Mục lục
Liên quan giữa tăng huyết áp và vữa xơ động mạch như thế nào?
Tăng huyết áp và vữa xơ động mạch là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có một mối quan hệ đặc biệt mật thiết. Tăng huyết áp gây tăng quá trình vữa xơ động mạch và ngược lại, vữa xơ động mạch làm tăng nặng bệnh Tăng huyết áp. cả hai bệnh này, theo TCYTTG khẳng định, là nguyên nhân tử vong nhiều nhất của bệnh tim mạch.
Tăng huyết áp được coi là một yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh vữa xơ động mạch. Các công trình nghiên cứu khoa học cho phép kết luận tăng huyết áp và vữa xơ động mạch thường phối hợp với nhau, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nhau và làm cho biểu hiện lâm sàng của bệnh càng thêm phức tạp: Tăng huyết áp gây tăng áp lực máu trong lòng mạch, vì vậy dễ làm tổn thương nội mạc động mạch, tăng tính thấm thành mạch… do đó, vữa xơ động mạch phát triển nặng thêm, dễ gây tai biến.
Người ta thấy trước tuổi 20 đã xuất hiện các mảng vữa xơ ở nội mạc động mạch. Mức độ tổn thương ở thành động mạch tăng dần theo tuổi, nặng nhất ở tuổi 50-60 và bệnh càng có nhiều biến chứng phức tạp ở nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Vữa xơ động mạch là bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
Thực tế lâm sàng cho phép kết luận, ở bệnh nhân mắc cả hai bệnh tăng huyết áp và vữa xơ động mạch, nếu điều trị tốt tăng huyết áp thì sẽ giảm bớt tình trạng vữa xơ động mạch và các tai biến của nó như tai biến mạch máu não (TBMMN) và nhồi máu cơ tim. Nghiên cứu Framingham cho thấy nếu huyết áp tối đa tăng từ 120 đến 180 mmHg sẽ làm tăng nguy cơ TBMMN và nguy cơ tai biến mạch vành lên 8 lần. Trong 110 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim chỉ có 3 trường hợp có huyết áp bình thường.
Công trình Robert (1975) đã chứng minh phải có sự phối hợp giữa tăng huyết áp và rối loạn lipid máu trong thời gian dài mới có thể thúc đẩy nhanh quá trình vữa xơ động mạch. Công trình nghiên cứu của giáo sư Phạm Tử Dương và một số tác giả khác cũng cho phép kết luận có sự liên quan giữa những biến đổi của lipid máu với bệnh tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là bệnh có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ cơ thể. Nhiều cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng như động mạch, tim, não, thận…
Ảnh hưởng của tăng huyết áp đến động mạch
– Áp lực trong động mạch thường xuyên tăng cao làm cho thành động mạch dày lên, giảm tính đàn hồi tiến tới vữa xơ động mạch. Hay gặp ở động mạch chi dưới, động mạch cổ….
– Phình tách thành động mạch: phình tách động mạch chủ là một biến chứng hay gặp nhất
– Túi phình động mạch có thể gặp ở não, ở động mạch chủ….
– Do tổn thương sẵn có của vữa xơ động mạch và tình trạng viêm nhiễm, các cục máu đông có thể gặp ở thành động mạch, khi bong ra có thể dẫn đến tai biến nhồi máu não, nhồi máu ở các chi….
Ảnh hưởng của tăng huyết áp đến tim
– Giãn nhĩ trái, dày thất trái là những biến chứng ở tim hay gặp. ở giai đoạn muộn, thất trái vừa dày lại vừa giãn to.
– Đau thắt ngực do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim
– Rối loạn nhịp tim
– Suy tim
– Do tổn thương sẵn có của vữa xơ động mạch và tình trạng viêm nhiễm ở các van tim, các cục máu đông có thể gặp ở tim, khi bong ra có thể dẫn đến tai biến nhồi máu não, nhồi máu ở các chi….
Các dấu hiệu này được chẩn đoán bằng siêu âm, điện tim, chụp X quang….
