Mục lục
Phục Lưu
Tên Huyệt Phục Lưu:
Mạch khí của kinh Thận khi đến huyệt Thái Khê thì đi thẳng lên rồi quay trở về phía sau mắt cá chân trong 2 thốn và lưu ở đấy, vì vậy gọi là Phục Lưu (Trung Y Cương Mục).
Tên Khác:
Ngoại Du, Ngoại Mạng, Ngoại Mệnh, Phục Bạch, Xương Dương.
Xuất Xứ:
Thiên ‘Bản Du’ (LK2).
Đặc Tính Huyệt Phục Lưu:
Huyệt thứ 7 của kinh Thận.
Huyệt Kinh, thuộc hành Kim, huyệt Bổ.
Vị Trí Huyệt Phục Lưu:
Giữa mắt cá chân trong và gân gót (huyệt Thái Khê (Th.3) đo thẳng lên 2 thốn, trong khe của mặt trước gân gót chân và cơ gấp dài riêng ngón cái.
Giải Phẫu:
Dưới da là khe giữa bờ trên gót chân, mặt sau cơ gấp dài ngón chân cái, mặt sau đầu dưới xương chầy.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy sau.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.
Tác Dụng Huyệt Phục Lưu:
Thanh thấp nhiệt, lợi Bàng quang, tư Thận, nhuận táo, điều Thận khí, khử thấp, tiêu trệ.
Chủ Trị Huyệt Phục Lưu:
Trị lưng đau, chi dưới liệt, tiêu chảy, mồ hôi trộm, Thận viêm, tinh hoàn viêm.
Phối Huyệt:
1. Phối Phong Long (Vị 40) trị tay chân phù (Giáp Ất Kinh).
2. Phối Đại Đô (Tỳ 2) + Phong Long (Vị 40) trị tay chân sưng (Thiên Kim Phương).
3. Phối Nhiên Cốc (Th.2) + Thái Xung (C.3) + Trung Phong (C.5) trị mồ hôi trộm (Thiên Kim Phương).
4. Phối Thần Khuyết (Nh.8) trị trúng Thuỷ, khí trướng đầy (Tư Sinh Kinh).
5. Phối Lao Cung (Tâm bào.8) trị hay tức giận (Tư Sinh Kinh).
6. Phối Bộc Tham (Bàng quang.61) + Hoàn Cốt (Đ.12) + Phi Dương (Bàng quang.58) + Túc Tam Lý (Vị 36) + Xung Dương (Vị 42) trị chân teo, chân tê rớt giầy dép không biết (Tư Sinh Kinh).
7. Phối Hội Dương (Bàng quang.35) + Thái Xung (C.3) trị tiêu ra máu (Tư Sinh Kinh).
8. Phối Thái Xung (C.3) trị sữa khó ra (Châm Cứu Tụ Anh).
9. Tả Phục Lưu + phối Bá Lao + bổ Hợp Cốc (Đại trường.4) + tả Nội Đình (Vị 44) trị thương hàn không có mồ hôi (Châm Cứu Đại Thành).
10. Phối Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khúc Trì (Đại trường.11) + Nhân Trung (Đc.26) trị thương hàn gây ra co cứng, bất tỉnh (Châm Cứu Đại Thành).
11. Phối Lệ Đoài (Vị 45) + Thân Mạch (Bàng quang.62) trị chân lạnh (Châm Cứu Đại Thành).
12. Phối Hội Dương (Bàng quang.35) + Thúc Cốt (Bàng quang.65) trị tích tụ ở ruột (Châm Cứu Đại Thành).
13. Phối Cách Du (Bàng quang.17) + Gian Sử (Tâm bào.5) + Hành Gian (C.3) + Thận Du (Bàng quang.23) + Túc Tam Lý (Vị 36) + Tỳ Du (Bàng quang.20) trị chứng huyết cổ (Loại Kinh Đồ Dực).
14. Phối Liệt Khuyết (Phế 7) + Phong Long (Vị 40) trị tay chân phù (Thần ứng Kinh).
15. Phối Hành Gian (C.2) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Túc Tam Lý (Vị 36) trị chân không đi được (Châm Cứu Phùng Nguyên).
16. Phối Ẩn Bạch (Tỳ 1) + Hạ Liêu (Bàng quang.34) + Hội Dương (Bàng quang.35) + Lao Cung (Tâm bào.8) + Thái Bạch (Tỳ 3) + Thái Xung (C.3) + Thừa Sơn (Bàng quang.57) + Trường Cường (Đc.1) trị đại tiện ra máu (Thần Cứu Kinh Luân).
17. Phối Cao Hoang (Bàng quang.43) + Đại Chùy (Đc.14) trị mồ hôi tự ra [tự hãn] (Thần Cứu Kinh Luân).
18. Phối Phế Du (Bàng quang.23) + Y Hy (Bàng quang.45) trị mồ hôi trộm [đạo hãn] (Thần Cứu Kinh Luân).
19. Phối Thuỷ Phân (Nh.9) + Thận Du (Bàng quang.23) + Trúc Tân (Th.9) + Túc Tam Lý(Vị 36) + Ế Minh trị gan bị xơ cứng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
20. Phối Ế Phong (Tam tiêu.17) + Thận Du (Bàng quang.23) + Túc Tam Lý (Vị 36) trị cổ trướng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
21. Phối Liệt Khuyết (Phế 7) + Quan Nguyên (Nh.4) + Thận Du (Bàng quang.23) + Thiên Xu (Vị 25) + Thủy Phân (Nh.9) + Túc Tam Lý (Vị 36) + Tỳ Du (Bàng quang.20) trị phù thũng (Phù Thủng Bệnh Trung Y Giản Dị Phương Tuyển).
Cách châm Cứu Huyệt Phục Lưu:
Châm thẳng hoặc xiên, sâu 0, 8 – 1, 2 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Tham Khảo:
Thiên ‘Tạp Bệnh’ ghi: “Cổ họng khô, trong miệng nóng như có keo, thủ kinh túc Thiếu âm [huyệt Bổ của kinh Túc Thiếu Âm – Phục Lưu] (Linh khu.26, 5).
Thiên ‘Khẩu Vấn’ ghi: “…Nếu trong Vị bị nhiệt thì trùng bị động, trùng động thì Vị bị hoãn, Vị bị hoãn thì huyệt Liêm Tuyền khai, vì thế nước dãi bị chảy ra, châm bổ kinh túc Thiếu Âm [Phục Lưu] (Linh khu.28, 26).