thống máu:
Nước sắc câu kỳ tử làm tăng lượng bạch cầu.
Thành phần hoá học :
Quả chứa betain, 8 – 10% acid amin trong đó chừng một nửa ở dạng tự do, acid ascorbic (vitamin C), caroten, thiamin, riboflavin, acid nicotinic, tinh dầu và các nguyên tố vi lượng như phospho, canxi, sắt.
Vỏ rễ chứa một alcaloid gọi là kukoamin và một dipeptid gọi lyciumamid (N -benzoyl – L – phenylalanyl – L – phenylalaninol acetat).
Công năng: Dưỡng can, minh mục, bổ thận, ích tinh, nhuận phế.
Công dụng: Thuốc bổ, chữa ho lao, đau lưng mỏi gối, di tinh, mắt ra nhiều nước, mắt mờ, tiểu đường.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 4 – 10g, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Bào chế: Quả thường dùng sống, hoặc tẩm rượu sao, đem sắc ngay hoặc sấy nhẹ (dưới 50 oC) đến khô giòn, tán bột hoặc phun rượu cho quả trở nên đỏ tươi, khi dùng giã nát.
Bài thuốc:
+ Trị mắt đỏ, mắt sinh mộc thịt: Câu kỷ gĩa nát lấy nước, điểm 3-4 lần vào khóe mắt, rất hiệu nghiệm (Trửu Hậu Phương).
+ Trị mặt nám, da mặt sần sùi: Câu kỷ 10 cân, Sinh địa 3 cân, tán bột, uống 1 muỗng với rượu nóng, ngày uống 3 lần, uống lâu da đẹp như con nít (Thánh Huệ Phương).
+ Trị chảy nước mắt do Can hư: Câu kỷ tử 960g bọc trong túi lụa ngâm trong rượu, đậy thật kín, 21 ngày sau uống (Long Mộc Luận).
+ Trị Can Thận âm hư, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, mắt mờ, hoa mắt, hoặc đau rít sáp trong mắt: Câu kỷ tử, Cúc hoa mỗi thứ 12g, Thục địa 16g, Sơn dược mỗi thứ 8g, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả mỗi thứ 6g. Tán bột trộn làm viên. Mỗi lần uống 12g ngày 2 lần, với nước muối nhạt (Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn – Cảnh Nhạc Toàn Thư).
+ Trị suy nhược vào mùa hè, không chịu nổi với thời tiết: Câu kỷ tử, Ngũ vị tử, tán bột pha nước sôi uống thay trà (Nhiếp Sinh Chúng Diệu Phương).
+ Trị suy nhược, thận hư, hoa mắt, mắt mộng thịt: Cam câu kỷ tử 1 cân, ngâm cho thấm với rượu ngon rồi chia làm 4 phần, 1 phần sao với 40g Thục tiêu, 1 phần sao với 40g Tiểu hồi hương, 1 phần sao với 40g Chi ma (mè), 1 phần sao với Câu kỷ không thôi. Thêm Thục địa, Bạch truật, Bạch phục linh mỗi thứ 40g, tán bột, luyện mật làm viên uống hằng ngày (Tứ Thần Hoàn – Thụy Trúc Đường Kinh Nghiệm Phương).
+ Trị gan viêm mạn tính, gan xơ do âm hư: Bắc sa sâm 12g, Mạch môn 12g, Đưung qui 12g, Kỷ tử 12-24g, Sinh địa 24-40g, Xuyên luyện tử 6g, sắc nước uống (Nhất Quán Tiễn – Liễu Châu Y Thoại)
+ Trị suy nhược, thận hư, lưng đau, gối mỏi, di tinh, huyết trắng nhiều: Thục địa 320g, Sơn dược (sao) 160g, Câu kỷ tử 160g, Sơn thù nhục 160g, Ngưu tất 120g, Thỏ ty tử 160g, Lộc giao (sao) 160g, Quy bản (sao) 160g, tán bột, trộn mật làm hoàn. Mỗi lần uống 12-16g, ngày 2-3 lần (Tả Quy Hoàn – Cảnh Nhạc Toàn Thư).