Ảnh hưởng của tăng huyết áp đến não
– Thiếu máu não thực sự chiếm khoảng 20% các trường hợp thiếu máu não do các cục máu đông hình thành từ tim, động mạch cảnh hoặc động mạch cổ khi rời khỏi thành mạch phụt ngược lên não gây nhũn não, có thể dẫn đến liệt và các triệu chứng khác tuỳ vùng não bị tổn thương. Tăng huyết áp kèm theo tình trạng vữa xơ động mạch làm cho lòng mạch bị chít hẹp, gây thiếu máu nuôi dưỡng não, còn được gọi là thiểu năng tuần hoàn não.
– Thiếu máu não thoáng qua chiếm khoảng 75%. Theo Giáo sư Fournier, có thể do 2 nguyên nhân:
+ Tắc động mạch trong thời gian ngắn do cục máu đông tại tim hoặc tại các động mạch bị vữa xơ.
+ Do hạ huyết áp, đặc biệt là hạ huyết áp tư thế đứng ở những bệnh nhân mà động mạch não là vị trí bị tắc nghẽn liên tục.
– “Bệnh não do Tăng huyết áp”: Theo E. Goldberger có thể xảy ra theo 2 cách:
+ Tăng huyết áp. gây co thắt hoặc co hẹp lòng động mạch một cách dữ dội làm giảm lưu lượng máu lên não, có thể gây xuất huyết não dạng chấm…
+ Khi huyết áp tăng quá một giới hạn nhất định, vai trò điều hoà của động mạch não bị phá vỡ làm tăng đột ngột một lượng máu lên não, áp lực mao mạch tăng dần có thể dẫn đến phù não hoặc xuất huyết não dạng chấm như trên.
Ảnh hưởng của tăng huyết áp đến thận
– Xơ hoá thận, teo thận, suy thận
– Tăng huyết áp dẫn đến suy thận, suy thận làm tăng huyết áp, đây là một vòng bệnh lý luẩn quẩn làm tăng nặng tình trạng bệnh của bệnh nhân Tăng huyết áp.
Cơ quan đích của Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Tim, động mạch, thận, não, mắt… được coi là các cơ quan đích trong bệnh Tăng huyết áp. Tổn thương cơ quan đích là một cụm từ thường dùng trong y học để chỉ hậu quả của Tăng huyết áp gây ra cho các cơ quan trong cơ thể.
Tổn thương cơ quan đích do Tăng huyết áp có các biểu hiện gì?
Bảng 1. Tổn thương các cơ quan đích do tăng huyết áp
Tổn thương | Biểu hiện |
Tim | – Tim to, có thể phát hiện sớm trên điện tim hoặc siêu âm – Đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim. Có thể phát hiện sớm trên điện tim – Suy tim |
Động mạch não | – Tai biến mạch máu não thoáng qua: Trí nhớ giảm, rối loạn ngôn ngữ…. – Tai biến mạch máu não thật sự: Xuất huyết não: Gây liệt nửa người, nói ngọng, liệt mặt, hôn mê, tử vong |
Động mạch chi | – Thiếu máu nuôi dưỡng chi: Có biểu hiện “khập khiễng cách hổi”: Đau bắp chân khi đi lại, nghỉ ngơi thì hết đau. – Gây cục máu đông trong lòng mạch, khi bong cục máu đông gây tắc động mạch làm hoại tử chi thể: đầu chi tím tái, tê bì, mất cảm giác, hoai tử…. |
Động mạch chủ | – Gây phình động mạch: Có thể dễ vỡ động mạch gây tử vong. Phát hiện sớm khi chụp Xquang động măch |
Thận | – Gây suy thận, xơ thận, giảm chức năng thận… Phát hiện khi xét nghiệm máu và nước tiểu đánh giá chức năng thận. |
Võng mạc mắt | – Chảy máu hoặc xuất tiết võng mạch: Nhìn mờ, nảy đom đóm mắt. … |
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh tăng huyết áp có tác dụng hạn chế, ngăn ngừa tiến triển của bệnh và hạn chế, ngăn ngừa được quá trình tổn thương các cơ quan đích của tăng huyết áp. Có thể nói rằng, đây cũng là mục tiêu trong điều trị tăng huyết áp mà người bệnh cần chú ý.