TÔ MỘC (gỗ vang)
Tên khoa học: Caesalpinia sappan L.; Họ vang (Caesalpiniaceae)
Bộ phận dùng: Gỗ. Chọn loại nặng, màu vàng óng ánh hay đỏ sẫm, to bản (rộng 5cm) là tốt.
Tô mộc thật thì nặng, thớ song song, dễ chẻ, óng ánh, nếm ngọt thơm. Thứ giả nhẹ, thớ vặn vẹo, khó chẻ, nếm rất chát.
Thành phần hóa học: Tanin, acid galic, chất sappanin, brasilin và tinh dầu.
Tính vị – quy kinh: vị ngọt, tính bình. Vào ba kinh tâm, can và tỳ.
Tác dụng: Hành huyết, thông kinh lạc, trừ ứ, trừ phong, có chất kháng sinh.
Công dụng: Sản hậu huyết ứ, kinh nguyệt bế; trị ung nhọt, trật da ứ huyết; trị lỵ cấp tính, viêm ruột, ỉa chảy do nhiễm trùng đường ruột.
Liều dùng: Ngày dùng 4 – 20g (thuốc sắc).
Kiêng kỵ: Huyết hư không ứ trệ thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Bỏ vỏ thô và đốt mắt, thái thành phiến mỏng hoặc đẽo ra từng sợi dài mà dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Cưa thành khúc ngắn 5 – 10cm, chẻ nhỏ, để sắc.
Theo kinh nghiệm Viện Đông y nấu cao tô mộc:
Cưa thành khúc ngắn 5 – 10cm, chẻ nhỏ (càng nhỏ càng tốt), đổ ngập nước.
Đun sôi 2 giờ, chắt lấy nước, lọc, cô lại. Lấy nước thứ hai, thứ ba làm như
trên. Cô chung cho đến độ sền sệt, sấy nhẹ cho khô, tán bột làm viên.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, cách xa mặt đất, tránh ẩm.