+ Trị hoa mắt, thị lực giảm sút, cườm mắt tuổi gìa, thủy tinh thể dục: Thục địa 320g, Sơn thù 1690, Sơn dược 160g, Đơn bì 80g, Trạch tả 80g, Phục linh 80g, Cúc hoa 120g, Câu kỷ tử 120g. Tán bột, trộn với mật làm hoàn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10-12g (Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn – Y Cấp) .
+ Câu kỷ tử, Thục địa, Ngũ vị tử, Mạch môn đông, Địa cốt bì, Thanh hoa, Miết giáp, Ngưu tất trị âm hư lao nhiệt nóng bức rứt âm ỉ trong xương, hoặc muốn dùng làm thuốc chính để trị phát sốt, lạnh thì thêm Thiên môn đông, Bách bộ, Tỳ bà diệp, có thể trị được cả chứng ho do âm hư, phế nhiệt (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Câu kỷ tử, hái những quả chín đỏ hằng ngày, tẩm giấm, rượu,rồi lấy giấy sáp phong niêm kín lại đừng làm cho bay hơi đủ hai tháng đổ vào chậu khuấy nhừ nát lọc lấy nước rồi ngâm với rượu. Sau đó cho vào nồi bạc nấu lửa liu riu nhỏ, đồng thời quấy luôn để khỏi dính và đều cho tới khi thành cao như Mạch nha, cuối cùng bỏ vào bình sạch đậy kỹ, mỗi buổi sáng uống mỗi lần 2 muỗng canh lớn, trước khi đi ngủ, liên tục trong 100 ngày mới thấy mạnh khỏe (Kim Tủy Tiễn – Kinh Nghiệm Phương).
+ Trị hoa mắt, thị lực giảm sút, cườm mắt tuổi gìa, thủy tinh thể dục: Cúc hoa 8g, Kỷ tử 20g, Nhục thung dung 12g, Ba kích thiên 8g, sắc nước uống (Cúc Thanh Thang – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Trị nam giới sinh dục suy yếu (vô sinh): Mỗi tối nhai 15g Câu kỷ tử, liên tục 1 tháng, thường sau khi tinh dịch trở lại bình thường, uống thêm 1 tháng. Trong thời gian uống thuốc, kiêng phòng dục. Đã trị 42
ca, sau 1 liệu trình: hồi phục bình thường 23 ca, sau 2 tháng bình thường 10 ca, có 6 ca không có kết quả vì không có tinh trùng, 3 ca không kết quả, theo dõi sau 2 năm, tinh dịch trở lại bình thường, 3 ca đã có con (Đông Đức Vệ và cộng sự, ‘Kỷ Tử Trị Vô Sinh Nam Giới’, Tân Trung Tạp Chí 1987, 2: 92)
+ Trị dạ dầy viêm teo mạn tính: Dùng Kỷ tử rửa sạch, sao khô, giă nát, đóng gói. Mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần lúc bụng đói và nhai uống, 2 tháng là một liệu trình. Trong thời gian uống thuốc, ngưng tất cả các loại thuốc khác. Đã trị 20 ca, theo dõi 2- 4 tháng, có kết quả tốt 15 ca, có kết quả 5 ca (Trần Thiệu Dung và cộng sự, ‘Báo Cáo 20 Ca Dạ Dầy Viêm Teo Mạn Tính Điều Trị Bằng Câu Kỷ Tử,’ Trung Y Tạp Chí 1987, 2: 92).
+ Trị thận hư, tinh thiếu, lưng đau, vùng thắt lưng đau mỏi: Câu kỷ tử, Hoàng tinh, 2 vị bằng nhau, tán bột, luyện mật làm viên, mỗi lần 12g, ngày uống 2 lần với nước nóng (Câu Kỷ Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)..
+ Trị Can hư sinh ra bệnh ở mắt, ra gió chảy nước mắt: Câu kỷ tử, dùng rượu ngâm sau 3-7 ngày, mỗi lần uống 1-2 muỗng canh, ngày 2 lần (Câu Kỷ Tửu – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Kiêng kỵ: Tỳ vị hư yếu, đại tiện sống phân hoặc phân lỏng không nên dùng.
Ghi chú: Vỏ rễ của cây Khủ khởi được gọi là Địa cốt bì dùng chữa sốt, ho khan, ho ra máu, đi tiểu ra máu…