BẠCH CẬP
Rhizoma Bletiae
            Dược liệu là thân rễ chế biến từ cây bạch cậpBletia striata (Thunb.) Reichb., họ Lan- Orchidaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố.
            Cây bạch cập thuộc loại thảo, sống nhiều năm, cao khoảng 90 cm, mọc hoang và được trồng ở những nơi đất ẩm. Lá mọc từ thân rễ lên, mỗi cây mang khoảng 3-5 lá hình mác dài 18-40cm, rộng 2,5-5cm, mặt lá có nhiều nếp nhăn dọc. Hoa nở vào mùa hạ, màu đỏ tía. Quả hình thoi có 6 cạnh, dài khoảng 3 cm, đường kính 1cm. Thân rễ phát triển thành củ có nhiều chất nhầy làm chất dự trữ cho cây. Tài liệu cho biết cây có mọc ở rừng thứ sinh Vĩnh Phú.
Bộ phận dùng và chế biến
            Thân rễ hóa thành củ, thu hoạch ở những cây 2-3 tuổi, bỏ vẩy và rễ con, rửa sạch, sấy nhỏ lửa đến khô. Sau khi chế biến, dược liệu là những khối như sừng vị đắng và nhớt. Khi dùng đem ủ mềm, thái lát, sấy nhẹ cho khô, nếu cần thì tán thành bột.
Đặc điểm bột. Bột bạch cập soi dưới kính hiển vi thấy có tế bào biểu bì có thành vòng vèo, mô mềm có calci oxalat hình kim.
Thành phần hóa học.
            Chất nhầy là chủ yếu, chiếm khoảng 55% và thuộc loại glucomannan.
Tác dụng và công dụng.
            Bạch cập có tác dụng chống loét dạ dày trên chuột cống thí nghiệm.
            Trong y học dân tộc cổ truyền dùng làm thuốc cầm máu trong các trường hợp ho ra máu, loét dạ dày ra máu, lỵ có máu, trĩ. Dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, mỗi ngày 15g. Dùng ngoài phối hợp với thạch cao để chữa mụn nhọt, các vết thương, vết loét. Bạch cập hòa với dầu vừng để chữa bỏng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản

Y học

Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

0/50 ratings
Bình luận đóng