Tằm

Tên khác:            Tằm nhà, tằm dâu.

Tên khoa học: Bombyx mori L.

Họ Tằm              (Bombycidae).

MÔ TẢ

Tằm là ấu trùng của một loài côn trùng đã biến thái hoàn toàn. Trứng tằm nở ra ấu trùng, ấu trùng lớn lên, sinh trưởng nhanh và lột xác bốn lần gọi là tằm ngủ.

Lần cuối cùng, tằm trưởng thành có màu trắng hoặc vàng óng, nhả tơ bao bọc toàn thân trong 2 – 3 ngày thành kén, rồi hóa nhộng. Sau 2 – 3 tuần, nhộng lột xác biến thành con ngài, chui ra khỏi kén. Ngài cái sau khi được giao phối với ngài đực sẽ đẻ ra khoảng vài trăm trứng.

Một vòng đời tiếp theo của tằm lại diễn biến như bình thường.Bạch cương tằm

PHÂN BỐ, NƠI SỐNG

Trên thế giới, tằm phân bố ở khắp nơi, có 4 giống là tằm Trung Quốc, tằm Nhật Bản, tằm châu Âu và tằm nhiệt đới.

Ở Việt Nam, tằm đã được nuôi và phát triển từ lâu đời. Hiện nay, đã có nhiều giống tằm tốt, tằm ăn lá dâu là chủ yếu, còn có giống tằm được nuôi bằng lá sắn.

Nghề tằm tơ đã có mấy ngàn năm lịch sử.

BỘ PHẬN DÙNG, THƯ HOẠCH, CHẾ BIẾN

  • Tằm vôi là tằm chết do nhiễm nấm bệnh, có màu trắng, được thu hoạch quanh năm, nhiều hơn vào mùa xuân, thu, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, có thể sao với cát hoặc tẩm rượu.
  • Tằm chín là tằm đang làm tơ, màu vàng, cho vào nước sôi, khuấy đến khi màu trắng ngà. Rang nhỏ lửa cho đến khi có mùi thơm, màu vàng nâu. Rồi ngâm tằm với nước gừng để làm mất mùi tanh, sao đến thật khô.
  • Ngài tằm. Thường dùng con đực bắt vào 5 – 6 giò sáng, vặt cánh, bỏ đầu và chân, phơi hoặc sấy khô.

Ngoài ra, phân tằm, nhộng tằm cũng được sử dụng.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Tằm vôi chứa nhiều protid, lipid, các vitamin A, B2, D, oxalat ammoni, acid amin.

Ngài tằm đực chứa chất methyltestosteron.

Phân tằm chứa protid, histidin, các vitamin, các kích thích tố thực vật.

Nhộng tằm chứa protid, lipid, muối Ca, p, vitamin. Nhiều acid amin quý như leucin, methionin, phenyla- lanin, threonin, arginin, acid glutamic…

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Theo các tài liệu cổ, tằm vôi được dùng với tên thuốc là bạch cương tàm, chữa chứng trúng phong, kinh giản, cổ họng đau, khó thở. Liều dùng mỗi ngày 4 – 8g, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Tằm vôi phối hợp với gừng tươi, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống chữa ho.

Dùng ngoài, lấy tằm vôi giã nát, hòa với rượu, hơ nóng, đắp vào gan bàn chân chữa trẻ nhỏ hay khóc về đêm. Nước tằm vôi dùng bôi chữa lở loét, vết đen trên mặt, dùng tắm rửa trị chứng da khô bong vảy.

  • Tằm chín chữa suy nhược thần kinh, kém tiêu, ngủ ít, di mộng tinh, ít sữa, được dùng dưới dạng viên, phối hợp với một số vị thuốc khác.
  • Ngài tằm (tàm nga) được dùng dưới dạng bột, uống mỗi lần 8g với rượu vào lúc đói chữa chứng đái buốt do lậu, trộn với mật ong để bôi trị cứng lưỡi, khóc không ra tiếng ở trẻ em. (Nam dược thần hiệu).

Ngài tằm đực phối hợp với nhiều vị thuốc bổ dương khác có tác dụng chữa liệt dương.

  • Phân tằm (tàm sa hay tàm mễ) đem sao nóng, chườm và day tại chỗ chữa tê thấp, ứ huyết, chân tay tê mỏi. Phân tằm sao vàng, tán bột, uống mỗi lần 6 – 12g, có khi hơn, chữa băng huyết.

Dùng ngoài, phân tằm nấu nước tắm chữa mẩn ngứa.

  • Nhộng tằm (tàm dũng) là một vị thuốc có tác dụng bồi dưỡng, được dùng như thức ăn rất tốt cho trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ sau khi sinh.

BÀI THUỐC

  • Thuốc bổ Con tằm: Tằm chín (200g) đã chế biến. Lá dâu (500g) vò bỏ cuống và gân lá. Vừng đen (300g) sao cho thơm. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, trộn đều với mật ong để được một khối bột, rồi làm viên lg. Thuốc có màu đen, mềm, vị ngọt mặn, mùi thơm.

Ngày uống hai lần, người lớn mỗi lần 10 – 20g, trẻ em: 5 – 10g. Dùng sau mỗi bữa ăn, liền trong một tháng.

  • Thuốc bổ thận, tráng dương: Ngài tằm đực (7 con, sao giòn), tôm he bóc vỏ (20g). Tất cả giã nát, trộn với trứng gà (2 quả), rán hoặc hấp mà ăn trong ngày.
  • Chữa liệt dương, di mộng tinh: Ngài tằm đực (100g), dâm dương hoắc (60g), ba kích (50g), kim anh (50g), thục địa (40g), ngưu tất (30g), sơn thù (30g), khởi tử (20g), lá hẹ (20g), đường kính (40g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm với 2 lít rượu 40°.

Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30ml trước bữa ăn và khi đi ngủ.

 

0/50 ratings
Bình luận đóng