Tên khác: Co cắc kè (Thái)
Tên khoa học: Drynaria bonii Christ Họ Ráng (Polypodiaceae)
Mục lục
MÔ TẢ
Loài khuyết thực vật phụ sinh. Thân rễ dày, dẹt, mọng nước có lông cứng màu vàng nâu, bao bọc bởi những vảy. Lá có 2 loại: Lá bất thụ (hứng mùn) không cuống, màu vàng nâu, phiến nguyên lượn sóng, phủ kín thân rễ. Lá hữu thụ (làm nhiệm vụ sinh sản) có cuống dài, màu lục sẫm, phiến chẻ 7 – 9 thùy sâu, mép uốn lượn.
Túi bào tử rất nhỏ, xếp rải rác ở mặt sau lá hữu thụ, không có áo túi. Bào tử hình trái xoan, màu vàng nhạt.
Mùa sinh sản bào tử: tháng 5 – 8.
Còn có loài Drynaria Ịortunei (Kze) J.Sm. cùng họ, có điểm khác là lá bất thụ khía răng, cũng được dùng với công dụng tương tự. Loài này có tên là cốt toái bổ.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Trên thế giới, tắc kè đá phân bố ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, cây sống tự nhiên ở các tỉnh miền núi từ Bắc vào Nam. Thường gặp mọc bám vào vách đá, hốc đá, thân cây to ở chỗ ẩm mát, đất nhiều mùn.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Thân rễ, thu hái quanh năm, cắt bỏ gốc lá và rễ con, rồi cạo lông và vảy, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, ủ thân rễ cho mềm, thái miếng rồi tẩm mật hoặc rượu, sao vàng.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Thân rễ tắc kè đá chứa tinh bột, đường, hesperidin, flavonoid.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Dịch chiết thân rễ tắc kè đá có tác dụng chống viêm cấp trên súc vật thí nghiệm. Tác dụng này yếu hơn so với cốt toái bổ.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Theo kinh nghiệm dân gian, tắc kè đá được dùng chữa tê thấp, đau lưng, chân tay nhức mỏi, đau mình mẩy, vết tụ máu, thận hư.
Liều dùng trong ngày: 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc hoặc rượu ngâm.
Dùng riêng nhưng thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Dùng ngoài, thân rễ tắc kè đá để tươi, giã nát, đắp băng, chữa bong gân. Thân rễ phơi khô, tán bột, rây mịn xát vào lợi chữa chảy máu chân răng.
BÀI THUỐC
Chữa phong thấp, đau nhức gân xương, thần kinh suy nhược: Thân rễ tắc kè đá (12g), rễ và thân, lá cây lưu ký nô (12g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.