Bia là một loại đồ uống có chứa rất ít chất rượu cồn, được mọi người ưa thích, sở dĩ người ta thích nó, trước hết bởi vì bia có rất ít thành phần rượu cồn, hầu như bất cứ ai cũng có thể uống được, hơn nữa lại uống được rất nhiều, không thấy mấy trường hợp say bia dữ dội, nguy kịch như say rượu; sau nữa, bia có tác dụng khai vị và giải nhiệt nhất định. Có người nói nó nuôi sống người, nó là “bánh mì nước”.

Sự thực có phải như vậy không?

Cần phải thừa nhận là so với bất cứ một loại rượu nào, bia là loại đồ uống có hàm lượng rượu cồn thấp nhất, chỉ khoảng trên dưới 4°, đồng thời bia lại còn có nhiều các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể dù rằng ít. Trong mỗi 100 gam bia có 0,5 gam protein; 9 gam hợp chất đường; 43 kilocalo nhiệt lượng; 4 mg canxi, 26 mg phốtpho; 0,1 mg sắt; 0,03 mg vitamin B2; 0,21 mg vitamin pp, trong khi đó thì trong mỗi 100 gam rượu nho đỏ có 0,2 gam protein; 12,1 gam hợp chất đường; 127 kilocalo nhiệt lượng và 3,5 mg sắt. Mỗi 100 gam rượu cất nước thứ hai (Rượu cất nước thứ hai: Hàm lượng rượu cồn chỉ còn bằng 60-70% rượu cất nước thứ nhất) chỉ có chứa 395 kilocalo nhiệt lượng; các thành phần dinh dưỡng khác hầu như không có gì. Do bởi vì bất cứ một người nào uống bia đều có thể uống được lượng rất nhiều so với người uống rượu, cho nên có thể nói từ bia mà hấp thu được nhiều thành phần dinh dưỡng hơn bất cứ một người uống rượu nào khác. Như trong trường hợp nói chung, tuyệt đại đa số người một lần uống được 300 ml bia, tức khoảng 1 cốc to cũng thấy là bình thường, vừa phải, tuy trong đó có thể có một số ít người có nhức đầu, mặt nóng bừng lên, như vậy, từ trong bia, người ta có thể hấp thu được khoảng 1,5 gam protein; 27 gam đường; 129 kilocalo nhiệt lượng; 12 mg canxi; 78 mg phôtpho; 0,3 mg sắt; 0,09 mg vitamin B2; 0,63 mg vitamin pp. Rất nhiều người uống bia mỗi lần không phải chỉ là 1 cốc 300 ml như vậy, mà lai rai uống tới mấy cốc liền thì chất dinh dưỡng thu được cũng gấp mấy lần số vừa nêu.

Bọt bia
Bọt bia

Còn nếu uống rượu nho thì thường mỗi người mỗi ngày cho là uống vài lần đi, cũng chỉ được 100 ml rượu thôi, thành phần dinh dưỡng thu được từ trong rượu là 0,2 gam protein; 12,1 gam đường; 127 kilocalo nhiệt lượng và 3,5 mg sắt.

Mặt khác, do bia có tác dụng gây thèm ăn, đồng thời với uống bia, người ta thường ăn nhiều thức ăn khác, như các loại thịt, trứng, rau v.v… ăn thêm nhiều thức nhắm tốt hơn so với ngồi uống rượu rất nhiều. Do đó mà người thường xuyên uống bia béo lên vì cơ thể họ không chỉ hấp thu được các chất dinh dưỡng trong bia mà còn chủ yếu là từ các thức ăn ăn kèm với bia. Chính vì lẽ đó mà người ta lầm tưởng rằng bia nuôi sống được người, thậm chí lại tôn nó lên là “bánh mì nước” nữa. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao những người thường xuyên uống bia lại thấy béo lên dễ dàng. Nhưng cần phải nhận thức được rằng lượng các thành phần dinh dưỡng mà bản thân bia cung cấp cho cơ thể thực ra rất ít ỏi, nó không thể nào sánh nổi với dinh dưỡng có trong bất cứ một loại bánh mì, bánh bao hoặc cơm ta ăn hàng ngày được. Trên thực tế nó quyết không thể là “bánh mì nước”, là thứ nuôi sống người như một số người vẫn nói quá lên vậy.

Uống bia có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Uống bia đúng cách có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Còn bia liệu có thể “uống nhiều vô hại” không?

Có thể khẳng định ngay là không được. Trước hết vì uống bia càng nhiều thì lượng rượu cồn hấp thụ vào cơ thể càng lớn. Hàm lượng rượu cồn nói chung trong bia chiếm khoảng 4%, tức là trong mỗi 100 gam bia có chứa 4 gam rượu cồn, do đó nếu uống 1 lít bia sẽ đưa vào cơ thể khoảng 40 ml rượu cồn, tương đương với uống 67 ml loại rượu trắng có 60% rượu cồn. Nếu lại uống 2 lít bia thì tức là tương đương với uống gần 150 gam rượu trắng. Nếu hứng lên uống thoải mái thì tất nhiên sẽ đưa vào cơ thể lượng lớn rượu cồn, như vậy chất rượu cồn đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với cơ thể, gây nên say bia và trúng độc chất rượu cồn y như say rượu vậy.

Các nhà y học trên thế giới đã phát hiện: Bia có thể gây ra viêm dạ dày và làm cho bệnh viêm dạ dày nặng thêm lên. Thường xuyên uống bia nhiều còn có thể làm cho dịch thể trong huyết dịch tăng thêm do đó mà tăng gánh nặng cho tim, làm cho tim to ra so với tim của những người bình thường, những công năng co bóp của nó thì lại nhỏ hơn tim của những người bình thường nhiều, đó chính là bệnh “tim bia” như người ta vẫn nói. Những người có bệnh “tim bia” thường xuyên xuất hiện các triệu chứng như tim đập nhanh, nhịp đập của tim thất thường, huyết áp ở động mạch lên cao và phù ở mặt. Do vì chất rượu cồn trong bia phải qua gan để giải độc cho nên người thường xuyên uống nhiều bia tất sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho gan và trực tiếp làm tổn hại đến tế bào gan, làm cho gan nhiễm mỡ và trở nên cứng lại. Vì bia có thể làm tăng thèm ăn, làm cho người ta khi uống bia, ăn vào quá nhiều thức ăn làm cho cơ thể quá béo; mà người đã quá béo thì lại dễ sinh ra cao huyết áp và bệnh ở hệ thống mạch vành của tim. Đối với những người đã bị những bệnh về gan, bệnh viêm dạ dày, viêm ruột, bệnh lở loét, bệnh sưng phổi có mủ mà uống quá nhiều bia thì sẽ làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra còn có người phát hiện uống nhiều bia sẽ làm cho hàm lượng chì trong huyết dịch tăng thêm và mắc thêm chứng sỏi thận nữa.

Nói tóm lại, đối với sức khỏe, bia vừa có mặt lợi, cũng vừa có mặt hại. Vấn đề mấu chốt là uống vừa phải, cố gắng hạn chế uống, mỗi lần uống chỉ nên uống một cốc vại thì sẽ có lợi, còn uống quá nhiều lại rất có hại.

 

0/50 ratings
Bình luận đóng