CẦN HÔI


Tên khác: Băng biên, Nga cước bản, Bát nguyệt bạch.
Tên khoa học: Pimpinella diversifolia DC.; thuộc họ Cần (Apiaceae).
Tên đồng nghĩa: P. cambodgiana Boissieu; P. tonkinensis Cherm.
Mô tả: Cây thảo sống dai, thân khía rãnh dọc, cao tới 1,2m, phân cành nhiều. Lá ở gốc có cuống dài, phình thành bẹ có lông, phiến hình tam giác, gốc hình tim; chóp hơi nhọn, mép khía răng tai bèo. Lá ở giữa có cuống ngắn hơn, thường chia 3 lần lông chim hay chia 3 thuỳ. Lá phía trên chẻ 3 thuỳ với các phiến hình dải, có mép khía răng không đều. Cụm hoa ở ngọn hay ở bên, gồm những tán kép, có bao chung gồm 2-3 lá bắc dạng lông tơ. Mỗi tán có 10-13 nhánh hoa; tiểu bao gồm các lá bắc hình sợi hay không có; đài có răng không rõ; cánh hoa màu trắng. Quả hình trái xoan dẹp, có lông tuyến; các phân quả có cạnh lồi. Ra hoa tháng 7.
Bộ phận dùng: Rễ và toàn cây (Radixet Herba Pimpinellae).
Phân bố sinh thái: Cây chỉ gặp ở rừng vùng núi cao Lào Cai (Sapa). Còn phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc. Người ta thu hái toàn cây vào mùa xuân hè, phơi khô trong râm, bó lại để dùng hoặc dùng tươi.
Thu hái chế biến: Rễ đào vào mùa hè thu, rửa sạch, phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, đắng, tính ấm, có ít độc, có tác dụng trừ hàn thông phổi, khư phong giải độc, hoạt huyết tán ứ tiêu sưng giảm đau.
Công dụng:
– Thường dùng trị cảm mạo phong hàn, ho gà, lao phổi, kiết lỵ, ỉa chảy, đau dạ dày, sốt rét, rắn độc cắn, ong và bò cạp đốt, vô danh thũng độc, các chứng ghẻ ngứa ngoài da.
– Có nơi ở Trung Quốc, người ta thử dùng chữa mụn nhọt ở mũi họng, bằng cách lấy rễ hoặc cả cây tươi vắt lấy nước đem nhỏ thì thấy bệnh

trạng thuyên giảm. Ở Ấn Độ, người ta sử dụng làm thuốc gây trung tiện.

Liều dùng: Ngày dùng 12-20g, sắc nước hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài, lấy lượng vừa đủ, dùng tươi giã nát đắp; còn có thể vắt lấy nước bôi xoa, dùng khô thì tán thành bột hòa với nước bôi. 

0/50 ratings
Bình luận đóng